Sự kiện giáo dụcTin tức

Đưa trí thức trẻ về làm “quan xã”: Kỳ 1: Khi vùng cao “khát” trí thức

Tạp Chí Giáo Dục

Chủ tịch UBND xã A Xinh (Hướng Hóa, Quảng Trị) Hồ A Dược – một trí thức trẻ được bà con tin yêu. Ảnh: V.Y

Mọi sinh viên ra trường đều muốn bám trụ lại thành phố hoặc đô thị. Hạn hữu lắm mới có người “dám” về quê để lập nghiệp. Chính vì vậy, dân số thành phố cứ phình ra, còn nông thôn, vùng sâu vùng xa thì chỗ nào cũng “trống” trí thức.

98,8% xã nghèo cần trí thức
Kết quả khảo sát của Bộ Nội vụ từ 724 cán bộ, công chức của 680 xã thuộc 59 huyện/62 huyện nghèo năm 2010, cho thấy chỉ có 31,18% trong số này có trình độ CĐ, ĐH. Nhiều người không đủ điều kiện để cử đi đào tạo nâng cao trình độ. Số đông cán bộ, công chức chưa chủ động, sáng tạo trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương mà phụ thuộc nhiều vào cấp huyện. Thậm chí, cuộc khảo sát cũng chỉ thu được 587 ý kiến cho biết trình độ chuyên môn của mình, số còn lại vì chưa qua đào tạo chuyên môn nên e ngại, không cung cấp thông tin về trình độ của mình.
Cũng có tới 98,8% số xã thuộc các huyện nghèo có nhu cầu sử dụng trí thức trẻ tình nguyện và đề nghị bố trí cán bộ trẻ có trình độ về giúp địa phương.
Các xã cũng cho rằng, họ cần khoảng 62,4% cán bộ có trình độ kinh tế, sau đó tới nhóm nông – lâm – ngư nghiệp và thủy sản (49,86%); khoa học – kỹ thuật (33,4%); văn hóa – xã hội (28,59%); xây dựng, giao thông vận tải và môi trường (28,18%) và chuyên ngành luật (27,21%). Hầu hết các xã nghèo muốn có cán bộ có trình độ ĐH ở độ tuổi dưới 30. Bà Vũ Thị Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển vùng cao kể lại câu chuyện, Trung tâm thực hiện Quyết định 178 của Chính phủ về quyền hưởng lợi của hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp tại một địa phương ở miền núi phía Bắc. Nhưng khi xuống cấp xã thì hầu như lãnh đạo xã không nắm được, cho dù quyết định đó đã được “khai sinh” từ hàng chục năm trời. Chỉ khi nghe các cán bộ dự án nói, lãnh đạo xã mới biết và hưởng ứng theo. Đó là chưa nói tới các dự án với nhiều yếu tố mới khác như Dự án giảm khí thải và hiệu ứng nhà kính, bảo vệ rừng cho người dân tộc thiểu số thì còn gian nan hơn rất nhiều. Những cụm từ: giảm khí thải hay hiệu ứng nhà kính trở nên quá xa vời, giải thích cho cán bộ cấp xã là việc không đơn giản. Không phủ nhận điều này, ông Giàng A Tông – Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) cho biết, nhiều xã trên địa bàn huyện đã phải nhờ huyện làm chủ đầu tư xây dựng cơ bản trong chương trình 135 vì xã thực sự không đủ năng lực. Sự thiếu hụt đội ngũ cán bộ xã cũng như trình độ “ngó lơ” của đội ngũ này tại các huyện miền núi đôi khi đã khiến cho chúng ta phải trả giá rất đắt.
600 trí thức trẻ “rời phố”
Từ thực trạng này, mới đây, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 170 về việc chọn 600 trí thức trẻ ưu tú có trình độ ĐH để làm phó chủ tịch UBND xã tại 62 huyện nghèo. Theo đó, đối tượng tuyển chọn là thanh niên có quốc tịch Việt Nam, có độ tuổi dưới 30, là đoàn viên hoặc đảng viên; có trình độ ĐH thuộc các chuyên ngành phù hợp với yêu cầu công việc. Ưu tiên tuyển chọn người được đào tạo ở các chuyên ngành như: kinh tế, khoa học kỹ thuật, nông – lâm nghiệp – thủy sản, xây dựng, giao thông vận tải, tài nguyên – môi trường, luật; có phẩm chất đạo đức và sức khỏe tốt; có đơn tình nguyện đến làm việc tại các xã thuộc huyện nghèo theo phân công của cơ quan có thẩm quyền trong thời gian ít nhất 5 năm. Theo ông Vũ Đăng Minh, quyền Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ) thì trí thức trẻ khi được bổ nhiệm sẽ được hưởng tất cả chế độ chính sách đối với chức danh phó chủ tịch UBND xã. Đồng thời được hưởng chính sách đối với cán bộ đang công tác tại vùng khó khăn và hưởng chính sách ưu đãi, thu hút trí thức trẻ về tham gia phát triển nông thôn miền núi. Theo dự án, UBND tỉnh sẽ thành lập hội đồng tuyển chọn, xét duyệt hồ sơ và tuyển chọn. Bộ Nội vụ thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện tuyển chọn và phê duyệt danh sách đội viên.
Phương thức tuyển chọn sẽ kết hợp giữa kết quả học tập chuyên môn với phỏng vấn về nhận thức, kỹ năng quản lý, tư cách đạo đức, mỗi người trúng tuyển phải đạt trên 50 điểm, nếu bằng điểm nhau sẽ lấy người nào có điểm phỏng vấn cao. Tỉnh nào nhận được hồ sơ là tổ chức thi tuyển, không cần chờ đợi và tuyển tới khi nào đủ số lượng thì dừng. Sau khi trúng tuyển các trí thức trẻ sẽ được đào tạo hai tháng lý thuyết, một tháng thực tế tại cơ sở.
Thiên Lam
Đề án đưa 600 trí thức trẻ về làm phó chủ tịch UBND xã của TW Đoàn và Bộ Nội vụ đã bắt đầu được triển khai. Nhưng cuộc “cách mạng” đưa trí thức tới vùng cao này liệu có thuận lợi và đối với trí thức trẻ, làm “quan xã” có phải là một nghề màu “hồng”?
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)