- 1 Đừng biến cơ sở dạy thêm trở thành nơi ôn luyện kiểm tra
Thời gian qua, trên báo chí và mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin nóng về lĩnh vực giáo dục. Trong đó, tập trung vào việc các cơ sở dạy thêm, học thêm tăng đột biến sau khi Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT, ngày 30-12-2024 của Bộ GD-ĐT quy định về dạy thêm, học thêm được thực thi. Thông tư này có mục đích là quản lý dạy thêm, học thêm chủ yếu trong các cơ sở giáo dục công lập.

Đầu tiên, theo quan điểm cá nhân và quan sát thực tiễn nhiều năm trong ngành giáo dục, tôi cho rằng hoạt động dạy thêm, học thêm tràn lan trước đây và hiện nay đang được kiểm soát thông qua việc đăng ký kinh doanh có bóng dáng như là hình thức luyện thi, ôn tập nhằm giúp học sinh vượt qua các kỳ thi, các bài kiểm tra hơn là phát triển và đánh giá năng lực. Ôn luyện để thi cử được coi là cần thiết và phổ biến trên thế giới, không chỉ có ở Việt Nam mà còn có ở nhiều quốc gia thường xuyên định lượng kết quả học tập qua điểm số. Vì vậy, việc luyện thi có mục đích là điều cần thiết và nó chính đáng đối với học sinh nhằm vượt qua một trình độ nhất định nào đó. Các trường học, các tổ chức xét tuyển để phân loại, lựa chọn những học sinh có khả năng khác là điều cần thiết và không cần phải bàn thảo thêm. Tương tự như vậy, các tổ chức trên thế giới cũng thường xét tuyển ứng viên bằng cách phỏng vấn hoặc bài thi để xét duyệt khả năng của ứng viên; vì vậy, việc học thêm của học sinh đang diễn ra như một cuộc tập dượt thi cử, bài kiểm tra có cấu trúc tương tự giống như bài kiểm tra thật là nhu cầu chính đáng từ chính phụ huynh và học sinh.
Các năm qua, ngành giáo dục đã ban hành nhiều văn bản về quản lý dạy thêm và học thêm, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết triệt để. Và gần đây nhất là Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT được dư luận và nhiều giáo viên cũng như cán bộ quản lý trường học đánh giá sau hơn một tháng áp dụng đã đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào khuôn khổ và được giám sát chặt chẽ hơn. Song, thực trạng các trường công lập hiện nay chủ yếu đánh giá học sinh thông qua kết quả các bài kiểm tra thì điều này phần nào làm cho việc học trở nên không đúng với mục đích ban đầu. Rõ ràng, học tập là quá trình để thầy và trò cùng nhau khám phá. Hay, triết lý lấy người học làm trung tâm là tiến trình xoay quanh người học, trong đó trường học cần tạo ra môi trường để học sinh khám phá tri thức và người thầy sẽ là người hướng dẫn, đồng hành, hỗ trợ học sinh chiếm lĩnh tri thức đó. Vì vậy, nếu học sinh chỉ học để tham gia các kỳ thi, vượt qua các bài kiểm tra thì bản chất việc dạy thêm, học thêm còn tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau được xem là có nguồn gốc từ đây.
Từ thực trạng trên cho thấy, việc học tập bị chi phối quá nhiều bởi kết quả kiểm tra và thi cử, khiến mục đích ban đầu của việc học – sự khám phá tri thức cùng với thầy cô – bị lệch lạc. Các khóa học nâng cao, ôn luyện tiếp tục diễn ra từ nhu cầu của phụ huynh và học sinh, từ đó quan hệ cung – cầu mặc nhiên được thừa nhận. Tôi tin rằng, nhu cầu học thêm là có thực vì mong muốn chính đáng của người học để đạt được điểm số cần thiết, từ nhu cầu đó sẽ có nguồn cung từ giáo viên sẵn có và dồi dào. Phải thừa nhận rằng, quan hệ này xuất phát từ thực tiễn và không thể không thừa nhận.
Việc học thêm xuất phát từ nhu cầu thực tế của học sinh và phụ huynh, điều đó có nguyên nhân từ cách đánh giá năng lực học sinh trong nhà trường. Do đó, giáo viên khó và không có thể từ chối tham gia vào quá trình dạy thêm, bởi đây là cơ hội để cải thiện thu nhập tăng thêm như bất cứ một ngành nghề nào khác. Tuy nhiên, các trường công lập gặp nhiều khó khăn hơn so với trường tư thục trong việc quản lý hoạt động này. Bởi, khi ngành giáo dục đặt ra các yêu cầu quản lý về dạy thêm, học thêm trong hệ thống giáo dục, các cơ sở giáo dục công lập bị tác động nhiều hơn so với cơ sở giáo dục tư thục. Cụ thể, các cơ sở giáo dục tư thục có cơ chế để ràng buộc người dạy, đánh giá người dạy qua các tiêu chuẩn và kết quả người học, cũng như khung chương trình đào tạo đặt ra mục tiêu, yêu cầu ôn luyện để tham gia các kỳ thi, kiểm tra mà không cần phải học thêm hay có mâu thuẫn lợi ích với chính giáo viên, trường học trực tiếp nơi học tập.
Thay vì quản lý chặt chẽ việc dạy thêm và học thêm, ngành giáo dục nên xem xét lại chương trình đào tạo, hướng tới việc giảm áp lực thi cử và đánh giá năng lực học sinh đa chiều thay vì chỉ xét điểm số. Xét cho cùng điều này liên quan tới chuyện cung – cầu như đã nói ở trên và nó là nhu cầu có thật từ thực tiễn. Vì vậy, đòi hỏi ngành giáo dục nên chăng xem xét lại quy trình giảng dạy, đánh giá, phân loại học sinh thay vì quản lý dạy thêm, học thêm với những yêu cầu làm khó cho cả cơ sở giáo dục, cũng như thầy và trò. Hướng tới thiết kế một chương trình đào tạo với bộ khung chương trình đạt được những phẩm chất, kỹ năng, tư duy, vận dụng để hạn chế những kỳ kiểm tra và thi cử dày đặc. Từ việc dạy thêm, học thêm tràn lan không có giám sát chuyển sang đăng ký kinh doanh, chúng ta có thể dễ dàng thấy việc dạy thêm, học thêm không thuyên giảm, chỉ làm tăng thêm chi phí cho phụ huynh mà thôi, dẫn tới khả năng “lách luật” làm giảm uy tín người thầy.
Trước đây, chúng ta có kỳ thi chuyển cấp từ tiểu học lên THCS, sau đó thì xét tuyển. Thực tế điều này được tổ chức nhẹ nhàng và đạt được mục tiêu giáo dục. Tương tự, tại một số địa phương, trong một số thời điểm nhất định đã thử nghiệm xét tuyển từ THCS lên THPT và có nhiều tiến triển có thể áp dụng. Hay như, trước đây ngành giáo dục tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT một cách nghiêm ngặt với cơ cấu tổ chức cồng kềnh để công nhận học sinh tốt nghiệp THPT, nhưng sau đó chuyển qua thi một số môn nhất định để xét tốt nghiệp THPT và kể cả dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển ĐH. Như vậy có thể thấy dạy thêm, học thêm đang phục vụ cho các đợt kiểm tra, các kỳ thi là chính. Vậy thì, nên chăng ngành giáo dục thiết kế khung đào tạo, chương trình giảng dạy để việc học trở nên nhẹ nhàng hơn; thay vì đánh giá, phân loại bằng về điểm số thì có thể đánh giá năng lực học sinh với các tiêu chí tư duy hơn là ghi nhớ kiến thức, sao chép lại kiến thức của người thầy. Bởi vì những kiến thức cố định được sắp đặt và trình bày trong sách giáo khoa khó lòng đòi hỏi học sinh phải tư duy để có thể khám phá và mở rộng góc nhìn. Những môn học yêu cầu học sinh tư duy, những môn học yêu cầu khám phá vẻ đẹp ngôn ngữ, vẻ đẹp của âm nhạc, vẻ đẹp của nghệ thuật đều có thể đánh giá được và giáo viên là người được đào tạo để nhận định điều đó. Chúng ta thấy các môn như giáo dục thể chất, âm nhạc, mỹ thuật và giáo dục địa phương chuyển qua đánh giá học sinh bằng kết quả “đạt-chưa đạt” chứ không còn là điểm số. Học sinh học các môn đó tương đối nhẹ nhàng, các em học vui hơn chứ không quá áp lực như những môn khác. Đó cũng là minh họa để thấy rằng, khi chuyển đổi tư duy từ đánh giá kết quả điểm số, phân loại thành những đánh giá năng lực của học sinh thì các em sẽ vượt qua dễ dàng hơn, đồng nghĩa với việc đó là gánh nặng các kỳ thi chuyển cấp sẽ giảm xuống. Từ đó, việc ôn thi, luyện thi trong trường, ở các trung tâm…, theo tôi, sẽ giảm dần.
Nguyễn Minh Thanh
Bình luận (0)