Ngày 2-11, chương trình tư vấn hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 13 năm học 2020-2021 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức đã diễn ra tại 5 trường: THPT Hùng Vương (Q.5), THPT Hiệp Bình (Q.Thủ Đức), THPT Sương Nguyệt Anh (Q.10), THPT Tenlơman (Q.1) và THPT Bình Tân (Q.Bình Tân).
ThS. Phùng Quán (Trưởng phòng Thông tin và Truyền thông Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM) đang hướng nghiệp cho học sinh Trường THPT Tenlơman. Ảnh: N.Trinh
Chương trình có sự phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP.HCM, ĐHQG TP.HCM, Trung tâm Phát triển Giáo dục và Đào tạo phía Nam (Bộ GD-ĐT) với sự đồng hành của Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.
Học ngành y phải có tình yêu thương con người
Trong chương trình diễn ra ở Trường THPT Tenlơman, ThS. Phùng Quán (Trưởng phòng Thông tin và Truyền thông Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM) đã thông tin đến các em học sinh về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, các phương thức xét tuyển vào trường TC, CĐ, ĐH cũng như hệ thống trường đào tạo ngành nghề hiện nay. Cụ thể, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 vừa được Bộ GD-ĐT thống nhất giữ ổn định như kỳ thi năm 2020. Thí sinh phải làm 3 bài thi bắt buộc là toán, văn, ngoại ngữ và chọn một trong 2 bài thi khoa học tự nhiên và khoa học xã hội để làm. Sau khi thi tốt nghiệp THPT, các em có nhiều con đường học tiếp qua hệ thống trường TC nghề hoặc học CĐ, ĐH. Theo thống kê từ xã hội, hiện nay hệ thống các trường đào tạo khoảng 3.000 nghề khác nhau. Vì vậy, ThS. Phùng Quán lưu ý các em học sinh phải chọn ngành cho đúng với năng lực, đam mê và hoàn cảnh gia đình. “Hiện nay nghề có nhiều nhưng ngành đào tạo ít. Học một ngành nhưng có thể làm nhiều nghề, cho nên quan trọng là chọn đúng ngành. Và muốn chọn được trường học phù hợp trước hết phải chọn nghề, sau đó chọn ngành. Chọn được ngành rồi thì tiếp tục chọn bậc học, sau đó mới đến chọn trường yêu thích nhất”, ThS. Phùng Quán khuyên. Tại chương trình, nhiều học sinh quan tâm đến lĩnh vực y khoa, kỹ thuật y sinh. Cụ thể, em Huỳnh Thanh Hải (học lớp 12A7) hỏi: “Tố chất quan trọng đầu tiên đối với người theo ngành y đa khoa là gì?”. Tiếp theo, một học sinh khác đặt câu hỏi: “Chương trình đào tạo của ngành kỹ thuật y sinh như thế nào và làm việc ở đâu sau khi tốt nghiệp ra trường?”. ThS. Phùng Quán cho biết ngành y đa khoa yêu cầu nhiều tố chất nhưng đầu tiên là lòng yêu thương con người. Tính y đức rất quan trọng đối với một bác sĩ vì không chỉ điều trị bệnh mà bác sĩ cần có thái độ, kỹ năng, kinh nghiệm nghề nghiệp, sự cảm thông, chia sẻ với bệnh nhân. Thứ nữa là phải biết kiềm chế cảm xúc, tính kiên trì cao vì thời gian đào tạo y khoa lâu hơn các ngành khác. Người theo học cũng phải giỏi ngoại ngữ bởi tất cả tài liệu học tập đều sử dụng tiếng Anh. Tại TP.HCM có các trường: ĐH Y dược TP.HCM, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Khoa Y ĐHQG TP.HCM, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Quốc tế Hồng Bàng… đào tạo ngành y đa khoa. Theo ThS. Phùng Quán, có nhiều con đường để theo học ngành y đa khoa. Người học có thể đăng ký xét tuyển trực tiếp vào khoa y các trường y, hoặc học các ngành sinh học, công nghệ sinh học sau đó tiếp tục học văn bằng 2 tại ĐHQG TP.HCM với chỉ tiêu 30% hàng năm.
CHƯƠNG TRÌNH HƯỚNG NGHIỆP ĐẾN VỚI HỌC SINH Từ ngày 2 đến 4-11, chương trình tư vấn hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 13 năm học 2020-2021 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng ĐHQG TP.HCM, Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam (Bộ GD-ĐT) tổ chức đã đến với học sinh Bà Rịa – Vũng Tàu (chương trình có sự phối hợp của Sở GD-ĐT tỉnh này). Theo đó, tại Bà Rịa – Vũng Tàu, chương trình diễn ra ở 33 trường THPT, cung cấp thông tin hướng nghiệp cho gần 20.000 học sinh. Tương tự, từ ngày 3 đến 7-11, chương trình tư vấn hướng nghiệp tiếp tục diễn ra tại Đồng Nai. Theo ban tổ chức, xuyên suốt chương trình, các chuyên gia cung cấp cho học sinh những kiến thức về định hướng ngành nghề, kỹ năng chọn ngành nghề, chọn trường phù hợp với năng lực, sở thích; tìm hiểu hệ thống đào tạo từ TC đến ĐH, hệ thống đào tạo liên thông, các chương trình liên kết quốc tế; dự báo nguồn nhân lực và thị trường lao động, khám phá năng lực bản thân… PV |
Đối với ngành kỹ thuật y sinh, người học được đào tạo kiến thức, chuyên môn hiểu biết về máy móc phục vụ y sinh để hỗ trợ các bác sĩ điều trị bệnh nhân tốt hơn. Có nhiều trường đang đào tạo ngành này như ĐH Quốc tế TP.HCM, ĐH Công nghệ TP.HCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM… Bên cạnh đó, nhiều học sinh còn đặt câu hỏi liên quan đến ngành đồ họa, công nghệ thực phẩm, du học… Đặc biệt, em Minh Châu (học lớp 12A1) quan tâm đến môi trường học tập tại Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM và cơ hội việc làm thế nào sau khi tốt nghiệp. PGS.TS Hoàng Thị Hồng Hà (Trưởng khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông nhà trường) chia sẻ, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM là trường chuẩn quốc tế, toàn bộ chương trình đào tạo song ngữ, một nửa số môn sẽ dạy bằng tiếng Anh, một nửa số môn sẽ dạy bằng tiếng Việt. Đội ngũ giảng dạy là giảng viên người nước ngoài và giảng viên Việt Nam được đào tạo ở nước ngoài. Đậu vào trường, đầu tiên sinh viên được tham gia kỳ thi xếp lớp tiếng Anh. Những sinh viên đã có các chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEIC sẽ được xem xét ưu tiên một số học phần đầu tiên về tiếng Anh. Hầu như năm thứ nhất ĐH, sinh viên được trang bị năng lực tiếng Anh, đến giữa năm hai thì được phân chuyên ngành. “Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp tại trường khoảng 97%, là kết quả khảo sát trong vòng 6 tháng hoặc 1 năm đối với sinh viên đã tốt nghiệp ra trường”, PGS.TS Hoàng Thị Hồng Hà cho biết.
Chuẩn bị tâm lý trước khi đi du học
Học sinh Trường THPT Hùng Vương đặt câu hỏi cho ban tư vấn. Ảnh: H.Trinh
Tại Trường THPT Hùng Vương, trước băn khoăn của một học sinh khi chưa phân biệt được tâm lý học và tâm lý học giáo dục khác nhau thế nào, ThS. Nguyễn Thị Xuân Dung (Phó Trưởng phòng Công tác sinh viên và Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho biết tâm lý học giáo dục là một chuyên ngành của tâm lý học. Cả 2 mảng này đều liên quan đến con người: Nếu tâm lý học nghiên cứu việc xử lý thông tin và biểu hiện hành vi ở con người, làm rõ bản chất của con người bằng cách đi sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống thì tâm lý học giáo dục đối tượng là học sinh, sinh viên hoặc những đối tượng trẻ khuyết tật để hỗ trợ tư vấn về tâm lý, những vấn đề tâm lý mà họ gặp phải. “Muốn theo đuổi ngành này, ngoài đam mê, năng lực đòi hỏi người học phải có sự kiên nhẫn, kiên trì, đồng cảm, thấu hiểu về đối tượng. Hiện có nhiều trường đào tạo ngành tâm lý học như: ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM, ĐH Công nghệ TP.HCM…”, ThS. Nguyễn Thị Xuân Dung gợi ý. Trong khi đó, với băn khoăn của em Tiểu Trúc (học lớp 12A23) về ngành quản trị kinh doanh, ThS. Phạm Doãn Nguyên (Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) cho hay, đây là ngành học đang được nhà trường đào tạo. Quản trị kinh doanh là một ngành đòi hỏi người học phải nhạy bén, linh hoạt, có tầm nhìn. “Có nhiều em nghĩ học ngành quản trị kinh doanh là ra làm sếp, ăn mặc sang trọng, đi xe xịn…, nhưng để đạt được vị trí này thì không phải là việc dễ dàng. Muốn làm sếp, chúng ta phải đi từ những vị trí nhỏ đến khi có được nhiều kinh nghiệm và trình độ quản lý thì sẽ được đảm nhiệm vị trí cao”, ThS. Phạm Doãn Nguyên chia sẻ. Tiếp theo chương trình, em Gia Hân (học lớp 11A2) có câu hỏi liên quan đến việc đi du học. Với vấn đề này, ông Huỳnh Hiếu Thuận (Phó phòng Tuyển sinh Phân hiệu ĐH Broward tại Việt Nam) trả lời: Muốn đi du học, các em phải chuẩn bị tâm lý, sức khỏe, ngoại ngữ và tài chính. Vì khi ở Việt Nam, học sinh đã quen với môi trường học tập, có người thân, gia đình bên cạnh hỗ trợ, chăm sóc. Còn khi đi du học xa nhà, mọi thứ mình đều tự giải quyết nên cảm thấy bỡ ngỡ, lạ lẫm. “Hiện nay nhiều học sinh muốn đi du học đã chọn học Phân hiệu ĐH Broward tại Việt Nam. Tại đây, nhà trường có chương trình chuyển tiếp 2 năm học ở Việt Nam, 2 năm học ở Mỹ. Việc học này giúp sinh viên tiếp cận với phương pháp giáo dục của Mỹ, được giảng viên nước ngoài hỗ trợ… Vì vậy, khi đi du học các em sẽ thấy tự tin và sẵn sàng hơn”, ông Huỳnh Hiếu Thuận nói.
N.Trinh – H.Trinh
Bình luận (0)