Cô Nguyễn Thị Diễm Trang đang giảng dạy dự án Vấn đề phát triển thủy sản ở khu vực ĐBSCL cho học trò
|
Trong cuộc thi Giáo viên sáng tạo lần 6 do Microsoft tổ chức vừa qua tại Thái Lan, một giáo viên người Việt đã vượt qua hàng ngàn bài giảng của các ứng cử viên để đạt giải nhất khu vực châu Á Thái Bình Dương và chuẩn bị tham dự Hội nghị toàn cầu tại New York (Mỹ) vào tháng 11-2011 tới.
Đó là bài giảng bằng điện tử về “Vấn đề phát triển thủy sản ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long” do cô Nguyễn Thị Diễm Trang, giáo viên môn địa lý – Trường THPT dân lập Ngôi Sao TP.HCM thực hiện.
Bài giảng chất lượng cao
“Tôi sinh ra ở miền sông nước ĐBSCL nên tôi tận mắt thấy được thiên nhiên đã ưu đãi cho miền quê chúng tôi như thế nào. Vùng quê này đang đầu tư phát triển mạnh ngành nuôi trồng thủy sản với những loài có giá trị như cá tra, cá ba sa, tôm… với giá trị cao. Thế nhưng tại sao những loài thủy sản này lại bị đưa vào sách đỏ?”
Với phần mở đầu như vậy, bài giảng đã thu hút được đông đảo giáo viên nước ngoài theo dõi vì đây là một vấn đề mang tính thực tế, thời sự rất cao. “Năm ngoái, khi dạy bài Thủy sản Việt Nam cho học sinh lớp 12 thì lúc đó trên các trang tin thời sự đưa tin nhiều về một số tổ chức ở châu Âu đưa cá ba sa vào diện “sản phẩm không nên sử dụng” trong hướng dẫn tiêu dùng 2010-2011 ở 6 nước EU. Lúc đó, tôi rất bức xúc vì đây là loài cá bản địa có giá trị cao về chất lượng và kinh tế ở miền quê mình nhưng tại sao lại bị đưa vào sách đỏ, việc đánh giá như thế là thiếu các cơ sở khoa học và không phù hợp với tình hình thực tế, nó sẽ gây thiệt hại lớn cho người sản xuất cũng như người tiêu dùng. Với trăn trở này, tôi bắt đầu hướng dẫn học sinh thực hiện dự án này để vừa liên hệ bài học với thực tiễn, vừa để các em tìm tòi và đưa ra những chính kiến riêng”, cô Trang bộc bạch.
Thế rồi dự án của cô được thực hiện trong vòng 2 tháng với 4 nhóm học sinh, mỗi nhóm 10 em. Ban đầu, cô đưa ra những vấn đề cho các em tìm hiểu như giá trị của thủy sản Việt Nam như thế nào, tình hình hiện nay của nó ra sao? Điều kiện để ngành này tiếp tục phát triển mạnh? Trước thực trạng cá ba sa chúng ta bị đưa vào sách đỏ thì các em hãy tìm biện pháp để có thể nuôi trồng và đánh bắt thủy sản Việt Nam hợp lý, có giá trị xuất khẩu cao… Học sinh của cô đã thu thập các nguồn tài liệu từ sách vở, báo chí, internet… thậm chí nhiều em bố mẹ còn đưa đến các cơ sở nuôi trồng thủy sản để tận mắt chứng kiến. Sau khi thu thập và tổng hợp các tài liệu xong, dưới sự hướng dẫn của giáo viên, học sinh bắt đầu phân vai để thực hiện, em thì đóng bác nông dân, em thì làm cán bộ thủy sản, có em lại làm nhà kinh doanh… để đưa những thông tin mà nhóm mình thu thập được truyền tải cho các bạn khác. Cô Diễm Trang cho biết: “Việc dạy học theo dự án giáo viên đóng vai trò là người hướng dẫn, còn tất cả các em đều phải tự tìm tòi và chủ động thực hiện việc tìm kiếm tri thức. Vì thế kết quả của dự án mang lại rất cao, các em không chỉ ghi nhớ bài học sâu mà còn mở rộng thêm được nhiều vấn đề khác”.
Làm nên giải thưởng lớn
Dự án mà cô và trò thực hiện trong bài học mới ngày nào đây giờ đã trở thành một bài giảng được đông đảo giáo viên các nước bạn tham khảo. “Khi bước lên bục giảng để trình bày dự án, tôi cảm thấy thật sự hạnh phúc vì những bài giảng của tôi và các đồng nghiệp của tôi ở Việt Nam đã được đông đảo mọi người chú ý đến”.
Để có được vinh dự này cho toàn thể giáo viên Việt Nam, không phải là một sớm một chiều cô có được qua hai tháng làm dự án với học trò mà là cả một quá trình phấn đấu bền bỉ, lâu dài. Ngay từ khi mới về trường dạy học (năm 1997), cô đã làm quen với chiếc máy tính để tìm hiểu thêm phương pháp giảng dạy công nghệ thông tin. Ngay từ khi Microsoft tổ chức cuộc thi Giáo viên sáng tạo lần đầu tiên tại Việt Nam (năm 2004), cô và nhiều đồng nghiệp tại trường đã nhiệt tình tham gia. Chính vì vậy mà năm nào trường cô cũng được giải tập thể trong cuộc thi Giáo viên sáng tạo.
Sắp tới đây, cô lại trình bày dự án của mình trước đông đảo giáo viên toàn cầu tại New York. Vì vậy, đây là thời gian cô không chỉ tập trung vào công tác chuyên môn giảng dạy cho học sinh lớp 12 chuẩn bị các kỳ thi quan trọng mà còn phải trau dồi thêm tiếng Anh để nói chuyện lưu loát hơn với đồng nghiệp trên toàn cầu. Cô Trang tâm sự: “Dự án này đã hoàn thành nhưng để trình bày trong hội nghị toàn cầu thì mình tiếp tục chỉnh sửa cho hoàn chỉnh hơn để làm sao dự án có tính phổ biến nhất, có nội dung hay nhất và có kỹ thuật cao hơn để trình bày thu hút hơn. Ngoài ra việc trau dồi thêm tiếng Anh cũng là một việc làm cần thiết để mình phân tích và trình bày bài giảng có sức thuyết phục hơn.
Bài, ảnh: Dương Bình
Bình luận (0)