Sự kiện giáo dụcTin tức

Đưa vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết của Takeda về Việt Nam

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Kết quả thử nghiệm cho thấy vắc xin của Takeda có thể tạo phản ứng miễn dịch ở mức độ khác nhau đối với cả 4 chủng virus Dengue đang lưu hành trên thế giới, giúp phòng bệnh và giảm khả năng nhập viện ở người mắc sốt xuất huyết.


Hợp tác giữa VNVC và Takeda được kỳ vọng sớm mang đến cơ hội tiếp cận và ứng dụng các giải pháp phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết, đặc biệt là vắc xin sốt xuất huyết cho người dân Việt Nam

Vừa qua, tại TP.HCM, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC và Công ty TNHH Takeda Pharmaceuticals (Asia Pacific), gọi tắt là Takeda, thuộc Tập đoàn Takeda (Nhật Bản) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược, chính thức mở ra quan hệ hợp tác giữa VNVC và một trong những tập đoàn dược phẩm hàng đầu thế giới.

Hợp tác được kỳ vọng sớm mang đến cơ hội tiếp cận và ứng dụng các giải pháp phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết, đặc biệt là vắc xin sốt xuất huyết cho người dân Việt Nam.

Tại buổi ký kết, hai bên đã thống nhất triển khai nhiều hoạt động quan trọng, khẳng định chiến lược phát triển bền vững với mục tiêu đào tạo, nghiên cứu khoa học… nhằm thúc đẩy nhận thức, nâng cao kiến thức chuyên môn cho đội ngũ nhân viên y tế về các biện pháp phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết, trong đó có vắc xin sốt xuất huyết. 

Được biết, vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết của Takeda, TAK-003 (tên thương mại đăng ký QDENGA) đã được cấp phép sử dụng tại hơn 30 quốc gia bao gồm Liên minh Châu Âu (EU), Vương quốc Anh, Argentina và các quốc gia có tình hình dịch tễ sốt xuất huyết tương tự như Việt Nam như Indonesia, Brazil và gần đây hơn là Thái Lan. TAK-003 hiện chưa có giấy phép lưu hành tại Việt Nam.

Kết quả thử nghiệm cho thấy vắc xin có thể tạo phản ứng miễn dịch ở mức độ khác nhau đối với cả 4 chủng virus Dengue đang lưu hành trên thế giới, giúp phòng bệnh và giảm khả năng nhập viện ở người mắc sốt xuất huyết.

Theo Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA), đơn vị cấp phép sử dụng vắc xin tại EU, vắc xin QDENGA đã được duyệt sử dụng cho độ tuổi từ 4 tuổi không phân biệt đã từng nhiễm bệnh hay chưa.

Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực y tế dự phòng và tiêm chủng, Phó giáo sư – Tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam chia sẻ từng chứng kiến nhiều vụ dịch và trường hợp tử vong do dịch sốt xuất huyết gây ra và hiểu hơn hết vai trò phòng nhiều bệnh truyền nhiễm của vắc xin. Ông hy vọng Việt Nam sẽ sớm có vắc xin sốt xuất huyết, giúp giảm số ca mắc và tử vong do bệnh gây ra, góp phần đẩy lùi dịch bệnh này một cách bền vững tại Việt Nam.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sốt xuất huyết được xếp vào 10 thách thức y tế toàn cầu, có đến 40% dân số trên thế giới sống trong vùng nguy cơ nhiễm sốt xuất huyết Dengue. Đây là một trong những bệnh lây lan nhanh nhất do muỗi truyền, phổ biến ở các vùng nhiệt đới, ước tính lây nhiễm cho 390 triệu người, trong đó 96 triệu người có biểu hiện lâm sàng và gây ra khoảng 20.000 trường hợp tử vong trên toàn thế giới mỗi năm.

Sốt xuất huyết nặng là nguyên nhân hàng đầu của các trường hợp mắc và tử vong ở trẻ em tại một số các quốc gia châu Á và châu Mỹ La tinh. Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu về số ca mắc với ước tính hơn 200.000 trường hợp mỗi năm. Dự kiến số ca mắc sẽ gia tăng hằng năm do tình hình biến đổi khí hậu.

Bệnh cảnh sốt xuất huyết diễn biến khó lường và phức tạp, thường gặp ở cả trẻ em và người lớn. Ước tính có khoảng 10%-30% số người mắc bệnh sốt xuất huyết nặng phải nhập viện mỗi năm. Nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời, người bệnh, đặc biệt là các đối tượng có nguy cơ cao như trẻ em, phụ nữ có thai, người mắc các bệnh mãn tính, béo phì có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như tụt huyết áp, suy tim, suy thận, sốc mất máu, suy đa tạng, xuất huyết não, hôn mê…

Hiện sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu ngoài việc giảm bớt các triệu chứng và chưa có vắc xin tại Việt Nam. Tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 87.000 ca mắc sốt xuất huyết và gần 25 trường hợp tử vong. Tuýp virus sốt xuất huyết lưu hành năm nay chủ yếu là DEN-1, DEN-2 và không có sự khác biệt với những năm gần đây.

Sau lễ ký kết, Takeda còn phối hợp với Viện Pasteur TP HCM tổ chức hội thảo “Các định hướng và giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống sốt xuất huyết tại Việt Nam”. Đây là sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi hoạt động diễn ra trong khuôn khổ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản.

N.Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)