Sau hơn 1 năm được Thủ tướng chính phủ phê duyệt và được các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai, mặc dù đã tạo ra những tác động xã hội tích cực nhưng đề án "Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT” vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
|
Theo đánh giá của Bộ Thông tin – Truyền thông, đề án “Sớm đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin truyền thông" đã góp phần tích cực trong việc định hướng chiến lược phát triển CNTT-TT Việt Nam trong giai đoạn tới, nhằm đến năm 2020, Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT… Tuy nhiên hiện nay, việc tổ chức triển khai đề án, nhất là thực hiện các dự án đầu tư đang gặp khá nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ CNTT – Bộ Thông tin và Truyền thông, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT cho biết: “Nhiều dự án đầu tư của dự án đã được phê duyệt, tuy nhiên chưa được cấp kinh phí bởi theo Nghị quyết 11 của chính phủ, các dự án đầu tư mới chưa được cấp kinh phí, ngoài ra, cơ chế đầu tư và tài chính cho đề án cũng chưa thực sự rõ ràng trong quyết định 1755 – quyết định phê duyệt đề án”.
Để thực hiện tốt đề án trong giai đoạn tiếp theo, một trong những nhiệm vụ quan trọng là mỗi tổ chức, mỗi địa phương cần phải được đầu tư bài bản về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin sao cho hiệu quả và phù hợp.
Ông Nguyễn Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng kiến nghị: “Chúng tôi đề nghị Chính phủ nên đầu tư nhiều hơn nữa về ứng dụng phát triển công nghệ thông tin – truyền thông, đặc biệt là những vùng nghèo. Chúng tôi kiến nghị Bộ TTTT tiếp tục quan tâm nhiều hơn đến các địa phương vùng sâu vùng xa và có hướng dẫn, giúp đỡ các địa phương để họ chủ động hơn và có chỗ dựa về mặt tinh thần cũng như nghiệp vụ để tiếp tục triển khai đề án”.
Để triển khai đề án một cách hiệu quả, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về CNTT đã yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông ngay trong năm 2012 phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng một bộ tài liệu khẳng định khả năng đóng góp của CNTT đối với đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như hoạt động quản lý Nhà nước. Đặc biệt, xác định rõ danh mục 1 số việc cần làm để triển khai đề án trong thời gian tới, đảm bảo mục tiêu đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm đạt từ 2-3 lần tốc độ tăng trưởng GDP trở lên.
Theo Việt Linh – Thúy Hằng
(vtv)
Bình luận (0)