Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Đức: Các công ty thất vọng về chất lượng giáo dục ĐH

Tạp Chí Giáo Dục

Các công ty sử dụng lao động ở Đức đang mất dần sự tin tưởng vào hệ thống đào tạo cử nhân trong thời gian qua (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: I.T
Một cuộc khảo sát gần đây ở Đức cho thấy các công ty sử dụng lao động đang mất dần sự tin tưởng vào hệ thống đào tạo cử nhân trong thời gian qua. Tuy nhiên, giới hàn lâm lại cho rằng ngành kinh tế đã đặt kỳ vọng quá nhiều vào các tân cử nhân khi họ tốt nghiệp.
Cuộc khảo sát được tiến hành bởi Viện Công nghiệp và Thương mại Đức (DIHK), kết quả chỉ có 63% doanh nghiệp phản hồi rằng họ hài lòng với chất lượng của những ứng cử viên nộp đơn xin việc có bằng đại học (ĐH). Con số này ở năm 2007 là 67%. Thêm vào đó, 15% công ty trong cuộc khảo sát than phiền những nhân viên tiềm năng có thể được tuyển lại thiếu kinh nghiệm thực tế – tỉ lệ cao gấp 2 lần năm 2007.
Ông Kevin Heidanreich, một chuyên gia giáo dục ở DIHK và cũng là người tiến hành cuộc khảo sát này, nhận xét: “Luôn có những lời chỉ trích tới những sinh viên do thiếu kinh nghiệm thực tế trong suốt quá trình học. Điều này không chỉ đề cập đến ngành kinh tế hay kỹ thuật mà cả các ngành xã hội. Trường ĐH thường không có nhiều hỗ trợ giúp sinh viên định hướng cho tương lai”.
Những nhà nghiên cứu cho rằng đây thật sự là vấn đề của bậc ĐH, họ rất miễn cưỡng trong việc thay đổi các chương trình truyền thống đào tạo cử nhân và thạc sĩ. “Các trường CĐ kỹ thuật đã có một số phát triển và các trường dạy nghề thì luôn có mối liên hệ chặt chẽ với các công ty. Tuy nhiên, chương trình đào tạo sau ĐH của một số trường đã cắt giảm các học kỳ dành cho thực hành thực tế” – ông Heidanreich cho biết thêm.
Những hiện trạng trên hoàn toàn trái ngược với các phương pháp được các doanh nghiệp tư nhân mong đợi. Họ hy vọng các chương trình ĐH sẽ có thêm các khóa thực hành bao gồm các đợt thực tập bắt buộc, hoàn thành dự án và tham gia các buổi diễn thuyết của những nhà lãnh đạo doanh nghiệp có kinh nghiệm. Mặc dù hiện chưa có con số thống kê chính thức nhưng Hội nghị các hiệu trưởng của Đức (HRK) – Hội đồng đại diện cho các trường đào tạo ĐH bậc cao ước lượng rằng chỉ một trong số mười chương trình ĐH đạt yêu cầu về học kỳ huấn luyện kinh nghiệm thực tế.
Ông Patrick Honecker, phát ngôn viên của Trường ĐH Cologne cho rằng các trường ĐH lại có một cách nhìn nhận khác và họ có danh tiếng về kinh nghiệm giảng dạy của mình để bào chữa. “Đối với chương trình đào tạo cử nhân, người sử dụng lao động hy vọng các chương trình này sẽ mang tính định hướng cao hơn vào nghề nghiệp tương lai của sinh viên. Tuy nhiên các trường lại muốn đảm bảo nội dung học thuật phải được hoàn chỉnh khi soạn thảo một chương trình mới, và rằng sinh viên vẫn phải có khả năng phát triển tri thức. Tóm lại, đây không phải là việc có được công việc hay không mà vấn đề là chuyển tải những giá trị. Tôi cho rằng công ty và các đơn vị đào tạo cần phải tìm được tiếng nói chung”.
Bằng cử nhân mới được giới thiệu vào năm 1999 là một phần của “Quy trình Bologna” được chấp nhận bởi 29 bộ trưởng bộ giáo dục các nước châu Âu với mục tiêu thống nhất hệ thống giáo dục bậc cao. Đây một phần cũng do áp lực từ nền công nghiệp Đức mong muốn thời gian học tập của sinh viên được rút ngắn. Những yêu cầu này đã được đáp ứng khi trung bình sinh viên chỉ cần trải qua 6 đến 7 học kỳ để tốt nghiệp.
Ông Honecker cũng thừa nhận rằng đây là một cách hữu hiệu mặc dù còn một số khó khăn. “Chúng tôi tin rằng quá trình chuyển đổi sẽ thành công. Một trong số những mục tiêu của sự cải cách này là tạo điều kiện thuận lợi và dễ dàng hơn khi bạn chuyển việc học của mình từ nước này sang nước khác. Chúng tôi nghĩ rằng hiện nay các điều kiện vẫn còn khá khó khăn và nhiều sinh viên bị hạn chế cơ hội học tập ở nước ngoài”.
Ngoài ra, ông Heindenreich còn cẩn thận chỉ ra rằng không có bất kỳ một công ty nào ở Đức mong muốn sử dụng lại hệ thống bằng cấp trước đây. “Thời gian học thật sự là quá dài, thông thường từ 10, 11, 12 học kỳ thậm chí là lâu hơn thế. Hệ thống bằng cử nhân, thạc sĩ đơn giản là phù hợp với công việc hiện đại ngày nay. Đâu chỉ là một số vấn đề khi xin việc mà thôi. Mục tiêu của dự án Bologna là tăng tỉ lệ người có việc làm” – ông kết luận.
(theo dw-world.de)
Ngọc Trúc

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)