Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Đưa rước công nhân về quê ăn Tết: Xe “dù” xuất bến

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Xe “dù” hoạt động nhộn nhịp tại khu vực cầu vượt An Sương, Q.12

Cả tháng nay, giới công nhân (CN) tại các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX, KCN) ở TP.HCM rộn ràng lên kế hoạch cho chuyến hành trình “xuôi phương Bắc” đón xuân với gia đình. Nắm được nhu cầu này, nhiều nhà xe quyết định bung lực lượng ra để tiếp thị, hợp đồng chở CN về quê ăn Tết.
Hợp đồng “miệng” mang tính… hên xui
Nói là hợp đồng chứ thật ra giữa những người chủ xe và CN thường không có ràng buộc gì bởi đôi bên chỉ làm việc thông qua lời hứa. Trong vai người đi tìm xe hợp đồng về Hưng Yên, tôi được chị Nguyễn Thu Hà (làm việc tại KCN Sóng Thần – Bình Dương) cung cấp cho mấy số điện thoại để gọi đặt xe. Qua điện thoại 09133068…, tôi trò chuyện với anh Tính, chủ xe chuyên chở CN về quê ăn Tết ở KCX Linh Trung. Anh Tính bảo: “Nếu đi đông (trên 5 người), tôi sẽ cho xe đến đón tại nhà, còn đi lẻ thì hẹn anh trước cổng KCN Sóng Thần. 8h sáng các ngày từ 22 đến 29-12 (âm lịch), nhà xe chúng tôi đều có một chuyến về Bắc”. “Nhưng biết xe nào của anh đâu mà tôi chờ để đón?”, tôi hỏi. “Thì đúng giờ anh cứ đến đó rồi điện thoại cho tôi, tôi sẽ cho biết biển số và màu xe. Yên tâm đi, chỗ làm ăn uy tín nhiều năm, không ai gạt anh đâu mà sợ”, anh Tính trấn an tôi rồi cúp máy.
Qua dò hỏi chúng tôi được biết, hiện nay đa phần CN làm việc tại các KCN, KCX dọc theo xa lộ Đại Hàn như Linh Trung (Q.Thủ Đức), Sóng Thần (Bình Dương), Tân Thới Hiệp (Q.12), Tân Tạo (huyện Bình Chánh), Vĩnh Lộc (Q.Bình Tân)… đã được các nhà xe chuyên chạy tuyến Bắc – Nam bao trọn gói về quê ăn Tết. Thậm chí nhiều người còn nắm trong tay cả chục số điện thoại của các chủ xe. Anh Chu Quang Hùng (quê Thái Bình, làm tại KCX Linh Trung gần 10 năm nay) cho hay: “Năm nào tôi cũng về quê ăn Tết theo kiểu này. Thanh niên trai tráng mà, xe “dù”, hợp đồng “miệng” cũng không vấn đề gì. Miễn sao đi đến nơi về đến chốn là được”. Với “kinh nghiệm” nhiều năm đón xe “dù”, anh Hùng chân thành khuyên tôi đừng nên đi xe của anh Tính mà nên đi xe của chị Thủy. Theo anh, xe của chị Thủy mới hơn và chạy êm hơn.
Theo số điện thoại bàn 381532… anh Hùng cho, tôi gặp chủ nhà xe Thủy. Chị Thủy nói: “Từ 20 đến 29 tháng chạp, xe của chị ngày nào cũng có chuyến về Bắc. Em quyết định ngày về đi rồi điện thoại đăng ký với chị. Tới gần ngày đó chị cho địa điểm và đưa xe đến rước em”. Tôi hỏi giá cả thì chị Thủy cho biết, năm nay vé tăng thêm 50 ngàn đồng/khách so với giá thị trường vì xăng dầu lên giá. Tôi vờ so sánh với xe của anh Tính, như gãi đúng chỗ ngứa, chị Thủy phán ngay: “Xe của thằng Tính toàn là xe mướn, làm gì có xe mà chạy. Em hợp đồng với nó coi chừng “bể kèo” thì không về quê ăn Tết được đó. Trong giới xe đò Bắc – Nam ai mà không biết chiêu bung xe của thằng Tính. Nó chỉ chụp giật được ba ngày xuân, chứ ngày thường ai mà đi xe kém chất lượng như vậy”.
Lời cảnh báo từ những chuyến xe năm cũ
Nghe hỏi thăm về các dịch vụ xe đưa rước CN về quê ăn Tết, nhiều người tỏ ra bức xúc và khuyên đừng chọn dịch vụ này. Chị em chị Hoàng Thị An và Hoàng Thị Anh (quê Hải Dương) vẫn còn tức tối khi nhớ lại chuyến về quê ăn Tết năm ngoái: “8h sáng ngày 26 tháng chạp, hành lý trong tay, hai chị em tôi háo hức ra cổng KCX Linh Trung đón xe. Đang trông đợi thì chiếc xe đò mang biển số 62L 301… đã hợp đồng sẵn trờ tới. Trên xe lúc này chỉ lác đác vài người. Hai chị em vội vã mang hành lý lên xe. Chiếc xe chạy lòng vòng từ các KCN của Q.12, huyện Bình Chánh đến Bình Dương để bắt khách mãi đến 12h khuya mới rời khỏi thành phố. Trước lúc xuất bến, xe nhét được 90 người trong khi số ghế chỉ được phép chở 47 người. Hậu quả, Tết năm ngoái chị em chúng tôi phải đón xuân trên giường bệnh”.
Anh Nông Khắc Huy (quê Thái Nguyên, làm việc tại Công ty Duy Hưng, KCN Sóng Thần) không quên được những phút giây bực bội mà mình đã phải “nếm” trên chuyến xe về quê năm ngoái: “Vào khoảng 5h chiều ngày 27 tháng chạp, tôi và một người bạn leo lên chiếc xe đề biển TP.HCM – Bắc Kạn đã đặt chỗ bằng miệng trước đó. Trên xe lúc này đã chật cứng người nên chúng tôi đành ngồi ghế xúp. Xe qua khỏi ngã tư Bình Phước, tên phụ xe đến thu tiền và đòi thêm mỗi người 50 ngàn đồng gọi là tiền bốc xếp. Chúng tôi cự cãi liền bị chúng đánh mấy cái vào mặt và dọa tống xuống xe bất cứ lúc nào. Nhiều hành khách trên xe thấy vậy đành bấm bụng đưa tiền mà không dám phản kháng”.
Bài, ảnh: Huỳnh Sang

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)