“Cháu chưa bao giờ được đi xe máy lạnh như thế”, “Lần đầu tiên cháu mới biết thang máy trong khách sạn”, “Tôi đi bán đậu hũ trong Sài Gòn ngày kiếm 100 ngàn, nhưng chưa bao giờ dám ăn bữa cơm đến 22 ngàn thế này”…
Đó là những lời tâm sự thật lòng của cả học sinh lẫn phụ huynh đưa con đi thi đại học, cụm Quy Nhơn trong hai ngày 4 và 5/7, khi họ được “đưa và đón” rất chu đáo từ các tổ chức xã hội và các nhà hảo tâm.
Chưa năm nào mà cả xã hội lại bị “cuốn” cùng mùa thi như năm nay. Mùa hè như nóng thêm lên không chỉ bởi lượng người ùn ùn đổ về các điểm thi, mà còn “nóng” bởi sự lo lắng và quan tâm của toàn xã hội đối với các thí sinh. Có tỉnh lo đưa các em lên đường sao cho an toàn nhất, có địa phương lo đón các em sao cho chu đáo nhất, đầy đủ nhất và thoải mái nhất. Tất cả cùng hướng về một điểm: Làm sao đó để các thí sinh không phải bận tâm đến chuyện đi lại, ăn ở, mà dồn hết tâm lực vào “trận đánh” cuối cùng sau 12 năm đèn sách này. Tôi đã theo chân các em thí sinh suốt cuộc hành trình từ điểm đi tới điểm đến và cảm nhận biết bao điều về lòng tốt của mọi người dành cho thế hệ tương lai của đất nước.
Hàng chục xe ôtô đưa miễn phí thí sinh Quảng Ngãi đi thi ngày 2/7/2011.
Đội quân tiếp sức
Suốt 6 năm qua, người dân Quy Nhơn đã quá quen thuộc với những chiếc áo xanh cùng dòng chữ thêu trên ngực áo “Thanh niên tình nguyện” mỗi mùa thi đến. Năm nay cũng vậy, 4/7 là ngày thi đại học đợt 1, nhưng mới 26/6, người ta đã thấy thấp thoáng màu xanh của những chiếc áo này ở các tụ điểm bến xe, ga tàu và trên các trục lộ chính. Họ dựng dù khắp nơi, giăng biển hiệu đủ chỗ, mắt luôn dõi theo từng bước chân “lạ” của những em học sinh từ khắp nơi đổ về thành phố biển này.
Cởi mở và thân thiện, tận tâm và trách nhiệm, đó là những gì mà khách đường xa có thể cảm nhận được khi tiếp xúc với đội quân tình nguyện này. Anh Lương Đình Tiên – Phó ban Phong trào Tỉnh đoàn Bình Định – nói: “Bình Định có 40 đội thanh niên tình nguyện với hơn 700 đoàn viên thanh niên chuyên lo phục vụ cho công tác thi cử năm nay. Còn rất nhiều thanh niên muốn “tình nguyện” mà vẫn không được đấy anh”. Hoá ra đi làm việc thiện cũng không phải chuyện chơi, muốn làm là được. “Vì tình nguyện nên lỡ có khổ quá cũng cắn răng chịu chứ không dám kêu. Nhiều hôm đến 2 giờ chiều tụi em mới lót dạ bát mì, gọi là “ăn trưa”.
Nhưng nghĩ lại, năm ngoái mình cũng lớ ngớ như các bạn này, may mà nhờ các anh chị “tình nguyện” giúp đỡ nên bớt phần lo lắng, năm nay mình lại giúp các bạn đi sau. Đã mặc chiếc áo xanh này vô người là xác định sẽ rất vất vả, không phải ham vui đâu” – sinh viên Đỗ Văn Danh thổ lộ.
Điểm thi Quy Nhơn có 83.000 thí sinh dự thi, phần lớn trong số này là con em nông dân từ các vùng quê nghèo, nên chuyện lớ ngớ với nhà cao phố rộng là điều chắc chắn. Vì vậy họ rất cần sự giúp đỡ của mọi người, một trong những người giúp đỡ các thí sinh trước tiên là đội quân tình nguyện. Họ được cả xã hội thừa nhận bằng một cụm từ trìu mến: “Đội quân tiếp sức mùa thi”, dù chính số thanh niên này sau một mùa thi, tất cả cùng… đuối sức! Nhưng để “tiếp sức” cho thí sinh, không chỉ có đội quân thanh niên tình nguyện.
Doanh nghiệp đưa
Thấy cảnh đi lại quá nhếch nhác và cũng đầy lo lắng của phụ huynh vào mỗi mùa thi, anh Nguyễn Hồng Sơn – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Quảng Ngãi – bàn với các “chiến hữu” của mình: “Hay ta tổ chức đưa các em đi thi tập trung, các ông thấy thế nào?”. Số doanh nhân trẻ ở Quảng Ngãi, phần lớn đều xuất thân từ nông thôn, cũng đã từng kinh hãi với cảnh xe đò tàu chợ khi họ vào Sài Gòn dự thi đại học hơn 15 năm về trước, nên họ rất hiểu nỗi lo của các em hiện nay, có điều chưa nghe ai khởi xướng chuyện giúp đỡ các em. Nay nghe Sơn nói vậy, tất cả đều đồng thanh “một-hai-ba-zdô” rồi móc tiền túi ra góp vào!
Đó là câu chuyện của 4 năm về trước. Hồi đó, anh em doanh nghiệp trẻ chạy vạy phờ râu cũng chỉ “gom” được 4 chiếc xe khách, chở khoảng 200 em, mà cũng rón rén ra tới Đà Nẵng và vào Quy Nhơn chứ chưa dám vượt Hải Vân ra Huế vì… cụt vốn! Dù vậy, việc chở miễn phí cho 200 em đi thi hồi ấy đã là một “sự kiện” của tỉnh Quảng Ngãi rồi.
Thừa thắng xông lên, ngay năm sau, các thí sinh đã có thêm 4 xe “miễn phí” nữa. Lần này thì các em được bao thêm bữa cơm trưa. Cho đến mùa thi năm nay, đã có trên 1.000 học sinh Quảng Ngãi được chở miễn phí dự thi đại học ở 3 điểm Huế, Đà Nẵng và Quy Nhơn. Nhiều chiếc xe khách đã phải huỷ chuyến để tập trung lo đưa thí sinh đi thi. Ngoài bữa cơm trưa miễn phí vẫn được duy trì, năm nay có thêm “ở miễn phí” cho 100 em nữa, lại tặng 500.000đ/người cho 14 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Mỗi đoàn đến các điểm thi đều có một bác sĩ đi cùng để “chăm sóc miễn phí” nếu như chẳng may có một em nào đó đau ốm dọc đường. Chị Lê Thị Thu ở Sơn Tịnh, tiễn con đi thi, nhìn thấy chiếc xe ôtô khách to vật vã, lại mới cứng, máy lạnh chạy “mát càrem”, chị xuýt xoa, chép miệng liên tục: “Cảm ơn mấy anh doanh nghiệp trẻ, tui định cùng đi với con, nhưng trong túi có 500 ngàn thì hai mẹ con làm sao dùng đủ trong 4 ngày. Đang định vay thêm 500 ngàn nữa thì nghe có xe miễn phí, lại mát mẻ thế này, mừng quá chừng là mừng”.
Không chỉ đưa các em lên xe rồi là… xong trách nhiệm, mỗi điểm thi đều có người của hội đi cùng. Một mặt là để xử lý sự cố dọc đường, mặt khác là làm cầu nối với “nơi đến”, liên hệ chỗ ăn chốn ở đâu vào đó rồi mới được “hồi gia”. Không ít doanh nghiệp trẻ bị vợ càm ràm về cái chuyện “vác tù và” này, nhưng với họ, được giúp cho các em nghèo có điều kiện đi thi là một niềm vui.
Nhân dân đón
Sau lễ tiễn đưa tại Quảng Ngãi, 8 chiếc xe ca ghế mềm máy lạnh nhằm hướng Quy Nhơn trực chỉ. Các cháu chuyện trò cười vui như pháo nổ, chỉ có các anh doanh nghiệp là lòng rối bời bời. “Không biết liên hệ rồi mà Quy Nhơn có “đón” như họ hứa không?”. Đó là câu hỏi luôn lởn vởn trong đầu những anh doanh nghiệp đi cùng đoàn. Nhưng Quy Nhơn đã “trả lời” mối ngờ vực ấy bằng những cuộc tiếp đón ngoài mong đợi. Đã quá quen với cảnh đón sinh viên nghèo từ 6 năm nay, gần như các cánh cửa nhà trọ ở thành phố này mở toang để đón khách.
Tôi chẳng thể tin rằng, giá nhà trọ cho mỗi em chỉ với 15.000đ! Chị Bảy Thiết ở phường Ngô Mây nói: “Lấy tượng trưng để trả tiền điện, nước thôi, các cháu đều nghèo cả mà”. Và chuyện này thì bất ngờ hơn: Người dân Quy Nhơn đã tặng 10 ngàn chỗ trọ miễn phí cho các thí sinh nghèo, biếu 5.000 suất ăn miễn phí. “Đó là số người đăng ký với đường dây nóng của chương trình tiếp sức mùa thi, còn số người làm đơn lẻ thì không biết bao nhiêu mà kể” – chủ xị đường dây nóng Lương Đình Tiên cho biết.
Như chị Cúc ở Quy Nhơn, “dẹp” tạm thời cơ sở sản xuất, mua luôn 150 chiếc chiếu, tăng cường quạt điện để đón 150 em, “lệnh” chị phụ bếp lo ăn miễn phí cho số học sinh ấy suốt trong những ngày thi. Như siêu thị Coop Mart Quy Nhơn hỗ trợ 1.000 suất ăn miễn phí, như khách sạn Hoàng Yến sang trọng là thế, đang “cháy” phòng trong mùa du lịch là thế, nhưng cũng phải “bấm bụng” cho 200 em ở miễn phí và tặng 1.000 suất ăn. Nhiều nhóm gia đình tình nguyện nhường hẳn cả tầng lầu của nhà mình để cho các em ở trọ, số này thì không tính hết. Thế mới biết nhân dân ta hào phóng biết chừng nào. Dân Quy Nhơn, đúng như tên gọi “quy nhơn”, nơi hội tụ những con người nghĩa hiệp, không làm hổ danh mảnh đất đã từng sinh ra và nuôi dưỡng những anh hùng lỗi lạc và những thi sĩ lừng danh!
Có người nói rằng, với số lượng 83 ngàn thí sinh về Quy Nhơn ứng thí, cộng với khoảng 40.000 phụ huynh đưa con đi thi nữa, mỗi ngày thành phố này “kiếm” được một khoản tiền khổng lồ từ các dịch vụ phục vụ cho lượng người này. Điều này không sai nhưng theo tôi, cái mà Quy Nhơn – Bình Định “thu” được lớn nhất sau mỗi mùa thi là những tình cảm mà khách thập phương dành cho vùng “đất võ trời văn” này sau một lần đưa con đi thi và họ được dân Quy Nhơn – Bình Định đối xử như những người thân lâu ngày gặp lại.
Sẽ có những em không đỗ trong kỳ thi này, nhưng trong lòng các em thì sẽ còn “đậu” mãi về những tình cảm mà mọi người đã dành cho các em suốt trong những ngày thi.
Theo Trần Đăng
Lao động
Bình luận (0)