Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Đưa thịt heo về giá đúng

Tạp Chí Giáo Dục

“Tôi muốn bán thịt cho người tiêu dùng đúng với giá trị thật”, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ An Hạ (TP.HCM), nói về việc giá bán thịt heo của đơn vị này “rẻ bất ngờ”.
Trước đó, dư luận vô cùng bức xúc khi giá heo hơi giảm mạnh nhưng giá thịt đến tay người tiêu dùng vẫn cao chót vót. Ngay một số doanh nghiệp (DN) thực phẩm được mời đến "giải cứu" heo cũng chỉ giảm nhỏ giọt để thu lợi. Đến thời điểm hiện nay, giá heo hơi vẫn rất thấp nhưng giá thịt ở các chợ, siêu thị vẫn neo ở mức cao.
Thịt heo VietGAP, giá rẻ của An Hạ lúc nào cũng đông khách /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Thịt heo VietGAP, giá rẻ của An Hạ lúc nào cũng đông khách – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Giảm giá cũng… thấp thỏm
 
 
Đưa thịt heo về giá đúng - ảnh 1
Họ bán được giá thấp so với mặt bằng chung như vậy là vì chấp nhận cắt giảm lợi nhuận về mức vừa phải… Đây là hành động rất đáng hoan nghênh của DN cả về mặt xã hội và kinh doanh. Tôi cho rằng hành động đó nếu được xã hội quan tâm ủng hộ và DN kiên trì thực hiện sẽ tạo thành phong trào, buộc các DN khác giảm giá theo để cạnh tranh
Đưa thịt heo về giá đúng - ảnh 2
 
    TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá (Bộ Tài chính)
 

Ngày 3.6, Công ty An Hạ chính thức ra mắt điểm bán thịt sạch (chuẩn VietGAP) tại số 308B Nơ Trang Long (Q.Bình Thạnh) và chợ phiên nông sản an toàn tại 195 – 197 Cao Thắng nối dài (Q.10). Chợ phiên nông sản an toàn là hoạt động do Sở NN-PTNT TP.HCM tổ chức. Giá thịt heo do An Hạ bán ra thấp hơn từ 20.000 – 40.000 đồng so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Cụ thể như đùi, vai, nách, cốt lết giá 45.000 đồng/kg, trong khi đó sản phẩm của Vissan bán tại siêu thị Co.op Mart Nguyễn Đình Chiểu (Q.3) thịt đùi, cốt lết 77.500 đồng/kg; vai, nách đồng giá 71.500 đồng/kg. An Hạ bán xương các loại 35.000 đồng/kg, còn Vissan là 58.000 – 78.000 đồng/kg. Thậm chí, có sản phẩm An Hạ bán thấp hơn gần 50% là sườn non 85.000 đồng/kg trong khi Vissan là 158.000 đồng/kg.

Lý giải về mức giá sốc nói trên, bà Thắm cho biết thực tế giá heo hơi hiện vẫn ở giá thấp, heo thường 23.000 – 24.000 đồng/kg, heo VietGAP 27.000 – 28.000 đồng/kg. Với mức giá này thịt heo đến chợ đầu mối trung bình cũng chỉ 30.000 – 40.000 đồng/kg nhưng đến tay người tiêu dùng đã vọt lên gấp đôi, gấp ba lần. “Trong khi người chăn nuôi thua lỗ, không bán được heo mà người tiêu dùng cũng không được ăn thịt giá rẻ là điều vô lý. Là người trong ngành tôi cũng rất bức xúc và suy nghĩ rất nhiều”, bà Thắm nói và thật lòng chia sẻ “rất trăn trở khi bán với mức giá thấp như nói trên”. “An Hạ chỉ là DN tầm trung, còn bao nhiêu đại gia khác trong ngành nên tôi cũng rất đắn đo. Nếu mình bán thấp hơn giá thị trường, các DN khác sẽ gây khó dễ, tạo sức ép… sau này rất khó làm ăn. Tuy nhiên, chúng tôi quyết định vẫn làm vì mình có đầy đủ giấy tờ, hóa đơn chứng từ để chứng minh An Hạ không phá giá. Bán thịt heo với giá này là đúng với giá trị thật ở thời điểm giá heo hơi hiện nay. Với giá này mỗi con heo công ty vẫn lời khoảng 100.000 đồng. Hoạt động này thành công cũng nhờ sự ủng hộ của lãnh đạo ngành nông nghiệp thành phố”, bà Thắm nói.
Cũng theo bà Thắm, trong ngày đầu chuẩn bị 10 con heo và mở cửa từ 6 giờ sáng, chưa đầy 2 giờ đồng hồ đã bán hết sạch. Đến ngày thứ hai, từ 4 – 5 giờ sáng đã có người đến xếp hàng chờ mua thịt heo. “Chúng tôi phải mổ thêm mới đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng, tổng số heo bán ra đến 60 con. Trong buổi sáng 5.6 bán hết 25 con, lúc nào cửa hàng cũng tấp nập khách. Chúng tôi mở bán suốt cả ngày để phục vụ nhu cầu khách hàng”, bà Thắm cho biết.
Thị trường có giảm theo ?
An Hạ có phá giá hay không khi bán chỉ bằng 50 – 60% giá thịt heo trên thị trường? Chuyên gia giá cả, TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá (Bộ Tài chính), phân tích: Bán phá giá là hành động bán dưới giá thị trường để tiêu diệt đối thủ, chiếm thế độc quyền trên thị trường. An Hạ có quy mô vừa phải trong khi thị trường thịt heo rộng lớn như vậy thì không chỉ An Hạ mà không có DN nào đủ sức bán phá giá. Nên nói phá giá là hoàn toàn không có cơ sở. "Họ bán được giá thấp so với mặt bằng chung như vậy là vì chấp nhận cắt giảm lợi nhuận về mức vừa phải; đồng thời họ có công nghệ, quản lý tốt, cắt giảm được các khâu trung gian. Đây là hành động rất đáng hoan nghênh của DN cả về mặt xã hội và kinh doanh. Tôi cho rằng hành động đó nếu được xã hội quan tâm ủng hộ và DN kiên trì thực hiện sẽ tạo thành phong trào, buộc các DN khác giảm giá theo để cạnh tranh. Từ 1 sẽ phát triển lên 2 – 3 DN và rồi tất cả phải giảm giá, đưa thịt heo về với giá trị thật. Nếu có những DN lớn vẫn giữ giá để ăn “dày” cũng sẽ mất uy tín trong lòng người tiêu dùng”, ông Long nhận định.
Trước đó, để bảo vệ mức giá cao phi lý của mình, nhiều DN cho rằng chỉ có thể giảm giá thịt heo 5 – 15% vì các chi phí trung gian rất cao, gây đội giá. Nhưng thực tế, hầu hết các loại chi phí (điện, nước, thuế, phí, lương công nhân…) từ năm ngoái đến thời điểm này gần như cố định. Trong khi đó giá nguyên liệu đầu vào – yếu tố chính cấu thành giá bán sản phẩm giảm đến hơn 50 – 60% nên giá sản phẩm đầu ra chỉ giảm 5 – 10% là không hợp lý. Một chuyên gia khuyến cáo: “Hiện nhiều DN chế biến hưởng lợi rất lớn. Tuy nhiên không nên nhìn vào lợi nhuận ngắn hạn vì cứ duy trì tình trạng này càng lâu thì nông dân, trang trại và các DN nội địa nhỏ chết càng nhiều, không còn ai dám chăn nuôi. Ngành chăn nuôi sẽ rơi vào tay các DN nước ngoài, lúc đó sẽ rất khó cho các DN trong ngành thực phẩm tồn tại, phát triển”.
Đưa thịt heo về giá đúng

Vissan lãi lớn
Trong một thông báo gửi báo chí mới đây, Công ty CP kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho biết “Giảm giá sốc các mặt hàng thịt heo VietGAP loại I (loại ngon nhất) từ 30 – 42%, tại toàn bộ điểm bán thịt tươi sống trên kênh siêu thị của công ty”. Tuy nhiên, thông báo này nêu chương trình chỉ áp dụng trong 5 ngày, từ 6 – 10.6.2017. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó trưởng phòng Thị trường của Vissan, nói: “Trước đó chúng tôi đã giảm giá từ 5 – 15% tùy theo sản phẩm. Hồi cuối tháng 5 vừa rồi, trong cuộc họp tại thành ủy người ta kêu gọi tiếp tục giảm giá hưởng ứng chương trình “Hỗ trợ hộ chăn nuôi – Trợ giá người tiêu dùng” thì mình giảm tiếp thôi”. Cũng theo thông báo này: “Việc Vissan triển khai chương trình giảm giá từ 30 –  42% các mặt hàng thịt heo VietGAP đã khẳng định cam kết và trách nhiệm của công ty đối với việc giải cứu đàn heo, từ đó hỗ trợ và chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi. Đồng thời, chương trình cũng nhằm kích thích, tăng sức mua và trợ giá cho người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm thịt heo VietGAP của công ty”.
Ở một động thái khác, Vissan mã chứng khoán VSN vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2017. Theo đó, doanh thu đạt 979 tỉ đồng, giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ, tuy nhiên giá vốn giảm sâu đến 6% nên lợi nhuận gộp thu về 265 tỉ đồng, tăng đến 17% so với lợi nhuận gộp đạt được quý 1 năm ngoái. Nguyên nhân giá vốn giảm do giá heo hơi đầu vào bình quân quý 1 giảm mạnh.

Chí Nhân (TNO)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)