Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Đưa trò quê ra phố học tiếng Anh

Tạp Chí Giáo Dục

Với khát vọng giúp những học trò miền quê nghèo của mình có cơ hội tiếp cận và học tốt hơn môn tiếng Anh, cô gái 9x ở miền quê nghèo xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng (Quảng Trị), Nguyễn Thị Hải Oanh đã mở ra dự án Amazing English Tour, làm cầu nối đưa hàng trăm học trò quê vượt hành trình hàng chục cây số đến Cố đô Huế để tìm kiếm môi trường giao tiếp, trau dồi kiến thức!

Các bạn học sinh đang nói chuyện với du khách

1. Trở về sau tour thứ 26, kể từ ngày khởi động dự án Amazing English Tour giúp những học trò tiếp cận môi trường tiếng Anh, Oanh tiếp tục lên kế hoạch cho những tour tiếp theo, kết nối với du khách nước ngoài, giới thiệu họ về tham quan quê mình để cho trò được học tiếng Anh ngay tại làng quê, đỡ những chuyến đi nhọc nhằn. Với Oanh, tiếng Anh gắn bó với cô như hơi thở cuộc sống. Vì lẽ đó, việc một mình cô mạnh dạn làm cầu nối cho học trò quê lên phố học tiếng Anh cũng không mấy khó khăn. Khó chăng là sự nghi ngại của lòng người. Nhưng rồi cũng chính cô đã trao cho phụ huynh sự tin tưởng để con em họ tiếp tục theo lớp học.

Tốt nghiệp chuyên ngành Ngôn ngữ học, Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.Hồ Chí Minh và lớp Sản xuất Truyền hình Trường Điện Ảnh Quốc Tế Sài Gòn, Oanh từng làm hướng dẫn viên du lịch cho người nước ngoài tại Công ty Back Of The Bike Tours. Một công việc nhiều người mơ ước, nhưng với Oanh, nỗi nhớ niềm yêu ở quê thôi thúc cô trở về. Tháng 8-2015, về quê, Oanh làm cô giáo làng dạy tiếng Anh. Oanh bảo: “Em gắn bó với nghề dạy như một cái duyên. Trong đó có đam mê, nỗ lực và cả khát khao đem tiếng Anh đến với trẻ quê nghèo – nơi mà tuổi thơ em đã trải qua và ý thức rõ nhất khát khao có được môi trường giao tiếp tốt để khi vào đại học không vấp phải rào cản ngôn ngữ này”. Hai năm làm cô giáo làng, với cách dạy hiện đại Oanh đã thay đổi nhiều bạn từ tư duy cho đến chất lượng học tập. “Trong quá trình học, em lại thấy các bạn ko có môi trường rèn luyện tiếng Anh chuyên nghiệp nên em rủ một vài bạn vào Huế làm quen du khách, nói chuyện để thỏa mãn đam mê tiếng Anh và có cơ hội phát triển bản thân”, Oanh nói về lý do dự án Amazing English Tour ra đời vào tháng 5-2017 do chính cô thành lập.

2. Oanh vẫn nhớ như in chuyến đầu tiên dẫn học trò đến Huế. Một cô, hai trò cùng hai đứa em ruột luôn hết mình ủng hộ chị dậy từ sớm, vượt hàng chặng đường ngót 40 cây số bằng xe máy để tìm kiếm khách du lịch bắt chuyện. “Những chuyến đi đầu tiên đầy lo lắng, và càng lo hơn khi phụ huynh liên tục gọi điện hỏi thăm về hành trình. Thú thật tới lúc học trò về tới nhà, em mới thở phào nhẹ nhõm”, Oanh kể lại. Sau này, những chuyến đi đông học trò hơn, cô trò lại đạp xe đi tầm gần chục cây số đến thị trấn Phong Điền (thuộc Thừa Thiên Huế). Từ đó gửi xe đạp lại, bắt tiếp xe buýt vào thành nội Huế. Trước mỗi chuyến đi, Oanh luôn yêu cầu học trò tuân thủ chặt chẽ quy định do cô đề ra để đảm bảo an toàn và thu được lượng kiến thức tốt nhất. “Ở Huế khách du lịch đến thường xuyên, nhất là khu vực Hoàng Thành. Học sinh chủ động bắt chuyện và thuyết phục họ về tại chỗ em đang đứng để trò chuyện. Suốt hai tiếng ở đó, tụi em chơi game, trao đổi văn hóa, giới thiệu đặc sản địa phương, hình ảnh về con người, văn hóa ẩm thực Việt Nam, lắng nghe những câu chuyện của họ. Học sinh vận dụng những kiến thức đã học để chủ động nói chuyện, cái gì không biết thì em hỗ trợ. Những chuyến đi như vậy, em nghĩ không chỉ là nói chuyện tiếng Anh kỳ thú mà còn trau dồi thêm kỹ năng, biết thêm nhiều nền văn hóa khác”, Oanh nói.

Bật mí về những dự định tương lai, Oanh cho biết, sẽ mua bảo hiểm du lịch cho học sinh tham gia tour để các em cũng như phụ huynh yên tâm hơn. Oanh cũng đang hoàn thành Visa để đi Anh trong 3 tuần và thi IELTS để củng cố và nâng cao chuyên môn. 

Gần 8 tháng với 26 tour được tổ chức, hơn 400 học sinh đến từ nhiều trường Tiểu Học, THCS, THPT trên địa bàn huyện Hải Lăng, thậm chí Oanh còn thu hút học sinh đang học tại Huế tham gia. Một con số ấn tượng! Nhưng làm được điều đó không hề dễ dàng. Oanh chia sẻ: “Để làm được điều này chính bản thân em là người dạy cần phải chứng minh mình trước. Em cho các bạn cũng như phụ huynh thấy, em đam mê tiếng Anh và thể hiện mình thông thạo về ngôn ngữ này. Tiếp theo là em truyền cảm hứng cho học sinh”. Thời gian đầu, một mình Oanh quán xuyến tất cả từ huấn luyện, quản lý học sinh, tổ chức tour. Vất vả nhưng không nản. Động lực giúp Oanh vượt qua là niềm tin của phụ huynh. Thay vì những cuộc gọi hỏi thăm hành trình, cô trò Oanh nhận được sự cổ vũ, khích lệ tinh thần, như: hôm nay cô trò có giao tiếp được với nhiều khách không? Câu chuyện có thú vị không?… Học trò tham gia tour đông hơn, Oanh cũng tuyển thêm cộng sự quán xuyến.

3. Để mở rộng môi trường giao tiếp, Oanh mời du khách tham gia tour về quê miễn phí. Khách ăn ở nhà Oanh, làm quen với học trò, giao lưu với CLB tiếng Anh của Trường THCS Hải Tân – CLB do Oanh kết hợp với nhà trường xây dựng theo mô hình học là chơi – chơi là học. Đã có 10 vị khách về Hải Tân theo cách này. Em Nguyễn Thị Thùy Linh, HS lớp10, Trường THPT Bùi Dục Tài – một HS tham gia lớp học của Oanh được 6 tháng bộc bạch: “Tham gia lớp học em thấy mình tiến bộ rất nhanh. Nhất là khi được giao tiếp với khách bản xứ. Nhờ đó, nhà em có bán quán cơm, mỗi khi có khách nước ngoài, em đều giúp mẹ hỏi khách về nhu cầu ăn uống, tính tiền cũng như trò chuyện với họ”.

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Bình luận (0)