Đức đang trong tình trạng “đặc biệt” khó khăn vì thiếu khí đốt Nga – Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck thừa nhận.
Đức từ bỏ khí đốt Nga từ năm 2022.
Nền kinh tế Đức đã mất lợi thế cạnh tranh sau khi từ bỏ nguồn cung cấp khí đốt của Nga – Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck tuyên bố hôm 17.1.
Theo RT, nền kinh tế hàng đầu EU được hưởng lợi từ năng lượng giá rẻ của Nga trong hơn hai thập kỷ. Đức phụ thuộc vào Nga 40% lượng khí đốt nhập khẩu trước năm 2022 và là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do nguồn cung giảm.
“Đức thực sự đang rơi vào tình thế đặc biệt khó khăn. Không giống như các quốc gia khác mà chúng ta cạnh tranh, nguồn cung cấp năng lượng của Đức chủ yếu được xây dựng dựa trên sự phụ thuộc vào khí đốt Nga. Điều này đã mang lại cho chúng ta lợi thế cạnh tranh trong quá khứ; mang lại rất nhiều lợi nhuận” – Phó Thủ tướng phát biểu tại cuộc họp Quốc hội Đức (Bundestag).
Năm 2022, Berlin bắt đầu cắt giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga bằng cách nhập khẩu LNG thông qua các nước láng giềng châu Âu và nhập khẩu khí đốt từ Na Uy và Hà Lan. Tuy nhiên, các ước tính cho thấy nước này vẫn còn lâu mới có thể thay thế hoàn toàn nguồn cung khí đốt qua đường ống của Nga bằng LNG.
Phó Thủ tướng Habeck nói thêm: “Sau khi khí đốt Nga không còn nữa, chúng ta mất đi lợi thế cạnh tranh vì giá năng lượng ở Đức ngày càng cao”.
Cuộc khủng hoảng năng lượng kéo dài do thiếu hụt nguồn cung cấp khí đốt đã ảnh hưởng đáng kể đến ngành sản xuất của Đức. Giá nguyên liệu thô và năng lượng tăng vọt gây thiệt hại cho hầu hết các ngành công nghiệp của đất nước.
Ngoài ra, theo Phó Thủ tướng Habeck, “sự bùng nổ cực độ trong xuất khẩu” mà nền kinh tế Đức được hưởng lợi rất nhiều trong thời gian gần đây đã kết thúc.
PV (theo laodong)
Bình luận (0)