TP cam kết tạo môi trường thuận lợi nhất, tốt nhất cho các doanh nghiệp (DN) phát triển. Muốn vậy, phải kiên quyết đưa ra khỏi đội ngũ cán bộ, chuyên viên những người kém năng lực, nhũng nhiễu DN. Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã chỉ đạo như vậy tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo TP và doanh nhân trong nước năm 2016 với chủ đề “Lắng nghe và đổi mới” ngày 8-3.
Ông Trịnh Tiến Dũng (Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP) nêu ý kiến tại hội nghị |
Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy mong muốn các DN thẳng thắn nói ra những bức xúc dù điều đó có đụng chạm đến các sở, ban, ngành. Bởi chỉ khi DN nói thẳng, mới giúp lãnh đạo TP nhìn ra những thiếu sót để khắc phục và giải quyết ngay.
DN “khát” vốn và ngán thủ tục hành chính
Ông Huỳnh Văn Minh – Chủ tịch Hiệp hội Các DN TP khẳng định: “DN là những người lính thời bình nhưng hiện tại DN của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, đa số có quy mô vừa và nhỏ, thiếu vốn và “bị hành” về các thủ tục hành chính rườm rà, quan liêu, cửa quyền tại một số sở ngành”.
Bức xúc không kém, bà Huỳnh Thị Tuyết Dung – đại diện Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh (Q.10) – tâm tư: “Bệnh viện Vạn Hạnh được thành lập năm 2000, quy mô đạt 150 giường và đạt mọi quy định của Bộ Y tế. Đến năm 2010, Luật Khám chữa bệnh ra đời, các quy chuẩn của bệnh viện lúc này không đạt. Bộ Y tế đề nghị bệnh viện mở rộng khuôn viên, chúng tôi thực hiện nghiêm chỉ đạo này khi đầu tư hơn 100 tỷ đồng để mua đất. Tuy nhiên, Sở Tài nguyên Môi trường TP đưa ra lý do kẹt xe nên không cấp phép xây dựng cho Vạn Hạnh xây mới. Hai năm đi lên đi xuống các sở, ngành liên quan vẫn không giải quyết được. TP kêu gọi xã hội hóa nhưng với những lý do này, thực sự DN rất nản”.
“Chúng ta kêu gọi DN mạnh dạn đổi mới, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao thương hiệu, cạnh tranh với các đối tác nước ngoài nhưng đó chỉ là “hô hào”. Cả nước và TP coi cơ khí là trái tim của DN nhưng cơ chế, chính sách lại không phải như vậy. Vì trong một thời gian dài, máy móc của DN nhập vào thuế xuất bằng không. Còn DN cơ khí trong nước khi xuất khẩu thì bị áp thuế VAT. Tại sao lại có sự bất công với các DN trong nước như vậy?”, ông Đỗ Đức Tâm – Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí TP đau đáu.
Ông Vũ Hải Hà – cho rằng: “DN không thể phát triển được khi thiếu vốn và nhân lực giỏi. Tôi mong muốn, TP thành lập trung tâm tài chính không chỉ mạnh nhất nước mà còn cả khu vực để giúp DN tháo gỡ khó khăn về vốn”.
Ông Trịnh Tiến Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP – mong muốn TP quyết liệt tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục, nguồn vốn… để các DN mạnh dạn thay đổi công nghệ trong sản xuất vật liệu xây dựng. Hiện nay, nhiều DN vẫn sản xuất thủ công, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống tại một số khu vực dân cư.
Phục vụ DN vô điều kiện
Ghi nhận những ý kiến, tâm tư và cả bức xúc của các DN, ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP khẳng định: Lãnh đạo TP sẽ tiếp xúc bàn tròn theo các nhóm chuyên ngành để giải quyết có kết quả và sát với điều kiện kinh doanh của từng DN. Việc TP chưa có được một trung tâm hỗ trợ triển lãm quốc tế, mang tầm khu vực là một thiếu sót và TP sẽ khắc phục ngay khi giao cho Ban quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm kết hợp cùng một đối tác nước ngoài, lập phương án thiết kế trung tâm này trên diện tích 10ha.
Kết luận hội nghị, ông Thăng nhấn mạnh: TP sẽ phân loại, chỉ đạo các sở ngành giải quyết công khai, minh bạch cho các DN và báo cáo kết quả với Thường trực Thành ủy. Hàng tháng UBND TP phải có báo cáo cụ thể những bức xúc của DN, không đợi 1 năm mới có buổi tiếp xúc này, mà cần giải quyết từng ngày, từng tháng.
Theo ông Thăng: “Tất cả ý kiến của DN đều nằm trong 7 chương trình đột phá của TP. Bởi DN quyết định năng lực cạnh tranh của TP để TP thực sự trở thành đầu tàu, trung tâm tài chính, GD-ĐT của cả nước và khu vực. Do đó, các sở ban ngành phải coi DN là đối tượng để phục vụ vô điều kiện. Bên cạnh đó, các DN phải liên kết với nhau một cách thực sự và liên kết với cả nước mới tạo nên sức mạnh để nắm giữ thị trường trong nước…”.
“TP cam kết, tạo môi trường thuận lợi nhất cho các DN phát triển, công khai – minh bạch các chính sách, không phân biệt thành phần kinh tế, DN nhỏ hay lớn. Các DN được bình đẳng tiếp cận các chính sách đất đai, vốn hỗ trợ… Muốn vậy, phải kiên quyết đưa ra khỏi đội ngũ những người kém năng lực, nhũng nhiễu DN”, ông Thăng chỉ đạo .
Bài, ảnh: Lê Quang Huy
Bình luận (0)