Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Dựa vào sự cá biệt để giáo dục trò cá biệt

Tạp Chí Giáo Dục

Tôi gắn bó với nghề dạy học gần 30 năm, và đã từng dở khóc dở cười với những học sinh (HS) được gọi là cá biệt. Nhưng rồi được học hỏi đồng nghiệp, tìm hiểu sách báo nói về tâm lí HS cùng với kinh nghiệm nghề nghiệp, tôi đã biết cách thuần phục các chú “ngựa chứng” trong sân trường.

Theo nhiều giáo viên, muốn giáo dục học sinh cá biệt thì cần dựa vào sự cá biệt của các em mà dạy. Trong ảnh: Học sinh TP.HCM tập làm gốm tại Ngày hội truyền thống 9-1 năm nay. Ảnh: N.Anh

Với tinh thần đó, tôi xin mạnh dạn đưa vài trường hợp mà giáo viên hay gặp với những “hảo hán” trong trường học.

Chuyện 1: Cách đây 10 năm, lớp 9 tôi dạy có một HS để tóc dài, lại rất lầm lì, biếng học, thầy cô nào nói cũng không nghe, khuyên cũng không hớt. Một lần, trước khi vào tiết dạy, tôi gặp riêng em. Tôi hỏi em vì sao để tóc như vậy, không đợi trả lời, tôi nói luôn chắc em không có tiền hớt hả. Rồi tôi đưa tiền cho em. Em không nhận. Tôi bỏ vào túi áo em, bắt em nhận. Sau đó tôi vào lớp dạy bình thường. Cuối giờ học, em đem tiền trả lại tôi. Tôi bất ngờ. Và bất ngờ hơn là sáng hôm sau, tôi thấy tóc em đã hớt. Thì ra, em tự ái vì tôi cho là em không có tiền nên không hớt tóc; vì vậy, em hớt tóc để thầy biết là em để tóc không phải là không có tiền hớt. Nghĩa là, tôi biết em để tóc dài là làm ra vẻ người lớn, là sành điệu, để khẳng định mình trước bạn bè, song tôi phớt lờ điều đó mà hướng vào lòng tự trọng là “vì em không có tiền hớt tóc hoặc tiếc tiền nên em không hớt”, điều đó làm cho em tự ái, do vậy, em phải hớt tóc là để cho thầy thấy rằng “em thích để tóc dài chứ không phải là không tiền hớt tóc”. 

Dẫu cá biệt về đạo đức, hay cá biệt về  học tập thì thầy cô không nên “đè cổ” các em ra mà phê bình ngay trước đám đông, tại lớp, ngược lại cần phải gặp gỡ, trao đổi tâm tư để các em nhận ra ở thầy cô có sự đồng cảm để mình giãi bày.

Chuyện 2: Năm học vừa qua, có một HS lớp 7 rất lười học nhưng lại thích làm nổi với bạn bè. Đó là mỗi lần trống vào lớp, em không bao giờ vô lớp cùng cả lớp mà chỉ khi nào thầy cô bước vào lớp em mới vào theo. Khi thầy cô vào lớp, HS đứng lên chào, trong đó có chào em nữa nên em càng làm oai khi mỗi lần vào lớp hơn. Em thường giơ tay đưa kí hiệu (ok), nhảy nhót, lắc mông, rồi làm những trò khác để gọi là sành điệu trước mặt lớp nhằm ngụ ý là không sợ thầy cô. Thấy chướng, bực mình, nhiều thầy cô nhắc nhở, răn đe, xử phạt nhưng em không nghe mà chứng nào tật nấy. Biết vậy, một lần tôi tìm cách gặp và trò chuyện cởi mở với em. Sau bao chuyện, tôi hỏi em: “Em có thích người ăn theo không?”. Em nói không. Tôi nói tiếp: “Thế mà cả lớp gọi em là người ăn theo đó”. Em đỏ mặt hỏi ai nói và nói em ăn theo chuyện gì. Tôi bình tĩnh, ôn tồn nói là mỗi lần thầy cô vô lớp, em mới vô cùng thầy cô để các bạn chào là em ăn theo đó. Em nghe thế, bẽn lẽn và từ đó hết vô lớp cùng thầy cô…

Tất nhiên những chuyện xử trí như thế chỉ có thầy và trò biết. Đó là điều tế nhị. Chính điều tế nhị này, những HS mà thầy cô cho là cá biệt rất nhạy cảm và tự các em điều chỉnh lại hành vi của mình liền. Điều cần thấy là mọi hành vi của HS cá biệt đều có cách chế ngự, hóa giải nếu người thầy biết bình tĩnh, khéo léo, thân thiện, cởi mở tìm hiểu về tâm sinh lí và điều kiện sống của các em. Phải tìm hiểu, phát hiện và phát huy mặt tích cực, mặt mạnh của HS để làm sao mặt đó trở thành động lực phấn đấu của các em. Dẫu cá biệt về đạo đức, hay cá biệt về  học tập thì thầy cô không nên “đè cổ” các em ra mà phê bình ngay trước đám đông, tại lớp, ngược lại cần phải gặp gỡ, trao đổi tâm tư để các em nhận ra ở thầy cô có sự đồng cảm để mình giãi bày. Có như thế thầy cô mới có cách giáo dục các em được. Đặc biệt, không nên tìm mọi cách kiểm tra bài cũ, cho làm bài tập nhiều, mà luôn coi các em như bao HS bình thường khác để tránh suy nghĩ là mình luôn bị thầy cô trù ám rồi tìm cách phản ứng tiêu cực lại. Lúc đó đố mà giáo dục các em tiến bộ được.

Nguyễn Tú

Bình luận (0)