Trong Quyết định 712/QĐ-BGDĐT do Bộ GD-ĐT ban hành về Chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Hàn, tiếng Đức – ngoại ngữ 1, hệ 10 năm thí điểm, môn tiếng Hàn, tiếng Đức sẽ trở thành ngoại ngữ 1, được tổ chức giảng từ lớp 3 – lớp 12, nhằm tăng thêm sự lựa chọn cho học sinh, giảm bớt áp lực khi học ngoại ngữ trong nhà trường.
Học sinh Trường THPT Thủ Đức đã được học tiếng Hàn từ nhiều năm nay
Trước đó, tiếng Hàn, tiếng Đức là hai ngôn ngữ nằm trong danh sách ngoại ngữ 2 – tức là môn học tự chọn. Tuy nhiên, khi chính thức đưa vào thí điểm, hai ngôn ngữ này sẽ nằm trong danh sách các môn ngoại ngữ bắt buộc – ngoại ngữ 1, bao gồm các môn khác: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Nga, tiếng Nhật.
Nhìn nhận tại TP.HCM, các nhà trường đã từng triển khai hai ngoại ngữ này đánh giá, việc đưa hai ngôn ngữ này trở thành ngoại ngữ 1 là phù hợp với xu thế hội nhập, mở rộng thêm cơ hội hội nhập, phát triển cho học sinh.
Tại TP.HCM, Trường THPT Thủ Đức (TP.Thủ Đức) là đơn vị nhiều năm nay đưa bộ môn tiếng Hàn vào giảng dạy trong nhà trường theo diện ngoại ngữ 2. Thầy Lê Ngọc Khái (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết, nhu cầu của học sinh theo học ngôn ngữ này mỗi năm mỗi tăng, từ những năm đầu tiên chỉ có khoảng 100 học sinh tham gia cho đến nay con số này đã lên tới hơn 300 học sinh.
Riêng trong năm học 2020-2021, Trường THPT Thủ Đức được Bộ GD-ĐT lựa chọn dạy thí điểm tiếng Hàn là ngoại ngữ 1 cho những học sinh đã theo học bộ môn này từ cấp THCS. Như vậy, hiện tại bộ môn tiếng Hàn được triển khai giảng dạy tại trường theo 2 chương trình: Ngoại ngữ 1 (3 tiết/tuần) và ngoại ngữ 2 (2 tiết/tuần). “Số học sinh lớp 10 đang theo học chương trình ngoại ngữ 1 chỉ có 6 em, vì các em đã theo học trước đó môn tiếng Hàn ở bậc THCS. Còn lại, gần 600 học sinh là theo chương trình học ngoại ngữ 2”, thầy Khái thông tin.
Về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để giảng dạy bộ môn tiếng Hàn trong nhà trường, đại diện Trường THPT Thủ Đức cho biết, trường có sự hỗ trợ của Viện Ngôn ngữ tiếng Hàn. “Trong phân phối chương trình, hai chương trình có điểm chung, điểm riêng. Vì vậy, cả hai chương trình học sinh đều học chung với nhau, riêng diện thí điểm các em sẽ học thêm vào thứ bảy với 3 tiết dạy riêng. Về triển khai kiểm tra, đánh giá với chương trình ngoại ngữ 1, nhà trường triển khai tương đương như kiểm tra, đánh giá theo chương trình ngoại ngữ 1 theo quy định của Bộ GD-ĐT”.
“Khi tiếng Hàn trở thành ngoại ngữ 1 đã tạo thêm môi trường để học sinh rèn luyện, học tập. Học sinh hiện nay rất đa dạng về nhu cầu, các nhà trường nếu có thêm các loại hình giáo dục sẽ đáp ứng thêm được các nhu cầu cho học sinh, tạo cho các em môi trường phát triển tốt nhất, lựa chọn thêm được ngoại ngữ mà các em yêu thích, đặc biệt là trong quá trình hội nhập quốc tế”, thầy Khái nhấn mạnh.
Tương tự, bộ môn tiếng Hàn, tiếng Đức cũng đang được triển khai giảng dạy tại Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1) theo chương trình môn học tự chọn từ năm 2015 ở hai khối 10 và 11 với thời lượng lần lượt là một tuần 3 tiết và 2 tiết.
“Nhu cầu theo học của học sinh mỗi năm là rất lớn, 100% học sinh hai khối tham gia học tập. Đội ngũ giáo viên nhà trường phối hợp với Viện Ngôn ngữ Hàn và Đức để triển khai. Mặc dù mới chỉ đang dừng ở mức giới thiệu cho học sinh biết thêm một ngoại ngữ mới, hiểu thêm về một nền văn hóa mới nhưng học sinh rất thích thú khi học, khi kết thúc 2 năm các em có thể nắm những kiến thức cơ bản của ngôn ngữ, giao tiếp cơ bản”, thầy Nguyễn Hùng Khương (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân) chia sẻ.
Thầy Khương nhìn nhận, việc đưa thí điểm tiếng Hàn, tiếng Đức trở thành ngoại ngữ 1 trong nhà trường là điều đặc biệt cần thiết trong xu thế hiện nay. Trước hết sẽ tạo môi trường để học sinh được học tập một cách chuyên sâu ngôn ngữ mà các em yêu thích, giúp học sinh có thêm nhiều lựa chọn để phát huy sở thích, năng lực, phát triển cơ hội bản thân sau này.
Ở bậc THCS, TP.HCM cũng có nhiều đơn vị hiện đang triển khai thí điểm tiếng Đức, tiếng Hàn đến học sinh như THCS Bình Thọ (TP.Thủ Đức), THCS Võ Trường Toản (Q.1), THCS Lê Quý Đôn (Q.3). Đại diện các đơn vị này khẳng định, hiện nhu cầu theo học ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh của học sinh là rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay, mang đến nhiều cơ hội trải nghiệm, hướng tới giáo dục toàn diện học sinh. Tuy nhiên, để tính toán đưa hai ngôn ngữ này vào nhà trường theo diện ngoại ngữ 1 thì cần phải xem xét nhiều yếu tố, trước hết là đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, đặc biệt là tính liên thông giữa các cấp học.
Sau thời gian dạy thí điểm, Bộ GD-ĐT sẽ triển khai đánh giá tính hiệu quả, từ đó tiến đến xem xét đưa hai môn học này chính thức trở thành ngoại ngữ 1 trong Chương trình giáo dục phổ thông, bình đẳng như các môn ngoại ngữ 1 khác.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)