Được biết, từ ngày 16/8, Bộ Y tế phối hợp với TPHCM sẽ triển khai chương trình chăm sóc tại nhà (home-based care) cho các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 điều trị ngoại trú tại TPHCM. Chương trình sẽ sử dụng có kiểm soát ngoài cộng đồng thuốc Molnupiravir.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã sửa đổi các phác đồ về điều trị theo cách thức tiếp cận rộng rãi hơn, đảm bảo tiếp cận rộng rãi với tất cả các loại thuốc. Tới đây, Bộ sẽ triển khai thí điểm chương trình điều trị tại nhà, sử dụng thuốc Molnupiravir là một trong những thuốc được đánh giá làm giảm nhanh nồng độ virus.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đây là một trong những thuốc được đánh giá giúp giảm nồng độ virus SARS-CoV-2 tốt nhất. Theo Bộ Y tế, thuốc kháng virus Molnupiravir đã được nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng tại Mỹ, Ấn Độ, cho kết quả khả quan về tính an toàn, khả năng dung nạp, đặc biệt giảm tải lượng virus rõ rệt và làm sạch virus ở bệnh nhân thể nhẹ và vừa sau 5 ngày điều trị, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm tử vong.
Hiện nay, Hội đồng Đạo đức, khoa học của Bộ Y tế và các chuyên gia đang tập hợp để sớm triển khai vấn đề này khi có thuốc Molnupiravir. Bộ Y tế cũng đề nghị các cơ sở nhập thuốc, tăng vấn đề sản xuất thuốc này khi có điều kiện sẽ sử dụng.
Đồng thời đề nghị các doanh nghiệp có khả năng sản xuất thuốc này có thể trao đổi với các doanh nghiệp có bản quyền để chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc. Đây là vấn đề rất quan trọng trong điều trị tại cộng đồng.
Sau khi tham khảo ý kiến các chuyên gia hàng đầu trong nước, Bộ Y tế và tập đoàn Vingroup triển khai chương trình chăm sóc tại nhà (home-based care) có kiểm soát cho các trường hợp F0 cách ly tại nhà và tại các khu cách ly.
Chương trình được kỳ vọng sẽ cung cấp hệ thống tư vấn và quản lý sức khỏe trong phòng, chống dịch COVID-19; Hỗ trợ hộp thuốc home-based care và một số sản phẩm nâng cao sức khỏe, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Bộ Y tế khẳng định việc cung cấp và sử dụng thuốc Molnupiriavir trong chương trình được tư vấn, hướng dẫn, theo dõi, kiểm soát chặt chẽ, ghi nhận và đánh giá bởi các chuyên gia, cán bộ y tế.
Dựa trên kết quả tổng kết đánh giá, chương trình sẽ được xem xét để tiếp tục triển khai nhân rộng tại các cơ sở thu dung, điều trị của các địa phương, tỉnh, thành phố đang có dịch COVID-19.
Theo Bộ Y tế, cùng với việc điều trị các trường hợp F0 thể nhẹ nhằm giảm chuyển nặng, giảm tử vong, một trong những ưu tiên của ngành Y tế trong chiến lược phòng chống dịch COVID-19 hiện nay là điều trị các trường hợp nhiễm COVID-19 chưa có triệu chứng (tại các trung tâm thu dung hoặc tại nhà khi bảo đảm đủ các điều kiện cần thiết) và chăm sóc phù hợp về dinh dưỡng, thể chất, tinh thần.
Điều này nhằm giảm tỷ lệ F0 có triệu chứng, giảm lây nhiễm chéo (nếu cách ly tập trung) và giảm lây lan ra cộng đồng (nếu cách ly tại nhà).
Ngoài ra, với các thuốc điều trị cho bệnh nhân nặng hiện nay, Việt Nam đang có thuốc Remdesivir (đã về một đợt) và một số thuốc kháng virus khác. “Coi thuốc kháng virus là một trong các vũ khí chống lại virus để áp dụng cho bệnh nhân theo từng mức độ hướng dẫn chuyên môn và có thể áp dụng đại trà”, Bộ trưởng nói.
Thuốc Molnupiravir, do các chuyên gia của Merk và Rigibel (Mỹ) nghiên cứu và phát triển, đã hoàn tất 2 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, đạt hiệu quả 100% đối với tất cả bệnh nhân COVID-19.
Molnupiravir thuộc nhóm thuốc kháng virus mang tên “chất ức chế polymerase”, hoạt động bằng cách tấn công vào một loại enzym mà virus dùng để sao chép vật liệu di truyền rồi đưa vào đó các đột biến khiến virus không thể tái tạo. Vì kháng thể tấn công protein bề mặt của virus SARS-CoV-2 liên tục tiến hóa, nên thuốc kháng virus được trông đợi sẽ chống lại được nhiều biến thể hơn.
Không giống Remdesivir – được tiêm vào tĩnh mạch, Molnupiravir được bào chế ở dạng viên, sử dụng qua đường uống, có thể được dùng để điều trị trong giai đoạn đầu của bệnh.
Bình luận (0)