Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đưa trò chơi dân gian vào nhà trường: Môi trường học càng thêm thân thiện

Tạp Chí Giáo Dục

Các em HS chơi trò bịt mắt tìm vật. Ảnh: N.Anh

Trong kho tàng văn hóa Việt Nam, các trò chơi dân gian là một hình thức giải trí phản ánh phong tục tập quán của người Việt thuở xưa. Ngày nay, việc đưa trò chơi dân gian vào trường học là điều cần thiết, góp phần xây dựng trường học thân thiện – học sinh (HS) tích cực.
HS chơi gì?
Các trò chơi dân gian có thể đưa vào nhà trường như: nhảy bao bố, lò cò tiếp sức, đẩy gậy, kéo co, đập bóng, thảy banh… Trò chơi dành cho HS nữ gồm: nhảy dây, xỏ chỉ, banh đũa… Các trò chơi như đua ngựa, bắn bi, đánh đáo, đẩy gậy… thường dành cho HS nam. Trò chơi vận động tập thể có kéo co, chim bay cò bay, chim sổ lồng. Còn trò chơi vui nhộn gồm bịt mắt bắt dê, bịt mắt đập niêu, mèo đuổi chuột… Các trò chơi bịt mắt viết chữ, cờ tướng, ô ăn quan… là những trò chơi mang tính trí tuệ. Những trò chơi này thường được nhà trường vận dụng đưa vào tiết thực hành mà cụ thể là tiết học thể dục, hoạt động ngoại khóa, các kỳ lễ hội, tham quan dã ngoại, hội trại, hội thi. Cách thức thực hiện chủ yếu là phối hợp với tổ chức Đoàn – Đội, sinh hoạt đầu tuần, giờ ra chơi. Về nội dung, giáo viên nên chọn trò chơi phù hợp với tiết dạy, với từng lứa tuổi HS. Trò chơi của HS lớp 1, lớp 2 thì khác với HS lớp 4, lớp 5. Về mặt thời lượng cũng vậy: khối lớp 1 chỉ cần 1 tiết/tuần, các khối lớp còn lại có thể 2 tiết/tuần. Phần trò chơi thường tổ chức sau phần nội dung chính của tiết học thể dục. Đặc biệt, giáo viên bộ môn cần xác định đâu là kiến thức cơ bản HS cần phải có để từ đó đưa trò chơi dân gian vào tiết dạy cho phù hợp.
Và chơi như thế nào?
Tuy nhiên hiện nay, nhất là ở các thành phố lớn với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, HS đang bị lôi cuốn vào các trò chơi trên mạng internet khiến các em mất dần khái niệm về trò chơi dân gian, biết và hiểu rất ít về các trò chơi này. Ở trường vẫn còn một số em HS (cả nam lẫn nữ) tự tổ chức trò chơi như bắn bi, nhảy lò cò, nhảy dây… nhưng mang tính tự phát. Do đó, việc đưa trò chơi dân gian vào trường học là một cách để các em HS gần gũi với nhau, xây dựng tinh thần tập thể và hiểu biết hơn về văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam. Từ đó tạo điều kiện cho các em tham gia nhiều hoạt động tập thể lành mạnh, bổ ích, rèn luyện thêm kỹ năng làm việc theo nhóm, hòa đồng với tập thể, ứng xử tốt trước mọi tình huống.
Khi trò chơi dân gian được đưa vào nhà trường thì tự thân đã có tính mục đích nhưng không đơn thuần dừng lại ở mục đích giải trí. Hơn nữa, không phải trò chơi nào cũng có thể đưa vào nhà trường mà phải chọn lọc, đảm bảo tính giáo dục, an toàn, vệ sinh. Ví dụ, trò chơi leo cột mỡ mang đậm tính dân gian nhưng không phù hợp với trường học, nhất là ở bậc tiểu học. Trò chơi đánh khăng không an toàn vì dễ gây chấn thương. Các trò chơi khác thì phải chú ý đến khâu vệ sinh vì người chơi thường ngồi bệt xuống đất. Tốt nhất là nhà trường nên lựa chọn các trò chơi mang tính cộng đồng, nhất là trò chơi có các bài hát đồng dao. Không chỉ sôi động mà còn nâng cao nhận thức về văn học. Một điều nữa là không phải trò chơi nào các em HS cũng chơi được mà phải có thầy cô tổ chức hướng dẫn, làm sao trong giờ nghỉ các em chơi được nhiều trò hơn. Cuối cùng, việc đưa trò chơi dân gian vào lớp học phải lưu ý tới đối tượng HS, tùy thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất cho phép của nhà trường, đảm bảo an toàn cho HS, tạo không khí thoải mái và không hề gây áp lực cho các em.
Từ Hữu Trí
(GV Trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực, Q.Thủ Đức)
Tổ chức trò chơi dân gian trong nhà trường là rất cần thiết cho giai đoạn hiện nay – giai đoạn đầu để xây dựng môi trường thân thiện – HS tích cực.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)