Trí tuệ nhân tạo (AI) đang mở ra nhiều cơ hội lớn để đổi thay và nâng tầm giáo dục. Giáo viên cần được tăng cường đào tạo chuyên môn để làm chủ AI.
Cần tăng cường đào tạo chuyên môn cho giáo viên để cạnh tranh, làm chủ AI
Cô Lê Thị Thiện Mỹ – giáo viên Trường THPT Nguyễn Văn Cừ đánh giá, trí tuệ nhân tạo (AI) đang mở ra những cơ hội to lớn cho giáo dục, giúp tối ưu hóa quá trình học tập, cá nhân hóa giáo trình và cải thiện quản lý giáo dục. AI có thể cung cấp tài liệu học tập phong phú, phản hồi nhanh chóng và tạo ra môi trường học tập linh hoạt, từ đó giúp học sinh tiến bộ vượt bậc và tiếp cận kiến thức một cách hiệu quả hơn. Sự hỗ trợ của AI còn giúp giáo viên giảm bớt khối lượng công việc thủ công, để họ có thể dành nhiều thời gian hơn cho những tương tác cá nhân và xây dựng mối quan hệ với học sinh.
Tuy nhiên, theo cô Mỹ, đi cùng với những lợi ích đó là các thách thức lớn mà AI đặt ra, đặc biệt là các vấn đề về bảo mật dữ liệu, quyền riêng tư, và nguy cơ thay thế một phần vai trò của giáo viên trong lớp học, đòi hỏi người làm giáo dục cần có cái nhìn thấu đáo, cẩn trọng trong việc ứng dụng công nghệ. Việc đưa AI vào giáo dục cần được thực hiện một cách có kế hoạch, với sự cân nhắc kỹ lưỡng về mục tiêu và giá trị của nền giáo dục nhân văn, để làm sao việc sử dụng AI không chỉ để cải thiện hiệu quả học tập, mà còn phải đảm bảo rằng công nghệ này phục vụ cho sự phát triển toàn diện của học sinh, bao gồm cả tri thức, nhân cách, và các giá trị xã hội.
“Mỗi giáo viên cần sử dụng AI như một công cụ hỗ trợ, thay vì một giải pháp thay thế. Để đạt được điều này, giáo viên cần được đào tạo bài bản và cập nhật về các công cụ AI, đồng thời có đủ kiến thức và kỹ năng để cân nhắc khi nào nên và không nên sử dụng công nghệ. Chẳng hạn, AI có thể hỗ trợ trong các khía cạnh như chấm điểm tự động hoặc tạo bài tập bổ trợ, nhưng vai trò giáo dục cảm xúc, khuyến khích học sinh vượt qua khó khăn và giúp các em phát triển phẩm chất nhân cách là những yếu tố mà chỉ con người mới có thể thực hiện trọn vẹn. AI có thể hỗ trợ về mặt công nghệ, nhưng không thể thay thế sự thấu hiểu và kết nối cảm xúc mà giáo viên mang lại” – cô Thiện Mỹ phân tích.
Giáo viên này cho rằng, việc triển khai AI trong giáo dục cũng cần đảm bảo công bằng cho tất cả học sinh, không phân biệt điều kiện kinh tế, địa lý hay khả năng truy cập công nghệ. Những trường học, khu vực còn khó khăn không nên bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng công nghệ. Các chính sách giáo dục nên có những chương trình hỗ trợ để học sinh ở vùng sâu, vùng xa cũng có thể hưởng lợi từ AI, từ đó giúp giảm bớt khoảng cách giáo dục giữa các vùng miền và thúc đẩy một xã hội học tập công bằng.
Nhìn nhận riêng ở việc ứng dụng AI trong giảng dạy âm nhạc, giảng viên Phan Nguyệt Minh – Trường Đại học Sài Gòn cho hay, AI cung cấp khả năng cá nhân hóa lộ trình học tập, giúp học sinh tiếp cận kiến thức và kỹ năng âm nhạc một cách sinh động, hấp dẫn hơn, từ đó thúc đẩy sự hứng thú và tình yêu với môn học. Nhờ vào khả năng tự động hóa và phân tích dữ liệu, các công cụ AI có thể nhận diện điểm mạnh, điểm yếu của từng học sinh, cung cấp các bài tập và phương pháp học phù hợp với từng cá nhân. Tính năng phản hồi tức thì giúp học sinh dễ dàng điều chỉnh và cải thiện kỹ năng ngay trong quá trình thực hành, từ đó đạt được tiến bộ nhanh hơn.
Giảng viên này nhìn nhận, để AI thực sự phát huy tối đa lợi ích, cần có sự cân bằng và phối hợp hợp lý giữa công nghệ và phương pháp giảng dạy truyền thống. Giáo viên, với vai trò là người dẫn dắt và truyền cảm hứng, đóng góp những giá trị không thể thay thế vào quá trình học tập của học sinh. Để ứng dụng AI thành công trong giảng dạy, cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ và đào tạo chuyên môn cho giáo viên. Không chỉ đơn giản là cung cấp thiết bị hay phần mềm AI, việc này đòi hỏi giáo viên làm quen với công nghệ, hiểu rõ cách vận hành và sử dụng AI như một công cụ hỗ trợ linh hoạt, không thay thế.
“Điều cốt lõi là nhìn nhận AI như một công cụ hỗ trợ đắc lực, bổ sung cho vai trò giáo viên chứ không nhằm thay thế họ. Khi đạt được sự cân bằng giữa yếu tố công nghệ và yếu tố con người, học sinh không chỉ được rèn luyện kỹ năng một cách hiện đại và hiệu quả, mà còn cảm nhận sâu sắc giá trị của môn học trong cuộc sống…” – giảng viên Phan Nguyệt Minh đánh giá.
AI thay thế giáo viên hay chỉ là công cụ đắc lực?
ThS. Hà Duy Bình – Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.HCM, Trưởng ban Chuyển đổi số giáo dục và đào tạo khẳng định, trong khi AI có thể cải thiện đáng kể sự hiệu quả trong việc đạt các mục tiêu giáo dục, thì yếu tố con người trong giảng dạy là không thể thay thế. Giáo viên mang đến sự đồng cảm, hiểu biết và truyền cảm hứng cho lớp học, tạo ra một môi trường thúc đẩy sự tích cực trong việc học tập cho học sinh. AI hỗ trợ giáo viên xử lý các nhiệm vụ thường ngày và cung cấp những hiểu biết có giá trị, nhưng nó không thể sao chép các kết nối tình cảm và xã hội mà giáo viên xây dựng với học sinh của mình.
“Nói cách khác, về bản chất, AI có thể chuyển đổi và nâng cao vai trò của giáo viên, nhưng nó không thể thay thế những phẩm chất độc đáo của con người mà chỉ giáo viên làm được và đưa vào trong các hoạt động giáo dục tốt nhất” – ông nhấn mạnh.
Dù vậy, ông Bình nêu rõ, khi AI ngày càng được tích hợp sâu rộng trong giáo dục thì đi cùng với đó là những nguy cơ, rủi ro tiềm ẩn đối với giáo viên. Việc phụ thuộc quá nhiều vào AI có thể dẫn đến việc giảm tư duy phản biện và kỹ năng giải quyết vấn đề ở giáo viên. Điều quan trọng là phải cân bằng việc sử dụng công nghệ với các phương pháp giảng dạy truyền thống; Việc sử dụng AI liên quan đến việc thu thập và phân tích lượng lớn dữ liệu, làm dấy lên mối lo ngại về quyền riêng tư và bảo mật thông tin của học sinh; Trong quá trình phát triển AI, có thể có sự thiên vị về thuật toán. Hệ thống AI vô tình duy trì sự thiên vị hiện diện trong dữ liệu đào tạo máy học, dẫn đến sự đối xử không công bằng với một số nhóm học sinh nhất định. Giáo viên cần nhận thức được những sự thiên vị này và nỗ lực giảm thiểu chúng.
“AI có tiềm năng cải thiện đáng kể nền giáo dục khi được sử dụng một cách có trách nhiệm, đúng cách và đúng mục đích. Chìa khóa là tìm ra sự cân bằng để AI hỗ trợ và bổ sung cho giáo viên thay vì thay thế họ. Phát triển chuyên môn liên tục, nhận thức về những thành kiến tiềm ẩn và tập trung mạnh mẽ vào việc sử dụng AI một cách có đạo đức nhằm giảm thiểu những rủi ro sau này” – ông Bình nêu.
Đỗ Giang Quân
Bình luận (0)