Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Đừng ảo tưởng khi khởi nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Câu chuyện nhiều sinh viên 'mất tích' vì dính bẫy kinh doanh đa cấp, dưới mác là đội nhóm khởi nghiệp vừa qua, cho thấy nhiều người trẻ quá ảo tưởng khi xem khởi nghiệp là thành công được ngay...
Tham gia các lớp học, hội thảo khởi nghiệp, người trẻ cũng cần cân nhắc và đến những địa điểm uy tín để tránh bẫy lừa đảo đa cấp biến tướng /// NỮ VƯƠNG
Tham gia các lớp học, hội thảo khởi nghiệp, người trẻ cũng cần cân nhắc và đến những địa điểm uy tín để tránh bẫy lừa đảo đa cấp biến tướng. NỮ VƯƠNG
Đừng nghĩ học bơi xong là lao ngay xuống biển
Theo anh Cao Trung Hiếu, sáng lập và điều hành Dân Trí Soft, thời gian qua phong trào khởi nghiệp được đẩy mạnh, ngoài việc mang đến những mặt tích cực, cũng có không ít hệ lụy mà nguyên nhân gốc rễ là do nhận thức sai lệch của một bộ phận bạn trẻ vì thiếu kiến thức, thiếu trải nghiệm.
“Câu chuyện sinh viên đồng loạt 'mất tích' khi dính bẫy kinh doanh đa cấp vừa rồi là minh chứng cho việc một số người xấu đã lợi dụng những nhận thức sai lệch, sự cả tin của người trẻ để giăng bẫy lừa đảo với tên gọi rất hợp thời cuộc là nhóm khởi nghiệp”, anh Hiếu phẫn nộ.
Anh Trương Thanh Hùng, Phó chủ tịch Hội đồng cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, cho rằng: “Chỉ với việc tham gia một lớp học mang danh khởi nghiệp mà bạn trẻ nghĩ rằng mình có thể thành công, quả thật quá sức ảo tưởng. Hãy thử tưởng tượng bạn vừa học bơi xong là lao ngay xuống biển, bạn bơi được bao lâu thì chìm? Chưa kể những chú cá mập đang há sẵn mồm để sẵn sàng nuốt chửng ngay khi bạn vừa rơi xuống nước. Học bơi và đến khi bơi thành thạo để sống sót giữa đại dương là cả một hành trình, không thể là ngày một ngày hai”.
Cũng theo anh Hùng, nếu học xong một lớp về khởi nghiệp không chính danh nào đó, bạn thấy năng lượng và ham muốn được đẩy lên tột cùng. Sự thúc đẩy không thể kiểm soát đó làm cho bạn sẵn sàng lừa dối bố mẹ, người thân và bạn bè để lấy đi bao nhiêu của cải tích góp cả đời nhằm quẳng vào một phi vụ đầu tư siêu lợi nhuận mà không cần làm gì cả. Và rồi, chính các bạn và người thân sẽ phải trả giá.
“Hãy ngưng ảo tưởng, thành công không dễ dàng như các bạn nghĩ”, anh Hùng nói và nhấn mạnh: “Khởi nghiệp chân chính chưa bao giờ thành công dễ dàng. Nếu ai đó hứa với bạn câu chuyện khởi nghiệp thành công dễ dàng thì hãy nhớ ngay câu nói nổi tiếng “miếng pho mát miễn phí chỉ có ở trong bẫy chuột”. Các bạn trẻ đừng để chết vì sự bồng bột, thiếu suy nghĩ”.
Khởi nghiệp chưa bao giờ dễ dàng
Là một người trẻ từng khởi nghiệp bên Mỹ, sau đó về Việt Nam tiếp tục con đường khởi nghiệp, Kevin Tùng Nguyễn (sáng lập và điều hành ứng dụng tìm việc làm JobHopin.com, gương mặt trẻ dưới 30 tuổi ảnh hưởng tầm châu Á 2019) cũng khẳng định: “Khởi nghiệp chưa bao giờ dễ dàng và không mang màu hồng”.
Tùng kể, trước đây Tùng là 1 trong 2 sinh viên Việt Nam nhận học bổng toàn phần của Trường ĐH Ohio Wesleyan (Mỹ), toàn bộ học phí đều không phải lo. Nhưng từ năm nhất đại học, Tùng đã đi làm thêm rất nhiều việc, có khi một tuần làm 4 – 5 công việc khác nhau để kiếm tiền. Đến năm thứ 2 đại học, Tùng gặp được người bạn đồng hành và cùng khởi nghiệp làm dự án về ứng dụng phần mềm chụp hình điện thoại. Sau đó, Tùng bán công ty với số tiền khá lớn.
“Mới học năm 2, từ anh chàng bồi bàn, làm đủ mọi việc để kiếm tiền, bỗng dưng lại bán được dự án với rất nhiều tiền. Khi đó, còn trẻ tuổi nên tôi có phần kiêu ngạo, cứ nghĩ làm gì mà tiêu hết được số tiền này. Thế rồi tôi lao vào làm dự án khác, hai công ty tiếp theo đều thất bại. Dự án thứ 2 thất bại là do quá kiêu ngạo, cứ nghĩ rằng mình có đủ số tiền xoay sở, nhưng mới bắt đầu 6 tháng đã hết sạch tiền”, Tùng nhớ lại.
Lúc đó, Tùng nhận ra về công nghệ thì có thể tự học, nhưng để hiểu về tài chính, kinh tế thì phải quay lại trường tiếp tục trau dồi.
“Chính thời gian học tập tại trường đã giúp tôi vững vàng hơn về kỹ năng, lấp đầy những lỗ hổng kiến thức. Nếu bạn đã có cơ hội để được học tại một trường đại học tốt, đừng phí hoài thời gian trên giảng đường. Trường học chính là chiếc nôi tri thức mà bạn nên tận dụng khai thác, đây sẽ là những kiến thức nền, giúp bạn bước vào đời một cách thông minh và vững vàng nhất”, Tùng nhắn gửi.
Học khởi nghiệp ở đâu an toàn ?
Theo anh Trương Thanh Hùng, nếu muốn học về khởi nghiệp và nhận được những nguồn lực hỗ trợ trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cách dễ nhất là bạn trẻ hãy liên hệ sở khoa học – công nghệ tỉnh/thành phố. Đây là đơn vị đầu mối điều phối các hoạt động về khởi nghiệp tại địa phương. Đối với một số tỉnh, thành đã hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp thì sẽ có trung tâm hỗ trợ. Ví dụ ở Hà Nội có Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, ở TP.Đà Nẵng có Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp Đà Nẵng, TP.HCM có Saigon Innovation Hub. Bên cạnh đó, nhiều trường ĐH cũng đã hình thành các đơn vị hỗ trợ sinh viên…
Theo Nữ Vương/TNO

 

Bình luận (0)