Năm học 2024-2025, TP.HCM có thêm 23 dự án trường học được đưa vào hoạt động với số phòng học tăng thêm là 412 phòng. TP.HCM đảm bảo đủ chỗ học cho con em thành phố.
Số phòng học tăng thêm đáp ứng đủ chỗ học cho học sinh thành phố
Tăng thêm hơn 24.000 học sinh, tăng chủ yếu bậc THPT
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, năm học 2024-2025, dự kiến TP.HCM có hơn 1,7 triệu học sinh, tăng 24.097 học sinh so với năm học 2023-2024. Trong đó, mầm non tăng 6.262 học sinh (công lập tăng: 2.987, ngoài công lập tăng: 3.275); THCS tăng 7.022 học sinh (công lập tăng: 7.437, ngoài công lập giảm: 415); THPT tăng 16.999 học sinh (công lập tăng: 13.831, ngoài công lập tăng: 3.168). Riêng tiểu học giảm 6.185 học sinh (công lập giảm: 6.966, ngoài công lập tăng: 781).
Sở GD-ĐT TP.HCM đánh giá, nhìn chung, năm học 2024-2025 TP vẫn đảm bảo 100% con em sinh sống trên địa bàn có đủ chỗ học.
Theo Sở GD-ĐT, năm học 2023-2024, số học sinh không có hộ khẩu thường trú tại TP.HCM là 347.962 (chiếm tỷ lệ 20,67% tổng học sinh của thành phố). Bình quân mỗi năm số học sinh tăng thêm các cấp học khoảng 25.000 học sinh, áp lực này làm gia tăng sĩ số học sinh/lớp vượt cao so với chuẩn (nhất là cấp tiểu học), số lượng học sinh tham gia học 2 buổi/ngày giảm, chưa đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018. Điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện đều co hẹp lại, gây ảnh hưởng đến các lớp đang học. Việc gia tăng số học sinh nêu trên dẫn đến tăng số cán bộ, giáo viên, nhân viên và tăng biên chế sẽ làm tăng nguồn chi của ngân sách thành phố.
Hiện nay địa bàn một số quận, huyện có nhiều trường tiểu học có quy mô sĩ số trên 45 học sinh/lớp đã hạn chế phần nào công tác quản lý và chất lượng giảng dạy.
23 dự án trường học mới, tăng thêm 412 phòng học
Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, dự kiến trong năm 2024 TP sẽ đưa vào sử dụng 23 dự án trường học, với 476 phòng học mới (trong đó: số phòng học tăng thêm là 412 phòng) với tổng mức đầu tư 2.237,603 tỷ đồng.
Trong đó, dự kiến ngày 5-9-2024 sẽ đưa vào sử dụng 18 dự án với 413 phòng học mới (tăng thêm 359 phòng), với tổng mức đầu tư 1.970 tỷ 383 triệu đồng.
Số phòng học mới lần lượt ở các cấp học cụ thể là: Mầm non 41 phòng học (tăng thêm 30 phòng); Tiểu học 246 phòng học (tăng thêm 203 phòng); THCS 126 phòng học (tăng thêm 126 phòng).
Từ sau ngày 5-9-2024 đến hết tháng 12-2024, dự kiến sẽ đưa vào sử dụng 5 dự án với 63 phòng học mới (tăng thêm là 53 phòng), với tổng mức đầu tư 267 tỷ 220 triệu đồng.
Số phòng học mới lần lượt ở các cấp học cụ thể là: Mầm non 33 phòng học (tăng thêm 23 phòng); Tiểu học 30 phòng học (tăng thêm 30 phòng).
Sở GD-ĐT TP ước tính, năm 2024 TP đạt 296 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học từ 3 đến 18 tuổi. Đến hết năm 2023, TP đã đạt 294 phòng học.
Quận, huyện “khó” quỹ đất có thêm 10 trường học mới
Năm học 2024-2025, quận Bình Tân có thêm 7 trường công lập mới từ bậc mầm non, tiểu học, THCS được đưa vào hoạt động, với tổng kinh phí đầu tư gần 1.180 tỷ đồng. Trong đó gồm 1 trường mầm non, 5 trường tiểu học và 1 trường THCS. Trong đó, Trường THCS Bình Trị Đông B được định hướng xây dựng trường chuẩn quốc gia và trường tiên tiến, hội nhập quốc tế giai đoạn 2026-2030. Các trường đều tổ chức dạy học 100% học sinh 2 buổi/ngày, có bán trú đáp ứng theo nhu cầu của phụ huynh học sinh.
Năm học mới, quận Bình Tân dự kiến có 124.237 học sinh, tăng 3.455 học sinh so với năm học 2023-2024. Trong đó, công lập là 101.233 học sinh, ngoài công lập là 23.004 học sinh. Số học sinh tăng nhiều nhất là ở bậc THCS với 1.574 em.
Ông Ngô Văn Tuyên – Trưởng phòng GD-ĐT quận Bình Tân phấn khởi, với 7 trường học mới được đưa vào hoạt động trong năm học 2024-2025, áp lực về giải quyết chỗ học cho học sinh trên địa bàn quận phần nào được giải tỏa. 7 trường học mới với tổng số 204 phòng học mới được đưa vào sử dụng sẽ nâng chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học (từ 3-18 tuổi) trên địa bàn quận lên 295 phòng nếu tính riêng hệ công lập. Nếu tính thêm các trường ngoài công lập, chỉ tiêu này vượt trên 300 phòng học.
TP.HCM có 23 dự án trường học đưa vào hoạt động trong năm học mới
“Năm học 2023-2024, địa bàn quận có 2 phường gặp nhiều khó khăn trong bố trí chỗ học do không đủ trường tiểu học và THCS, bao gồm: phường Bình Trị Đông A có 970 trẻ vào lớp 1 nhưng phường chỉ có 1 trường tiểu học và khả năng tiếp nhận được 288 trẻ, số trẻ còn lại phải đến học ở các trường tiểu học khác lân cận ngoài phường để học; Phường Bình Hưng Hòa B dân số đông, trên địa bàn phường có 4 trường tiểu học, với tổng số học sinh lớp 5 lên lớp 6 trong năm học 2023-2024 là 2.646 em nhưng chỉ có 2 trường THCS, khả năng tiếp nhận là 1.950 em, hiện luôn trong tình trạng quá tải. Do đó, nhiều học sinh lớp 5 ra trường phải đi nơi khác học tiếp THCS với cự ly khá xa nhà để học” – ông Tuyên phân tích.
Với việc đưa vào 7 trường học mới trong năm học mới, đã giúp quận Bình Tân kéo giảm được áp lực sĩ số học sinh/lớp ở bậc tiểu học, từ 45 em xuống còn 37 em, cũng như số học sinh trong 1 trường; Tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày (tính cả bán trú) ước đạt 67%, tăng thêm 12% so với năm học trước. Ở bậc THCS, sĩ số ước đạt 44 học sinh/lớp, tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày (có bán trú) sẽ tăng thêm 5% so với năm học trước, đạt 49%.
Tương tự, quận Tân Bình cũng sẽ đưa vào sử dụng cụm 3 trường mầm non, tiểu học, THCS theo định hướng chuẩn quốc gia và tiên tiến hội nhập quốc tế vào ngày 30-4-2025 để chào mừng 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cụm trường học được xây trên phần đất hơn 50.000m², có tổng 3 trường, được TPHCM bố trí hơn 1.156 tỷ đồng để xây dựng. Trong đó, Trường Mầm non Sơn Ca được xây trên phần đất 6.300m², kết cấu 1 trệt, 3 lầu với 20 phòng học, có thể tiếp nhận 700 học sinh; Trường Tiểu học Hùng Vương xây trên phần đất 9.400m², quy mô 30 phòng học, hơn 1.000 học sinh; Trường THCS Mạc Đĩnh Chi xây trên phần đất 12.200m², 45 phòng học, trên 2.000 học sinh.
Chào mừng 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngành giáo dục và đào tạo TP.HCM có đề án hoàn thành 4.500 phòng học mới. Hiện nay, các địa phương trên địa bàn thành phố đang gấp rút triển khai, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ.
Giang Quân
Bình luận (0)