Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Đức Tuấn – cuộc tấn công nhạc kịch

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Vào trang web của nhạc trưởng nổi tiếng người Anh Paul Bateman, lịch biểu diễn tháng Tám ghi – Concert in Vietnam. Người mời Bateman là ca sĩ Đức Tuấn. Anh lần thứ hai sang Canada tầm sư học đạo, vì những dự án liên quan nhạc kịch.

Ca sĩ Đức Tuấn (bên phải). Ảnh: Mỹ Dung

Chuyến đi này quan trọng thế nào so với cuộc du học hai năm trước?Và đối với album nhạc kịch Music of Night của anh?

Chuyến đi nào cũng quan trọng như nhau. Đợt trước, lần đầu tiên tôi được một chuyên gia thanh nhạc đặc biệt (chuyên về nhạc kịch) hướng dẫn các kỹ thuật cơ bản từ hát đến hình thể khi trình bày tác phẩm nhạc kịch hiện đại.

Kinh nghiệm quí giá ấy tôi đã áp dụng trong các đêm diễn. Lần này, tôi luyện kỹ từng bài trong album, với một chuyên gia khác. Ông hướng dẫn rất tận tình, theo tôi trong từng buổi ghi âm, chỉ dẫn từ kỹ thuật hát đến cách phát âm chuẩn tiếng Anh, tiếng Pháp.

Hát ca khúc trong những vở nhạc kịch nổi tiếng là hướng đi lâu dài nên Tuấn buộc phải đầu tư ngoại ngữ thật chuẩn?

Chuẩn ở đây nên hiểu theo nghĩa đáp ứng được những chuẩn mực cần thiết, chứ không cố gò mình phát âm sao cho giống trăm phần trăm ca sĩ gốc Anh – Mỹ.

Các nghệ sĩ nhạc kịch nổi tiếng thế giới xuất thân từ nhiều nước, nhiều người giữ nguyên âm sắc Ý hay Tây Ban Nha khi hát tiếng Anh, và vẫn hấp dẫn.

Tôi sẽ không đánh mất bản sắc trong giọng hát chỉ để đổi lấy lời khen “hát chuẩn tiếng Anh”. Tôi được học tiếng Anh khá bài bản (vốn là dân chuyên ngữ) nên tự biết thế nào là chuẩn.

Thầy của anh là ai? Vì sao chọn Canada mà không phải là Anh, Pháp, Ý, Mỹ – những cường quốc  nhạc kịch?

Ông tên là Marcin Brzezinski, giáo sư thanh nhạc tên tuổi ở Québec, và cả Canada. Ông là người phát minh ra Công thức DVI rất nổi tiếng trong giới đào tạo thanh nhạc hiện đại, kết hợp kỹ thuật thanh nhạc mới mẻ với các kỹ năng ca hát truyền thống.

Ông còn nổi tiếng giúp giải quyết rất nhanh các trục trặc mà người hát thường gặp phải với thanh quản của mình. Nhiều nghệ sĩ hát nhạc kịch ở Broadway cũng học ông.

Vì thế tôi chọn ông là điều bình thường – Canada cũng là một cường quốc nhạc kịch hiện đại đấy chứ. Rất nhiều vở diễn lớn được công diễn ở Canada trước khi đến Broadway (Mỹ) hay West End (Anh), hai trung tâm musical của thế giới.

Nghe nói 20 ngàn USD  được chi cho album nhạc kịch Music of Night?

Nếu sự tốn kém ấy là cần thiết cho một sản phẩm đáp ứng các chuẩn mực quốc tế, có thể phát hành rộng ra ngoài biên giới Việt Nam thì tôi chấp nhận.

Tháng 8/2009 liveshow nhạc kịch của Đức Tuấn ấn định. Có phải anh xác định nhạc kịch đang ít cạnh tranh và không quá nhàm chán, bởi đó là những ca khúc bất hủ?

Câu hỏi này cũng chính là câu trả lời.

Làm nhạc kịch dứt khoát phải có chuyên gia nước ngoài, đó là lý do Tuấn mời nhạc trưởng nổi tiếng Paul Bateman (từng chỉ huy các liveshow của các ngôi sao Sarah Brightman, Jose Carreras, Lesley Garrett…)?

Liveshow này với tôi rất quan trọng, khẳng định con đường tôi đi là đúng. Tôi muốn làm tốt nhất trong phạm vi có thể, chứ không chấp nhận suy nghĩ “ở Việt Nam chỉ cần thế thôi”.

Rất may ông Paul Bateman hào hứng nhận lời. Ông ấy không chỉ là một chỉ huy danh tiếng mà còn hoà âm, phối khí rất nhiều album xuất sắc của dòng nhạc cổ điển giao thoa, dòng nhạc tôi đang theo đuổi.

Định dùng Dàn nhạc Giao hưởng của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TPHCM khoảng 60 nhạc công. Chi phí chương trình là bao nhiêu?

Tôi đang tiếp xúc với một số nhà tài trợ. Cũng có người hứa hỗ trợ. Nhưng có tài trợ hay không thì chương trình vẫn diễn ra đúng quy mô đã định.

Lâm Văn (Theo TPO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)