Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Đưa tuồng xuống phố

Tạp Chí Giáo Dục

“Làm sao để có nhiều khán giả hơn đến với nhà hát xem trọn những vở tuồng. Sẽ có nhiều bạn trẻ hiểu biết về tuồng. Đến một lúc nào đó người ta cảm thấy thiếu vì tối nay không có “Tuồng xuống phố”. Muốn làm được điều này sẽ còn rất nhiều những khó khăn cần sự giúp sức của nhiều phía…”, NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng) trải lòng…

Tuồng xuống phố

7 giờ tối cuối tuần, khu vực sân khấu tuồng ở bờ đông sông Hàn, dưới chân cầu quay tập trung rất đông khán giả, đủ lứa tuổi. Những đôi mắt chăm chú hướng về phía sân khấu, nơi các nghệ sĩ tuồng trong xiêm áo đủ sắc màu với nhiều khuôn mặt được hóa trang theo tính cách nhân vật đang say sưa cống hiến cho khán giả. Ông Nguyễn Văn Thành (75 tuổi) nắm tay người vợ đi khập khiễng tiến về hàng ghế dành cho khán giả. “Mấy chục năm ni rồi, chừ ông bà tui mới lại được cùng nhau đi xem tuồng. Đã mấy chục năm rồi mà cảm giác vẫn hồi hộp lắm”, ông Thành chia sẻ”.

Mảnh đất Quảng Nam – Đà Nẵng là cái nôi sản sinh ra loại hình nghệ thuật tuồng. Qua biến động thăng trầm, loại hình nghệ thuật này từng ở trên đỉnh vinh quang nhưng vài thập niên trở lại đây, do nhiều nguyên nhân, tuồng chỉ tồn tại cầm chừng trong nhà hát với niềm đam mê sâu nặng của những nghệ sĩ không nỡ rời bỏ môn nghệ thuật máu thịt của mình. Để giữ gìn tuồng, trung tuần tháng 7-2015, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã chính thức đưa môn nghệ thuật tuồng xuống phố biểu diễn.

Tuồng xuống phố thu hút đông đảo trẻ trong độ tuổi mầm non, tiểu học đến xem

Ông Trần Ngọc Tuấn – Giám đốc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh Đà Nẵng trăn trở, đưa tuồng xuống phố khó khăn nhất là phải chọn tiết mục và xây dựng chương trình làm sao vừa đạt được nhu cầu giải trí đồng thời vừa phải giới thiệu được những cái riêng biệt, đặc sắc của nghệ thuật tuồng, đặc biệt phải cuốn hút được sự tò mò của giới trẻ và phải dễ hiểu với mọi đối tượng. Không được phép dễ dãi về mặt nội dung cũng như nghệ thuật nhưng cũng không cứng nhắc, gượng ép. Thời gian diễn vở tuồng khoảng 2 giờ nhưng diễn ở đường phố thì mỗi trích đoạn chỉ 15 đến 25 phút và phải đảm bảo chuyển tải được những điều cơ bản nhất của loại hình nghệ thuật tuồng. Việc đưa tuồng ra phố không chỉ nhằm mục đích vừa giới thiệu loại hình nghệ thuật tuồng đến với khán giả và để gìn giữ được môn nghệ thuật này, vấn đề đặt ra là làm thế nào để sau khi xem các đêm tuồng trên phố, khán giả có niềm yêu thích và tìm đến sân khấu nhà hát để thưởng thức.

Cần đưa tuồng vào trường học

“Hiện nghệ thuật tuồng đang gặp khó khăn, nhất là khâu khán giả. Công nghệ hiện đại ra đời. Tuồng bị đứt khúc trong khâu “đào tạo” khán giả. Khán giả tuồng ngoài việc yêu nghệ thuật tuồng còn phải hiểu tuồng, số này đa phần thuộc tầm tuổi thất thập cổ lai hi, hiếm có người trẻ. Trong khi đó, chương trình giáo dục phổ thông chỉ có 1 tiết học về văn học dân gian có giới thiệu về vở tuồng Nghêu Sò Ốc Hến. Có những nơi vẫn thích tuồng nhưng không có kinh phí để tổ chức biểu diễn cho nhân dân xem, đơn vị thì không có nguồn để phục vụ miễn phí nhiều vì vậy ngày càng ít tổ chức biểu diễn…”, ông Tuấn nói.

Ông Tuấn tâm tư: “Trước đây nhà hát cũng đã 2 lần thực hiện chương trình “Sân khấu học đường” (nguồn kinh phí Quỹ FOOR tài trợ) giới thiệu và dạy tuồng cho các em học sinh của 6 trường PTCS tại Đà Nẵng với gần 200 em tham gia. Tuy nhiên đây là khoản kinh phí hỗ trợ không thường xuyên nên bị đứt đoạn, chưa tiếp tục được”. Để gìn giữ, cần có giải pháp đưa vào chương trình giáo dục phổ thông nhiều hơn. Xem loại hình nghệ thuật này như một môn học phổ biến để khơi dậy niềm đam mê ở tuổi trẻ cũng như giữ gìn và bảo tồn giá trị bền vững.

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Ông Trần Ngọc Tuấn cho biết, việc tổ chức biểu diễn “Đưa tuồng xuống phố” nhằm tạo thêm những không gian giải trí về đêm phục vụ nhân dân và du khách, bên cạnh đó kết hợp với việc quảng bá cho bộ môn nghệ thuật truyền thống của quê hương vừa được công nhận là di sản phi vật thể cấp quốc gia.

 

Bình luận (0)