Ngày 19-10, Sở Y tế TP.HCM đã tổ chức Hội nghị sơ kết gần ba năm thực hiện đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện (BV) tuyến trên về hỗ trợ các BV tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB)” (Đề án 1816).
Sau gần ba năm được triển khai đề án, tình trạng quá tải ở các BV tuyến trên đã được cải thiện phần nào. Tuy vậy, cũng bộc lộ một số khó khăn, bất cập trong ngành y tế…
Giảm 30-90% số ca chuyển viện
Từ tháng 8-2006 đến tháng 6-2011, TP.HCM đã có 24 BV trực thuộc Sở Y tế TP hỗ trợ cho 64 BV thuộc 28 tỉnh phía Nam. Theo đó đã có 2.719 lượt bác sĩ tham gia, chuyển giao được 1.859 kỹ thuật với 26 chuyên ngành. Tổng số lượt người KCB là 137.599, lượt người phẫu thuật là 5.459, xử lý cấp cứu hồi sức cho hơn 5 ngàn lượt bệnh nhân, hạn chế được nhiều ca tử vong.
Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Trưởng phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế TP.HCM cho biết: “Sau khi được chuyển giao kỹ thuật của BV tuyến trên, BV Đa khoa Phú Yên đã giảm 90% tỷ lệ chuyển viện bệnh nhân bị chấn thương sọ não; BV Đa khoa Sa Đéc giảm chuyển tuyến trên 30% bệnh nhân tim mạch; BV Cần Giuộc, BV Bến Lức, BV Đa khoa Long An (tỉnh Long An) và BV Đa khoa Đồng Tháp giảm tỷ lệ chuyển viện từ 70-90%…”.
BS CKII Bùi Trần Ngọc, Giám đốc BV Đa khoa Phú Yên thừa nhận: “Trước đây, bệnh nhân chấn thương sọ não vào BV Phú Yên chỉ để cầm máu rồi phải chuyển lên BV tuyến trên ở TP.HCM. Theo đó mất đi thời gian vàng để cứu bệnh nhân. Hậu quả là nhiều bệnh nhân đã tử vong, nhiều trường hợp được cứu sống nhưng bị tật”.
Cũng nhờ Đề án 1816 mà BV Đa khoa Phú Yên đã làm nên “kỳ tích”. BS CKII Bùi Trần Ngọc kể lại: “Một năm trước, bệnh nhân Nguyễn Văn Hiệu (83 tuổi) – lão thành cách mạng, mắc bệnh hiểm nghèo: u màng não, suy tim, đái tháo đường. Lúc đó, các đồng chí ở Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã yêu cầu chúng tôi phải phẫu thuật. BV đã liên hệ với BV 115 (TP.HCM) đưa bác sĩ xuống hỗ trợ chúng tôi thực hiện ca phẫu thuật. Kết quả là bệnh nhân đã khỏe mạnh. Từ ca bệnh này, người dân Phú Yên không còn lắc đầu mỗi khi nhắc đến BV Phú Yên nữa…”.
Lương bác sĩ không bằng lợi nhuận bán tạp hóa
Thứ trưởng Bộ Y tế PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên cho biết: “Đề án 1816 có ba mục tiêu: nâng cao chất lượng KCB của tuyến dưới, đặc biệt là miền núi, vùng sâu, vùng xa thiếu cán bộ y tế; giảm tình trạng quá tải cho các BV tuyến trên, đặc biệt là các BV tuyến trung ương; chuyển giao công nghệ kỹ thuật và đào tạo cán bộ tại chỗ nhằm nâng cao tay nghề cho cán bộ y tế tuyến dưới”.
Thực tế, việc thực hiện ba mục tiêu này gặp không ít khó khăn. Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Sở Y tế TP.HCM cho biết: “Có những kỹ thuật phải thực hiện trên bệnh nhân nên bắt buộc bác sĩ tuyến dưới phải lên BV tuyến trên để học. Tuy vậy, một số BV tuyến dưới không dám gửi bác sĩ đi vì… đi người nào là mất người đó”…
Bác sĩ Trương Quốc Hưng, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến BV Nhân dân Gia Định (TP.HCM) cũng cho biết: “Nhiều bác sĩ ở BV tuyến dưới sau khi được các đồng nghiệp ở BV tuyến trên chuyển giao kỹ thuật đã bỏ đi BV khác do thu nhập cao hơn”…
Các BV tuyến dưới còn rơi vào tình trạng thiếu nhân sự. BS CKII Huỳnh Văn Nhàn, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp BV Từ Dũ cho biết: “Từ năm 2008 đến nay BV đã cử 53 BS CKII, 38 BS CKI và 72 bác sĩ xuống 16 BV tuyến dưới để chuyển giao kỹ thuật. Khi xuống chuyển giao kỹ thuật hồi sức sơ sinh tại một BV tuyến dưới, BV này có 3 bác sĩ nhi, trong đó 1 bác sĩ đi học, 1 bác sĩ nghỉ hộ sinh nên không thể chuyển giao được”.
Một trong những nguyên nhân khiến các BV tuyến dưới thiếu nhân sự là do thu nhập thấp. “Mới đây, BV chúng tôi tuyển được 4 bác sĩ, chỉ làm được hơn 1 tháng là có 3 bác sĩ bỏ việc. Một bác sĩ nói: “Lương của bác sĩ (2,2 triệu đồng/tháng) mà không bằng lợi nhuận mẹ em bán tạp hóa ở ngoài chợ Đắk Nông”…”, bác sĩ Nguyễn Cường, Giám đốc BV Đa khoa Đắk Nông kể lại.
Hòa Triều
Bình luận (0)