Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đừng áp đặt cảm xúc tự do của trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Tôi rất tâm đắc với cách tiếp cận của các cô giáo một trường mầm non ở Q.Thủ Đức (TP.HCM) mà tôi có nhiều dịp đến và tiếp xúc với giáo viên tại trường này. Nhiều câu chuyện mà tôi được nghe, được thấy tận mắt là sự tôn trọng cách suy nghĩ của học sinh. Khi các cô giáo hướng dẫn vẽ xe ô tô thì các em vẽ ra con trâu, hướng dẫn vẽ bầu trời màu xanh thì các em lại vẽ sang màu xám đen…  Cô T., một giáo viên lớp chồi hỏi: “Tại sao con vẽ bầu trời màu xám đen trong khi bầu trời trong xanh và rất nhiều ánh nắng?”, thì em học sinh có bức tranh đó trả lời: “Khi trời sắp mưa thì tối đen mà cô!”. Cô hỏi tiếp: “Cô cho con vẽ chim mà nhìn giống con bướm quá à?”, em học sinh thưa: “Dạ thưa cô, vì chim bay cao nên nhìn không rõ để vẽ ạ!”. Cô V., một giáo viên lớp chồi khác nhận định: “Nếu giáo viên bắt trẻ vẽ những khuôn hình có sẵn hay vẽ theo ý chúng ta thì vô tình đã áp đặt cách nghĩ, cách làm của người lớn lên trẻ, ở một mức độ nào đó đã giết chết tính sáng tạo và trí tưởng tượng của trẻ. Chúng ta nên cho trẻ có cảm xúc tự do và thế giới riêng”.

ThS. Nguyễn Thị Thu Huyền (giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) đã kể một chuyện có thật đến khó tin. Cô kể rằng trong giờ thực hành của một buổi tập huấn cho giáo viên một quận nội thành tại TP.HCM khi chia lớp thành 6 nhóm nhỏ để cùng nhau thảo luận và viết ra để thuyết trình. Cô đã thật sự bất ngờ là mỗi nhóm khi được phát cho một tờ giấy A0 để viết ra những gì cần viết cho chủ đề thảo luận thì đồng loạt cả 6 nhóm có một hành động không khác nhau một tí nào! Đó là cùng gấp tờ A0 thành những dòng kẻ thẳng hàng để trình bày cho đẹp. Cô Huyền đã liên tục cố gắng giải thích rằng: “Các anh chị không cần trình bày đẹp, không cần thẳng hàng…, chỉ viết ra những gì cần thiết để trình bày là được”, nhưng các giáo viên vẫn cứ giữ cách làm của mình.

Theo cô Huyền, với những giáo viên đứng lớp mà còn  máy móc rập khuôn như vậy trong học tập nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, thì không biết khi dạy học sinh họ có thể đòi hỏi sự sáng tạo nơi học sinh được không? Hay họ yêu cầu các em học theo cách họ muốn, tâm thế sợ sai và răm rắp làm theo cách làm, cách dạy cũ từ trước đến nay thì liệu các em học sinh có cơ hội, có đất sáng tạo, có bộc lộ cảm xúc một cách nhỏ bé không. Ai cũng có thể đặt câu hỏi, kể cả những giáo viên đứng lớp nhưng ai sẽ trả lời được ngoài chúng ta thưa các thầy cô!

Đây là những minh chứng nhỏ trong rất  nhiều câu chuyện khác trong nhà trường hiện tại, mà nếu các giáo viên chú tâm để ý một ít sẽ thấy tính thụ động của cả thầy và trò trong việc phát triển năng lực sáng tạo và khơi mở tư duy cho học sinh đang diễn ra. Hay nói theo cách của nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung, “chúng ta cần một cuộc cách mạng sự học, đó là một cuộc cách mạng diễn ra trong chính bản thân để thay đổi tư duy chính từ những người thầy – chủ thể chính của mọi cải cách”.

Nguyn Minh Thanh

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)