Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Đừng ảo tưởng đến “thần dược” cho mùa thi

Tạp Chí Giáo Dục

LTS: Với cách học “nước đến chân mới nhảy”, nhiều sĩ tử cứ đợi đến cận kề kỳ thi mới bắt đầu học. Các em dành từng giây từng phút để học, học quên ăn, quên ngủ. Việc ăn ngủ thất thường đã khiến cơ thể mệt mỏi nên nhiều sĩ tử đã tìm đến “thần dược” với hy vọng sẽ tăng cường trí nhớ, tạo sự thông minh. Liệu có “thần dược” không?

Uống nhiều loại thuốc bổ chưa chắc là có lợi cho các sĩ tử (ảnh chỉ mang tính chất minh họa).  Ảnh: I.T

Trước đây, Cevotonic được cho là thuốc bổ óc nhưng thực chất là sự kết hợp giữa acid glutamic và vitamin B1. Gần đây là Glutaminol, Glutaminol-B6, Pho-L… được “gán ghép” cho tác dụng bổ óc. Song, không ít nhà sản xuất đã công bố: “Thuốc chỉ có công dụng dùng trong chứng suy nhược chức năng nhưng không có tác động đặc hiệu nào được chứng minh một cách cụ thể”. Điều đó có nghĩa là chưa có một thí nghiệm khoa học nào chứng minh có loại thuốc tạo ra được trí thông minh, tạo được trí nhớ vượt bậc đối với người bình thường.
Một số loại thuốc như citicholin, piracetam, glyceryl phosphorylcholin, ginkgo biloba tacrin, galantamin được gọi là thuốc tăng cường hoạt động trí não nhưng thực ra chỉ để điều trị chứng sa sút trí tuệ ở người cao tuổi hoặc ở những người bị chấn thương sọ não, chứ hoàn toàn không có tác dụng tăng cường trí nhớ cho những học sinh đang ôn thi.
Đối với các sĩ tử, tốt nhất là không nên dùng bất cứ loại thuốc nào. Ngoại trừ do sợ thiếu hụt trong chế độ dinh dưỡng, có thể dùng thuốc bổ cung cấp vitamin và chất khoáng, chẳng hạn có thể dùng loại đa sinh tố (multivitamin) ngày 1 viên.
Trí nhớ là quá trình phức tạp gồm 3 giai đoạn: nhận biết, lưu trữ và tái hiện trong hoạt động trí não. Quá trình này tùy thuộc nhiều yếu tố, như sự toàn vẹn về cấu trúc và số lượng tế bào thần kinh; chất dẫn truyền thần kinh (chất sinh học acetylcholin); các acid amin giúp cho hoạt động thần kinh (như aspastat, glutamate, glycin). Theo đó, để có trí nhớ tốt cần lưu ý đến chế độ ăn uống hàng ngày. Mỗi bữa ăn phải đảm bảo đủ các chất: đạm, béo, đường – bột, vitamin và chất khoáng. Những chất này có trong sữa (trong thời gian ôn thi mỗi ngày nên uống một ly sữa), trứng, thịt, cá, rau quả. Đặc biệt, nên dùng thêm các loại dầu thực vật như dầu mè, dầu đậu nành. Đến giờ ăn, các em nên toàn tâm toàn ý vào việc ăn uống, nếu ăn trong tình trạng đầu óc vẫn còn “căng” vì việc ôn thi thì không thể nào tiêu hóa tốt cũng như hấp thu tốt các chất dinh dưỡng.
Các sĩ tử cần lưu ý, nếu ngày mai thi thì tối nay không nên học bài mà phải dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn và ngủ. Có như vậy, ngày mai mới tỉnh táo để làm bài thi được tốt…
Để có trí nhớ tốt và cả sức khỏe tốt trong mùa thi, các em cũng phải lưu ý đến phương pháp học, ôn tập như thế nào để còn có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn. Hoàn toàn không nên học theo kiểu “nước đến chân mới nhảy”. Nghĩa là không chịu học và ôn tập ngay từ đầu mà đợi đến cận kề ngày thi mới học dồn, học nén, học đêm, học ngày. Học như thế rất có hại cho sức khỏe, rất dễ bị stress. Sự căng thẳng do sợ học không kịp sẽ gây giảm trí nhớ, thậm chí đầu óc có thể bị “trống rỗng”, tức là không còn nhớ gì cả…
Thức khuya để ôn thi là việc bất đắc dĩ, tốt nhất là không nên thức khuya. Nếu phải thức khuya thì chỉ nên thức trong thời gian ngắn và phải ngủ bù vào ngày hôm sau. Thường xuyên thức khuya sẽ rất nguy hại đến sức khỏe, bởi vì giấc ngủ chính là sự nghỉ ngơi tích cực, triệt để nhất. Cần ngủ đủ để phục hồi sức khỏe, phục hồi trí não. Cơ thể chúng ta được thiên nhiên đặt để cho thời gian ngủ và thời gian thức, nó phải điều hòa…Khi cơ thể cảm thấy buồn ngủ thì cần phải ngủ chứ không nên chống lại bằng cách lạm dụng cà phê và trà đậm. Trong cà phê và trà đậm có chứa chất kích thích cafein giúp có cảm giác tỉnh táo nên khi lạm dụng đó chỉ là sự đánh lừa. Các em có thể có cảm giác tỉnh táo để học bài nhưng thực chất sự mệt mỏi không hề mất đi, nó sẽ làm cơ thể các em bị kiệt sức.
PGS.TS Nguyễn Hữu Đức
(Trường ĐH Y Dược TP.HCM)

Bình luận (0)