Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Đục đẽo… hang động Tràng An

Tạp Chí Giáo Dục

UBND tỉnh Ninh Bình và Bộ Văn hóa – thể thao & du lịch đang lập hồ sơ trình UNESCO công nhận khu vực cố đô Hoa Lư – hang động sinh thái Tràng An là di sản thế giới. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học, quản lý lại cảnh báo sự can thiệp thô bạo của Khu du lịch sinh thái Tràng An đã xâm hại các giá trị địa chất – địa mạo, lịch sử cực kỳ quý giá tại đây.

Kỳ thú “vịnh Hạ Long” trên cạn

Những đỉnh núi thấp nhấp nhô ở Tràng An tạo cảnh quan đẹp  – Ảnh: Thu Trang

Kết quả nghiên cứu của TS Trần Nghi – nguyên phó giám đốc Trường ĐH Khoa học tư nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) – và đồng nghiệp cho thấy quần thể hang động Tràng An rộng 1.566ha. Khối đá vôi ở đây bị phân cắt mạnh tạo thành các dãy ngắn hoặc núi sót, cao trung bình 150 – 200m, có đỉnh dạng tháp, chuông, vòm có hình dáng đẹp mắt. Vào thời kỳ biển tiến Flandrian cực đại cách đây 6.000 năm, Ninh Bình có cảnh quan vũng vịnh với các đảo đá nổi trên mặt biển.

“Khu Tràng An là một “vịnh Hạ Long trên cạn” vì tương đồng cả về giá trị địa chất – địa mạo lẫn cảnh quan” – TS Trần Nghi nhấn mạnh và phấn khởi vì phát hiện trên nhiều vách hang hằn rõ ngấn nước biển, chứng tỏ chúng có tuổi tương đương hang động Phong Nha – khoảng 32 triệu năm.

Đẩy nhanh mái chèo trên mặt nước xanh rời bến thuyền của Khu du lịch sinh thái (KDLST) Tràng An, cô lái thuyền cho biết đang “lướt” trên mặt ruộng của thôn Tràng An (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư) trước đây. Từ khi chủ đầu tư KDLST Tràng An tháo nước sông Sào Khê vào ngập khu vực này 3 – 4m phục vụ khai thác du lịch, nhiều người dân hết đất canh tác, chuyển sang chèo thuyền tham quan và làm nghề phụ.

Phong cảnh thiên nhiên ở đây đẹp tuyệt vời. Vừa ở chỗ mặt nước thoáng đãng, chỉ chục nhịp chèo thuyền đã lách vào một nhánh sông hẹp bốn bề bao bọc bởi những dãy núi thấp có nhiều đỉnh cao vút, vách dốc thẳng đứng như tháp đá. Cứ ngỡ không còn lối ra, bất ngờ một ngả rẽ nhỏ hiện ra dẫn tiếp vào những không gian liên tục biến đổi. Lúc thuyền lọt thỏm giữa hai vách đá sừng sững vây sát, lúc lại vòng ra một vùng sông nước thoáng đãng…

Tuy nhiên, điều thú vị xen lẫn cảm giác mạo hiểm nhất vẫn là ngồi thuyền chầm chậm đi qua 11 hang xuyên qua lòng núi dài 60 – 315m. Ra khỏi cửa hang bên kia, du khách ngỡ ngàng nhận ra thuyền lọt thỏm giữa một thung (khu đất trũng sình lầy nay trở thành hồ nước phục vụ du lịch) hoang sơ rộng mênh mông, bao quanh là các dãy núi đá sừng sững vây bọc san sát.

Cứ thế, thuyền đi qua các hang Sáng, Seo lớn, Sơn dương, Khống… nối với các thung trùng tên tạo thành một hệ thống tuyến du lịch liên hoàn rất độc đáo.

Phá hang, khơi sông, đục núi

Trần hang hơn 30 triệu năm tuổi được “cải tạo” đoạn lởm chởm, đoạn nhẵn nhụi và cao quá mức cần thiết – Ảnh: Thu Trang
Một cửa hang bị đục đẽo thô bạo trông rất phản cảm  – Ảnh: Thu Trang

Đáng tiếc, khách tham quan dễ dàng nhận thấy một số hang bị đục đẽo thô bạo ở nhiều mức độ. Nhiều đoạn trần hang vốn xù xì được cải tạo thành từng mảng mái bằng hoặc vạt chéo nhẵn nhụi. Đặc biệt, không hiểu sao lòng hang Quy hậu, Trần được “nạo vét” cao rộng giống “vòm ga tàu điện ngầm” (cách nói của TS Trần Nghi)!? Riêng vòm và vách hang Nấu Rượu bị phá nhiều nhất nhằm tạo thành “đường” hai chiều cho thuyền du lịch lưu thông…

Đổ vạ cho “các cụ” (!?)

Dự án KDLST Tràng An rộng 2.168ha (bao trùm phần lớn khu hang động) do doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường làm chủ đầu tư được UBND tỉnh phê duyệt tháng 4-2008. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Trường – giám đốc doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường – khăng khăng: “Chúng tôi không hề “cải tạo” 11 hang đó, chỉ nạo hút bùn từ năm 2000 thôi. 37 hang xuyên thủy còn lại cũng đang nạo hút bùn thủ công, đến năm 2010 – 2015 mới xong. Hiện trạng trong hang Quy hậu, Nấu Rượu, Trần là do các cụ thời Đinh – Lê “làm”! Hồi đó các cụ lấy núi làm thành, lấy sông làm đường, lấy hang làm cung mà” (!)

Trong khi đó, một phó giám đốc Sở VH-TT&DL Ninh Bình cũng thừa nhận việc “cải tạo” ba hang trên nhằm mục đích phục vụ giao thông trong KDL Tràng An!

Trước khi quay lại khảo sát Tràng An vào cuối năm 2008, TS Trần Nghi và nhiều đồng nghiệp còn phấn khởi vì “hệ thống hang động chưa bị con người tác động”. Nhưng sau khi chứng kiến thực tế tại 11 hang động đang khai thác du lịch, vị chuyên gia địa chất hàng đầu VN này kiến nghị: “UBND tỉnh Ninh Bình cần chỉ đạo ngừng việc can thiệp vào cảnh quan! Quá trình đầu tư du lịch tại đây không nên triển khai quy mô lớn kẻo làm méo mó thiên nhiên. Đợi sau khi UNESCO công nhận sẽ quy hoạch khu vực nào được cải tạo, khu vực nào phải bảo vệ nghiêm ngặt”!

Giới khoa học nhân văn lại có mối lo khác. Nhà sử học Lê Văn Lan khẳng định khu vực này chính là thành Nam bảo vệ mặt sau kinh đô Hoa Lư (năm 968 – 1010). Ông bày tỏ sự “cực kỳ lo ngại” về các tầng di tích bị xáo trộn, ngập sâu dưới nước trong quá trình nhà đầu tư KDLST Tràng An thi công rất khó tiến hành khảo cổ. “Họ cần phải bảo vệ ngay một số khu vực có thể khảo cổ chưa bị tác động để các nhà khoa học nghiên cứu” – ông Lan đề nghị.

Được biết, Cục Di sản văn hóa – Bộ Văn hóa-thể thao &du lịch (VHTTDL) từng cảnh báo Sở VHTTDL Ninh Bình về nhiều hoạt động tác động mạnh đến sự toàn vẹn và nguyên gốc của khu vực Tràng An như phá hang, khơi sông, làm đường dẫn tới san ủi, đục núi.

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trần Chiến Thắng cho biết cần kiểm tra mức độ tác động đến cảnh quan trong quá trình thi công KDLST Tràng An song lại cho rằng: “Không nhất thiết phải do Bộ thực hiện”. Một lãnh đạo Sở VH-TT&DL Ninh Bình lại cho biết chưa có kế hoạch triển khai công việc này!

Trong khi chờ đợi T.Ư hay địa phương kiểm tra, giới khoa học hết sức quan tâm đến số phận 37 hang xuyên thủy còn lại.

THÀNH MINH (TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)