Nếu Đức chưa yên tâm về cặp trung vệ và đang phân vân giữa việc chọn sơ đồ 4-5-1 hay 4-4-2 cho trận bán kết thứ nhất, thì đối thủ của họ lại loay hoay đi tìm phương án thay thế hàng loạt trụ cột dính chấn thương và thẻ phạt.
Chỉ được xem là giải pháp tình thế cho trận tứ kết với Bồ Đào Nha, đối thủ khi ấy được đánh giá nhỉnh hơn nhờ hàng tiền vệ cực mạnh, nhưng sơ đồ chiến thuật 4-5-1 đã đem lại thành công rực rỡ cho tuyển Đức. Trong đội hình này, Ballack được giải phóng khỏi nhiệm vụ hỗ trợ phòng ngự, chơi tự do hơn và nhờ đó, thoải mái thể hiện tài năng của anh trong khâu kiến tạo lối chơi, đồng thời trở thành mối hiểm họa thường trực cho cầu môn đối phương. Tuy nhiên, dưới triều đại của Loew, 4-4-2 mới là sự lựa chọn số một, là ưu tiên hàng đầu. Thực tế ấy đặt nhà cầm quân vừa hết án treo quyền chỉ đạo vào thế khó xử trước hai sự lựa chọn, một bên là bản sắc, một bên là hiệu quả vừa đạt được.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng đến 4 sơ đồ khác nhau cho 4 trận đấu đã qua tại Euro 2008. Sở dĩ họ có nhiều lựa chọn như vậy cho từng đối thủ là vì trong tay HLV Terim khi đó vẫn có đủ số quân bài chủ chốt và chơi đa năng như Tuncay, Turan, Gungor…và nhất là Nihat – thủ quân và được xem như linh hồn trong các pha tấn công của đội bóng. Tuy nhiên, ở trận bán kết với Đức ngày mai, Terim sẽ không còn nhiều lựa chọn để phóng tay như vậy. Án treo giò và chấn thương đã lấy đi của Thổ Nhĩ Kỳ tất cả số trụ cột kể trên. Với 14 cầu thủ còn lại, kể cả thủ môn số ba Tolga Zengin, nhiều khả năng HLV này sẽ trở lại với sơ đồ 4-4-2 được xem là có tính an toàn cao hơn cả.
Về điểm mạnh của mỗi đội, yếu tố dễ nhận thấy ở người Đức là sức mạnh ý chí. Bị ngờ vực sau những màn trình diễn thiếu ấn tượng ở vòng bảng và vì thế, bước vào trận tứ kết trong tư thế cửa dưới, nhưng Ballack cùng đồng đội cho thấy bản lĩnh Đức vẫn chưa hề mai một khi thắng thuyết phục Bồ Đào Nha, để lọt vào bán kết. Càng chơi, tuyển Đức càng thể hiện sự tự tin của một ông lớn đang nhắm đến ngôi cao nhất ở bất kỳ giải đấu nào mà họ góp mặt. Trước Thổ Nhĩ Kỳ què quặt ngày mai, chằng có lý gì họ không tự tin hướng về một chiến thắng, để sau đó, nhận phần thưởng là một suất dự chung kết.
Nếu xem Đức là số một về bản lĩnh, ý chí, thì cũng có thể xem Thổ Nhĩ Kỳ không có đối thủ về sức mạnh tinh thần. Không phải ngẫu nhiên mà cả ba trận gần nhất, đội quân của HLV Terim đều giành phần thắng bằng những cuộc ngược dòng khó tin sau khi bị đối phương dẫn bàn. Trước Thụy Sỹ, họ ghi bàn ấn định tỷ số 2-1 ở phút 90; trước CH Czech, họ ghi liền ba bàn trong 15 phút cuối trận để thắng 3-2. Còn ở tứ kết, thày trò Terim gỡ hòa 1-1 ở những giây cuối cùng hiệp phụ thứ hai dù vừa bị thủng lưới trước đó 3 phút, để rồi loại Croatia bằng loạt sút luân lưu. Với Thổ Nhĩ Kỳ, trận đấu chỉ được coi là kết thúc sau tiếng còi cuối cùng của trọng tài và không phải đội mạnh hơn dẫn trước bao giờ cũng thắng.
Tuy nhiên, việc người Thổ đủ khả năng làm nên 3 cuộc ngược dòng khó tin liên tiếp xuất phát từ việc họ vẫn còn trong tay những quân bài đủ mạnh để thực hiện các ý đồ chiến thuật của HLV Terim. Nhưng tại bán kết, may mắn ấy có thể sẽ không lặp lại bởi họ đã bị suy yếu đáng kể khi quá nhiều trụ cột phải vắng mặt. Trong khi đó, điểm yếu lớn nhất bên phía Đức lại nằm ở chính điểm mạnh của họ. Tự tin là tốt, đặc biệt là khi dự các giải đấu tầm cỡ như Euro, nhưng nếu tự tin thái quá thì sẽ dễ dẫn đến tự mãn. Thất bại của những Hà Lan, Bồ Đào Nha và Croatia – những đội được đánh giá mạnh hơn hẳn đối thủ ở tứ kết – sẽ là bài học mà HLV Loew cần lưu ý các học trò khi đối đầu với người Thổ ngày mai.
Đi sâu vào từng tuyến trong đội hình hai đội, dễ nhận thấy hàng thủ với cặp Martesacker – Metzelder chính là những mắt xích yếu nhất của “cỗ xe tăng” Đức. Từng chơi cho ĐTQG hơn 80 trận, nhưng 2 trung vệ này vẫn chưa tạo cảm giác tự tin cho các đồng đội và người hâm mộ. Trận tứ kết với Bồ Đào Nha là minh chứng mới cụ thể nhất cho sự lỏng lẻo của hai chốt chặn phía trước khung thành Lehmann. Đó là trận đấu mà cả Martesacker và Metzelder đều mắc những sai sót khó tha thứ trong khâu chọn vị trí, kèm người, khiến Đức thủng lưới 2 bàn và trải qua những giây phút cuối căng thẳng.
Trong khi đó, người Thổ đang hồi hộp chờ câu trả lời từ UEFA sau đơn kháng án về trường hợp của thủ thành Demirel. Tuy nhiên, ngay cả khi anh này được phép thi đấu, hàng thủ của họ vẫn rơi vào cảnh chắp vá và thủng lỗ chỗ trong trận bán kết khi các hậu vệ chủ chốt như Gungor, Asik vắng mặt vì chấn thương và thẻ phạt. Trung vệ đáng tin cậy nhất của Thổ Nhĩ Kỳ là Cetin cũng chưa chắc có kịp bình phục chấn thương nhẹ ở đầu gối để ra sân ngày mai.
Tuyến giữa có thể xem là điểm mạnh nhất của tuyển Đức hiện nay. Ngoài một Ballack bản lĩnh, dày dạn kinh nghiệm trận mạc và khẳng định được vai trò “ngòi nổ” ở trung lộ, hai biên của họ còn rất mạnh nhờ sự cơ động của đôi cánh Podolski (trái) – Schweinsteiger (phải). Tính đến giờ, trừ một bàn ghi tên Klose, cả 6 bàn còn lại của “cỗ xe tăng” đều đến từ những pha nã đạn của các tiền vệ. Ngược lại, do Emre chấn thương, Turan và Tuncay bị treo giò, sức mạnh từ hàng tiền vệ của Thổ Nhĩ Kỳ rõ ràng bị sứt mẻ nghiêm trọng. Dẫu họ có bù đắp bằng cách đẩy hậu vệ phải Altintop lên lấp chỗ trống và dùng số đông để bù khuyết, Thổ Nhĩ Kỳ cũng rất khó giải tỏa sức ép đè nặng lên hàng thủ.
Trên hàng công, việc Klose ghi bàn sau khi tịt ngòi ở 3 trận vòng bảng là tin vui với người Đức. Trước hàng thủ mong manh của người Thổ, một Klose đang hưng phấn trở lại cộng thêm sự hỗ trợ đắc lực từ Podolski, Schweinsteiger từ 2 biên cùng Ballack ở trung lộ, xe tăng Đức hứa hẹn sẽ có một ngày thi đấu tưng bừng và làm đảo điên cầu môn của Rustu Recber. Ngược lại, chấn thương nặng của chân sút chủ lực Nihat là một hung tin với Thổ Nhĩ Kỳ. Vắng tiền đạo chủ lực 28 tuổi này, hàng công “đội bóng trăng lưỡi liềm” sẽ suy yếu đáng kể. Semih Senturk, chủ nhân của bàn gỡ hòa đẹp mắt cuối trận tứ kết với Bồ Đào Nha, nhiều khả năng sẽ xuất phát ở vị trí tiền đạo mũi nhọn, nhưng liệu anh đủ sức lấp đầy chỗ trống mà Nihat để lại hay không thì vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp.
Phương Minh (vnexpress.net)
Bình luận (0)