Làm sao để việc đưa sản phẩm khởi nghiệp của các bạn trẻ ra thế giới không còn là mơ ước… xa vời và khó thực hiện? Chương trình tọa đàm “Cơ hội vươn tầm ra quốc tế của startup” do Trường ĐH Mở TP.HCM tổ chức đã giải đáp phần nào tâm tư, trăn trở của nhiều sinh viên trên con đường khởi nghiệp.
Các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm
Còn nhiều e ngại
Ông Nguyễn Trí Nhân (Cố vấn cao cấp cho nhiều đơn vị, tập đoàn lớn của Mỹ) cho hay, hiện nay một số bạn trẻ nghĩ câu chuyện đưa sản phẩm khởi nghiệp đi ra thế giới là rất xa vời. Nhiều bạn khi xác định thị trường sản phẩm khởi nghiệp thường chọn TP.HCM và Hà Nội vì tính đông đúc dân cư, thu nhập người dân cao dễ chi trả mua sản phẩm. Với thị trường nhiều nước trên thế giới, có bạn trẻ dù khao khát nhưng còn e ngại chưa đủ tự tin tiếp cận hoặc không biết cách tiếp cận như thế nào. Tuy nhiên, theo ông Nhân, thực tế đã có những sản phẩm tuy nhỏ, rẻ ở Việt Nam nhưng khi ra thế giới lại trở nên độc đáo, thu hút như sản phẩm handmade nến, mật ong… Ông nêu một dẫn chứng cụ thể hơn, trước đây có một nhà khởi nghiệp trẻ từng tạo ra bột giặt sinh học, bán tại các chợ ở Việt Nam với giá 100 ngàn đồng cho 1 can 4,2 lít; tức 22 ngàn đồng/lít, nhưng không ai mua. Khi hoàn thiện sản phẩm, đem sang thị trường Mỹ lại bán được với giá 400 ngàn đồng/lít. Sau khi chinh phục được thị trường Mỹ, nhà khởi nghiệp trẻ này mới quay lại tiếp cận thị trường Việt Nam một lần nữa và đã bán được thành công với giá 100 ngàn đồng/lít, gấp gần 5 lần so với giá ban đầu.
Dẫn thêm nhiều câu chuyện đem sản phẩm khởi nghiệp từ những người trẻ khác ra thế giới, ông Nhân cho rằng việc mở rộng thị trường cho sản phẩm khởi nghiệp ra nhiều nước, thậm chí là các nước phát triển là hoàn toàn có thể. Song các bạn trẻ cần biết cách đi đúng hướng; khởi nghiệp bài bản, khổ luyện, nghiêm túc và tìm được người hướng dẫn phù hợp.
“Đứng trên vai người khổng lồ”
Nhìn nhận khởi nghiệp vươn tầm quốc tế là không hề đơn giản, ông Ngô Đắc Thuần (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần IP Group) chỉ ra có hai việc cần lưu ý để đem sản phẩm khởi nghiệp ra thế giới nhằm thương mại hoặc mở rộng thị trường. Thứ nhất, xác lập quyền sở hữu trí tuệ từ trong ra ngoài sản phẩm. Với bên trong, cần đăng ký bao vây được bằng độc quyền sáng chế sản phẩm đó; biết lưu trữ, bảo hộ, bảo vệ được bí mật kinh doanh, bí quyết công nghệ làm ra sản phẩm hoặc bảo vệ được tác phẩm khoa học – nghệ thuật được tác giả viết ra nhằm giới thiệu về sản phẩm; hướng dẫn sử dụng sản phẩm. Bên cạnh đó, cần bảo vệ cái áo bề ngoài của sản phẩm đó, như: Dấu hiệu nhận biết, phân biệt giữa sản phẩm/dịch vụ hàng hóa này với sản phẩm tương tự của đối thủ cạnh tranh khác. Thứ hai, người khởi nghiệp cần chủ động tìm hiểu, học hỏi và mạnh dạn tiếp cận ngay với các tiêu chí, tiêu chuẩn của đất nước mà mình muốn thương mại sản phẩm đó. Theo ông Thuần, để thị trường chấp nhận và để sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường thì ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp cần đáp ứng được nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống của người tiêu dùng thông qua việc hình thành thói quen sử dụng thường xuyên, thay vì chỉ là vài lần mua ủng hộ hoặc để chiêm ngưỡng vì sản phẩm có mang một đặc tính nào đó. Những ý tưởng khởi nghiệp thường tập trung vào một trong hai dạng. Thứ nhất, sản phẩm khởi nghiệp phải mới, đến mức đôi khi người xung quanh hoài nghi rằng không thể làm được… Thứ hai, từ những cái đã có, người khởi nghiệp làm cho mới hơn, tốt hơn, giá trị hơn hoặc giá cả mềm hơn những cái đã có. Ở dạng này, cần làm thật nhanh vì tính cạnh tranh rất khốc liệt, đối thủ có lực lớn có thể nhảy vào lấn sân. Ông Thuần cũng nhận định, khởi nghiệp ở dạng thứ nhất với việc tạo ra cái mới, đột phá là không hề dễ; đòi hỏi người trẻ tư duy sáng tạo cao, có kiến thức nền tốt về khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật… Khi chưa đủ tầm, chưa đủ lực, chưa đủ giỏi ở lĩnh vực khoa học tự nhiên để tạo ra những sản phẩm thật mới, thật sáng tạo ở trình độ cao, các bạn trẻ có thể đi theo hướng tạo ra sản phẩm khởi nghiệp từ các cơ sở dữ liệu sản phẩm mà thế giới đã có hay từ những sáng chế thế giới đã có. Phương pháp này có thể được ví như “đứng trên vai người khổng lồ”, muốn thực hiện, các bạn trẻ cần đọc nhiều sáng chế để tìm hiểu, mở rộng hiểu biết, trang bị kiến thức liên quan.
Nhiều sinh viên cảm thấy chưa đủ tự tin khi đề cập đến việc đưa sản phẩm khởi nghiệp vươn tầm thế giới
Từ những “kinh nghiệm xương máu” của bản thân, ông Nguyễn Trí Nhân cũng khuyên, để sản phẩm khởi nghiệp vươn ra thế giới, các bạn trẻ cần hiểu được thị trường và phải có được sản phẩm. Để hiểu được thị trường, các bạn trẻ cần nghiên cứu dựa trên dữ liệu lớn. Nhận định Việt Nam có nhiều sản phẩm có tiềm năng vươn ra thế giới nhất là về nông sản, thảo dược, ông Nhân lưu ý những nhà khởi nghiệp trẻ khi tính chuyện vươn tầm ra thế giới, cần tạo được sản phẩm tốt đáp ứng được thị trường, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng để lưu hành tại nước mình muốn phát triển sản phẩm.
Bài, ảnh: Thục Trân
Bình luận (0)