Học sinh Đức đang học trên máy vi tính |
Trong năm học vừa qua ở Đức, nhiều học sinh hoang mang cực độ khi phải chọn môn học. Vì chương trình đào tạo do các trường đại học đưa ra có quá nhiều môn học như “Khoa học của sự sống”, “Khoa học vi tính áp dụng”… Nhiều tên môn học mà đọc lên không ai mường tượng được “mặt ngang mũi dọc” nó ra sao!
Tình hình càng rắc rối hơn khi có nhiều loại bằng: cử nhân (tú tài+3 hay+4) hay thạc sĩ (tú tài+5), mở đầu cho những ngành chuyên môn sâu hơn. Những điều cải cách này nằm trong khuôn khổ quá trình Boulogne, nhằm phát triển không gian châu Âu cho giáo dục liên kết cao cấp. Và có lẽ “vì các trường đại học càng ngày càng bị sức ép phải tạo ra những ngành chuyên môn mới” nên sinh viên mới càng lúng túng như “gà mắc tóc”, theo giải thích của bà Margret Wintermantel, Chủ tịch Đại hội các hiệu trưởng trường đại học .
Đứng trước hàng ngàn lựa chọn, các sinh viên tương lai cần được cung cấp thông tin về thực chất của ngành học, khoa học do trường đại học đề ra, và phải tìm đúng địa chỉ tham vấn. Phương án tốt nhất là hỏi ngay các bạn đang theo học ở trường. Sau nữa, theo ông Ulrich Thone, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục, sinh viên nên tham khảo các ngành, khoa tương đương ở các trường khác nhau. Ngoài ra nhiều sinh viên phàn nàn rằng thời khóa biểu quá nặng. Những người muốn đi ra ngoại quốc một học kỳ cần phải tính toán thật kỹ xem sự vắng mặt có phù hợp với khóa trình học không.
Một khó khăn nữa: tiêu chuẩn nhập học rất khác nhau từ trường này sang trường khác. Một số tăng dần các trường không những kiểm tra điểm số của học sinh, mà còn bắt họ phải qua một cuộc kiểm tra về năng khiếu nữa.
Cái mớ “bòng bong” mà người ta thấy trong kỳ khai giảng năm vừa qua có thể lặp lại trong năm nay. Ông Bernd Rebischke ở Văn phòng Liên bang về tuyển dụng nói: “Những cuộc kiểm tra về năng khiếu được tiến hành dưới những dạng khác nhau. Không phải chỉ được tiến hành khi bắt đầu vào trường đại học, mà còn được thực hiện khi thay đổi từ bậc này qua bậc khác ngay trong nội bộ một trường”. Để làm cho sự việc phức tạp hơn, thời gian biểu nộp đơn xin học cũng không được phối hợp nhau cho hợp lý. Phải đến từng trường tìm hiểu xem thời hạn nộp đơn ra sao, để tránh tình trạng nộp đơn quá trễ, trường không nhận.
Muốn thay đổi trường đại học, phải chuẩn bị mọi mặt rất sớm từ trước. Cùng học một chương trình, một chuyên đề, nhưng hai trường khác nhau có hai cách dạy, hai quan điểm, hai cách đánh giá khác nhau về một vấn đề, tùy theo quan điểm của người dạy, nhất là ở bộ môn khoa học xã hội (văn học, triết học, mỹ học, khoa học nhân văn…) vì ở bậc đại học, giáo sư chỉ đóng vai trò người nêu vấn đề, giới thiệu tài liệu, còn sinh viên phải tự mình tìm hiểu vấn đề.
Những thanh niên có ý định “nhảy cóc” từ trường này qua trường khác, coi chừng vấp phải tình trạng chương trình, nội dung học của trường này không được trường kia chấp nhận và ngược lại.
Nói tóm lại, thanh niên, sinh viên ngày nay phải tự biết mình chính xác, từ sở trường, sở đoản, năng khiếu, khả năng, điều kiện học… để có một sự lựa chọn tương đối chính xác con đường học vấn lâu dài của mình. Phải biết người, biết ta, tỉnh táo, năng nổ, không thể ỷ lại vào ai. Và mỗi sinh viên cần phải có ý chí tự vươn lên trong những biến chuyển nhanh chóng của cuộc sống.
(Theo Courrier international)
Phan Thanh Quang
Bình luận (0)