Quan sát sự chuyển động của ánh nắng, dòng nước, đo nhiệt độ ánh nắng qua kính lúp, trồng cây thủy canh, khám phá cát… là chuỗi những trải nghiệm ngoài trời độc đáo được thực hiện theo định hướng giáo dục STEAM được Trường Mầm non Hoa Mai (Q.3) tổ chức cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi trong chuyên đề mới đây. Cũng bằng phương pháp giáo dục này, trẻ còn được làm quen với chữ viết tại phòng học thông minh, tương tác với giáo viên qua các phần mềm sinh động…
Cô và trẻ tương tác với nhau trong giờ làm quen với chữ viết tại phòng học thông minh
Sau 3 năm mạnh dạn và tiên phong triển khai giáo dục STEAM, những cấu trúc truyền thống trong giáo dục trẻ bậc mầm non đã không hề bị phá vỡ, mà ngược lại, môi trường giáo dục trẻ tại nhà trường đã có sự cải thiện, hướng trẻ đến sự năng động, sáng tạo, trải nghiệm, hình thành cho trẻ những kỹ năng sống cần thiết, là hành trang để trẻ tự tin bước vào bậc tiểu học.
Trẻ lớn lên trong từng bài học
“Các con có biết bóng của mình từ đâu mà có không? Nào, giờ các con nhìn xem cái bóng của mình sẽ như thế nào nếu các con đứng yên một chỗ…”, cô Đoàn Thị Ngọc Hiền (giáo viên lớp mẫu giáo 5 tuổi – 5C) đặt câu hỏi cho trẻ lớp 5C khi dẫn trẻ xuống sân quan sát ánh nắng mặt trời.
Ngoài quan sát sự chuyển động của tia nắng mặt trời, với “thử thách” quan sát ánh mặt trời, trẻ còn được tham gia vào các trò chơi: khám phá hiện tượng quang phổ; tạo cầu vồng từ đĩa CD; tìm hiểu về nhiệt lượng của ánh nắng mặt trời qua kính lúp… Trong suốt những trải nghiệm, trẻ say sưa quan sát, say sưa thực hành, bày tỏ sự thích thú, reo vui khi thí nghiệm nhiệt lượng ánh nắng mặt trời xuyên qua kính lúp đã làm cháy miếng giấy nhỏ. Không chỉ dừng ở việc quan sát và thực hành, trong mỗi hoạt động trẻ còn ghi chép lại những điều mình đã quan sát và cảm nhận dựa trên những hướng dẫn có sẵn…
Ngoài ánh nắng, tại vườn thiên nhiên của bé, trẻ được khám phá sự chuyển động của dòng nước và ứng dụng của cát qua các trò chơi trải nghiệm làm máy bơm tự tạo, làm hệ thống ròng rọc vận chuyển đưa cát lên cao… Những trải nghiệm này mang đến cho trẻ sự tự do khám phá, vui chơi “một cách có khoa học” cùng nước và cát, từ đó nhận thức được sự hiện diện của nước và cát trong đời sống, giúp trẻ có thêm kỹ năng ứng phó với các vấn đề thực tế. Cũng trong chuỗi các hoạt động trải nghiệm ngoài trời theo định hướng giáo dục STEAM, trẻ còn được thực hành trồng cây thủy canh tại vườn cây thủy canh của trường, qua đó phân biệt các phương pháp trồng cây phổ biến trong gia đình như phương pháp trồng cây nhỏ giọt, thủy canh tĩnh, thủy canh đối lưu, khí canh…, trải nghiệm cùng giáo viên tự làm phân bón cây trồng.
Trán còn lấm tấm mồ hôi sau các hoạt động vui chơi cùng trẻ ngoài trời, song cô Đoàn Thị Ngọc Hiền tỏ ra vô cùng hào hứng. Vừa chỉ tay vào các bạn nhỏ đang chăm chú quan sát ánh nắng qua kính lúp, cô Hiền vui vẻ: Qua mỗi hoạt động vui chơi, bằng nhiều cách khác nhau đều là cơ hội để trẻ được học hỏi, khám phá và nhận thức về thế giới xung quanh, mở ra cánh cửa để trẻ nuôi dưỡng những ước mơ từ chính niềm ham thích và trí tò mò.
“Ở bậc mầm non, hoạt động vui chơi ngoài trời là một hoạt động không thể thiếu trong nội dung giáo dục trẻ. Các hoạt động ngoài trời luôn tạo ra hứng thú cho trẻ, mang lại cho trẻ nhiều niềm vui, tò mò về thế giới xung quanh. Từ chính lợi thế này, khi đổi mới, tổ chức hoạt động ngoài trời theo định hướng giáo dục STEAM, trẻ được trải nghiệm nhiều hơn, học hỏi và khám phá nhiều hơn, lớn lên qua từng hoạt động, ham thích việc đến trường…”, cô Hiền bày tỏ.
Hướng đến niềm ham thích của trẻ
STEAM được biết đến là phương pháp giáo dục không quá xa lạ trong giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, ở bậc mầm non, phương pháp giáo dục này còn khá mới mẻ. Việc triển khai giáo dục STEAM đối với bậc học này không chỉ gặp khó về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên mà còn là “rào cản” từ phía nhận thức của trẻ. Vượt qua những “rào cản” của bậc học, tại Trường Mầm non Hoa Mai, giáo dục STEAM được đưa vào và triển khai mạnh mẽ trong gần 3 năm nay. Một trong những điểm nhấn trong phương pháp giáo dục STEAM tại trường kể đến việc tổ chức hoạt động giáo dục tại phòng học thông minh. Trong hoạt động trẻ làm quen với chữ viết, từ trái nghĩa, hình ảnh và bài tập đều được giáo viên thiết kế qua phần mềm để “chuyển” đến học sinh. Xuyên suốt hoạt động, trẻ và giáo viên tương tác với nhau qua iPad, tùy vào năng lực của trẻ, giáo viên sẽ giao cho trẻ các bài tập khác nhau…
“Khi dạy trẻ mầm non làm quen với chữ viết, không đơn thuần chỉ là dạy trẻ nhận biết mặt chữ mà phải dạy cho trẻ ở cả 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết, có như vậy trẻ mới có sự ham thích, hứng thú. Với phòng học thông minh, màn hình tương tác của giáo viên sẽ kết nối với iPad học sinh bằng phần mềm Smart Class, giúp trẻ trang bị được cùng lúc 4 kỹ năng khi làm quen với chữ viết. Đặc biệt, khi được học trên máy tính bảng, gắn tai nghe, trẻ cũng sẽ cảm thấy thích thú và hào hứng hơn rất nhiều”, cô Lu Thị Kim Chi (giáo viên lớp mẫu giáo 5 tuổi – 5A) cho hay.
Theo cô Chi, đa phần trẻ mầm non được tiếp cận với CNTT thông qua ba mẹ chủ yếu là điện thoại, máy tính để xem YouTube, chơi game. Do vậy, khi được làm quen với các phần mềm trong giờ học ở phòng học thông minh cũng là cách giúp trẻ khám phá thêm một thế giới mới của CNTT để thực hành trong đời sống.
Trẻ thích thú quan sát ánh nắng qua thí nghiệm với kính lúp
Thầy Lương Trọng Bình – Hiệu trưởng nhà trường – nhận định, yếu tố tiên quyết quyết định thành bại của việc triển khai giáo dục STEAM ở bậc mầm non là lực lượng giáo viên. Trong đó, giáo viên phải chịu đổi mới trong tư duy và cả phương pháp tiếp cận trẻ. Căn cứ vào chính năng lực và nhu cầu của trẻ để thiết kế các hoạt động theo hướng khám phá, học hỏi, hướng đến trả lời câu hỏi “sau mỗi hoạt động trẻ làm được gì”. “STEAM bậc mầm non không phải là gì đó cao siêu, đòi hỏi cao. Thực chất, đó chỉ là những hoạt động xuất phát từ chính cuộc sống xung quanh trẻ, là những điều mà trẻ nhìn thấy hàng ngày, nhưng được tổ chức theo cách thức giúp trẻ tìm hiểu nguyên lý và vận dụng được nguyên lý đó vào cuộc sống. Từ những trải nghiệm này sẽ giúp trẻ tự tin hơn, hoạt bát hơn để bước vào môi trường phổ thông…”.
Với quan điểm này, tại Trường Mầm non Hoa Mai, STEAM được triển khai bằng cách đưa vào trong chương trình giáo dục mầm non, lồng ghép trong những bài học hàng ngày, bao trùm trong mọi hoạt động vui chơi của trẻ qua các góc trải nghiệm. “Không phá vỡ cấu trúc của giáo dục mầm non mà ở mỗi hoạt động đều được giáo viên thiết kế sao cho phù hợp với mục tiêu giáo dục trẻ. Tận dụng các thiết chế sẵn có trong khuôn viên trường, khai thác hiệu quả môi trường trong lớp, ngoài trời để tổ chức các hoạt động trải nghiệm gắn với đời sống của trẻ. Quan trọng nhất là vấn đề mà giáo viên đặt ra trong mỗi hoạt động phải tạo ra sự hứng thú cho trẻ, khiến trẻ thích thú, say mê khi tham gia để “vỡ” ra nhiều điều…”, thầy Bình bổ sung.
Đỗ Giang Quân
Bình luận (0)