Một cảnh trong vở kịch Số đỏ |
Vừa qua, tại Sân khấu Kịch Phú Nhuận, diễn ra vở kịch Số đỏ dựa theo tác phẩm văn học Số đỏ của nhà văn Vũ Trọng Phụng, với sự tham dự của Hiệu trưởng và tổ trưởng tổ văn 134 trường THPT nằm trên địa bàn thành phố. Đây là vở kịch nằm trong đề án “Sân khấu với học đường” do Sở GD-ĐT phối hợp với Sân khấu Kịch Phú Nhuận thực hiện.
Một lối đi mới
Nhiều năm qua, đội ngũ thầy cô giáo dạy văn đã sử dụng hình thức biểu diễn với mong muốn truyền đến HS sự cảm thụ tác phẩm thông qua những hoạt cảnh. Hình thức này ít nhiều có hiệu quả và làm cho người thầy hài lòng. Tuy nhiên, để thực hiện được, người thầy phải tốn rất nhiều công sức và tiền bạc cho kịch bản và trang phục. Hầu hết thầy cô giáo dạy văn đều mong muốn được thường xuyên dạy văn qua sân khấu hóa nhằm hạn chế việc HS ít mặn mà với bộ môn văn; do đặc thù của bộ môn này nặng về tư duy và cảm thụ. Trong một tiết học, nếu HS cứ nghe mãi những lời giảng như mọi lần và không có gì mới dễ dẫn đến sự nhàm chán. Nhằm khắc phục và lôi cuốn HS đến với bộ môn văn học, Phòng Giáo dục Trung học (Sở GD-ĐT TP.HCM) kết hợp với Sân khấu Kịch Phú Nhuận tổ chức những chương trình biểu diễn các tác phẩm văn học có trong chương trình bậc THPT. TS Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Mục đích của chương trình này nhằm giúp HS đến với bộ môn văn. Đây là một trong những “lối” dẫn HS đến với văn học bằng sự yêu thích. Sân khấu hóa sẽ giúp HS hình tượng cụ thể hơn tác phẩm đã học”. Ý kiến này nhận được sự đồng tình của cô Hồ Ánh Tuyết, Tổ trưởng tổ Ngữ văn Trường THPT Trung Phú, cô nói: “Vở kịch chuyển tải được tinh thần cơ bản của tác phẩm. Những nội dung thể hiện trên sân khấu đã lồng được những đoạn khác nhau trong tác phẩm mà văn bản tác phẩm bị dàn trải”.
Cần khắc phục những hạn chế
Khi chuyển tải một tác phẩm văn học sang sân khấu hay điện ảnh, chắc chắn người làm nhiệm vụ chuyển thể thường phải thay đổi một số ngôn ngữ. Thậm chí, có người cắt một số chi tiết hay thêm vào một số chi tiết mới để phù hợp với thực trạng của xã hội lúc bấy giờ mà không để ý đến nhu cầu thưởng ngoạn của khán giả. Cô Ngô Hoa Hỹ, Tổ trưởng tổ Văn Trường THPT Nguyễn Chí Thanh cho biết: “Một tác phẩm văn học được đưa lên sân khấu hoặc được chuyển thể thường gặp những hạn chế nhất định do tính ước lệ của sân khấu và nghệ thuật của các loại hình khác ngoài văn học. Cụ thể, yếu tố “diễn” không chuyển đạt được hết ý đồ của nhà văn; không gợi được sự thăng hoa nơi người xem so với đọc tác phẩm vì khả năng gợi cảm của tác phẩm văn học rất lớn”. Một giáo viên dạy văn THPT nói sau khi xem xong buổi diễn vở Số đỏ: “Ngôn ngữ thay đổi quá nhiều, diễn có cảnh nặng tính gây cười”. Đúng như vậy, một cảnh diễn nếu chỉ “đẩy” lên quá một chút sẽ có thể gây nên sự phản cảm. Hoặc người nghệ sĩ quá say sưa với vai diễn và “cương” lên, chắc chắn sẽ phá nát tác phẩm văn học. Cô Hồ Ánh Tuyết nói thêm: “Diễn viên sử dụng ngôn ngữ bằng nhiều từ hiện đại chưa phù hợp với tác phẩm. Về tính cách nhân vật, diễn viên đã lột tả được phần lớn tính cách nhân vật như tác phẩm thể hiện nhưng chưa hoàn toàn. Giá như nhân vật Xuân Tóc Đỏ láu cá hơn một chút, tinh ranh hơn một chút sẽ phù hợp với nhân vật trong tác phẩm”. Như hiểu được suy nghĩ của khán giả, nghệ sĩ Minh Hoàng bày tỏ: “Do đặc thù của loại hình sân khấu, có đôi chỗ chúng tôi có cường điệu về ngôn ngữ”.
Buổi diễn đã khép lại, thành công của vở kịch khá lớn. Với 13 vở kịch chuyển thể từ các tác phẩm văn học nằm trong chương trình của Sân khấu Kịch Phú Nhuận nói lên sự đầu tư không nhỏ của những người tổ chức đề án này… Tất nhiên những tồn tại trong tác phẩm lần này sẽ được điều chỉnh ở tác phẩm sau.
Trần Thanh Quang
Bình luận (0)