Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đừng biến HS thành cái máy, GV là người điều khiển

Tạp Chí Giáo Dục

Thêm một ý kiến của "người trong cuộc" để bạn đọc có cái nhìn khách quan hơn về thực trạng dạy và học môn văn trong các bậc học.

"Xin đừng biến các em học sinh thành con vẹt"- lời đề nghị này tuy không mới, nhưng rất cần được những nhà biên soạn nội dung và chương trình môn văn hãy lắng nghe, không thể cứ tồn tại mãi một thực trạng như bạn đọc Nguyễn Diên An bày tỏ: "Nói mãi mà có thay đổi được gì đâu!".

Tôi là một người đã từng học chuyên văn suốt 7 năm học cấp 2 và cấp 3, học 4 năm khoa Văn – ĐH Tổng hợp và bây giờ, tuy công việc của tôi không liên quan đến văn chương, nhưng tôi rất quan tâm đến diễn đàn học và dạy môn văn trong nhà trường ở nước ta hiện nay.

Tôi vẫn còn nhớ, khi đi làm gia sư môn văn cho 2 cậu học sinh lớp 7, thời tôi còn là sinh viên. Tôi đã kiên quyết không làm sẵn bài rồi đọc cho các em chép, mà chỉ giảng giải giúp các em cảm thụ được, giúp các em hình dung được cách làm của từng thể loại tập làm văn, từ đó cả cô – trò cùng xây dựng một dàn ý, còn phần hoàn thiện bài văn dứt khoát phải là việc của các em. Nhưng quả thực, lúc đó cũng là do lợi ích thiết thực của các em và do yêu cầu của gia đình – chỉ quan tâm đến điểm cuối cùng của các em – nên tôi luôn luôn phải dạy trên cơ sở những gợi ý của cô giáo, mà nhiều khi tôi cảm thấy rất máy móc. Các em thì nhất nhất một hai đều "cô em bảo phải thế này, cô em bảo phải thế kia".

Nói tóm lại là tôi hình dung các em học văn như một cái máy và cô giáo là người điều khiển. Tôi còn nhớ, trước mỗi giờ kiểm tra văn, cô giáo đều cho trước vài đề để các em về nhà làm sẵn. Và trước mỗi kỳ thi thì cô giáo đều làm sẵn cho các em một số đề trọng điểm mà chắc chắn thi sẽ vào, để các em về học thuộc. Sau vài tháng làm gia sư, sự háo hức, hăm hở của tôi giảm dần vì nếu dạy như thế thì tôi cũng khác nào một cái máy. Tôi đành xin nghỉ.

Trở lại với bài văn điểm 4, tôi rất bức xúc khi đọc bài viết đăng trên báo Lao Động ngày 5.1.2009. Quả thực, đề bài rất hay, rất mở "Cảm xúc về người thân (ông, bà, cha, mẹ, bạn bè…)". Với kiểu đề bài như thế này, tôi nghĩ yêu cầu cao nhất phải là viết có cảm xúc, viết phải chân thành, xúc động. Và bài văn điểm 4 của em học trò này đã làm được điều đó.

Đó là cảm xúc của chính em học sinh này đối với người ông kính yêu của mình, chứ hoàn toàn không phải là cảm xúc vay mượn của cô giáo hay của ai khác. Nếu nói là bài văn lạc đề thì cũng không phải, em học sinh viết khá đầy đủ – từ hình dáng đến tính tình, thói quen, sở thích của ông… cũng như những kỷ niệm khó quên về người ông kính yêu của mình. Xin đừng biến các em thành những con vẹt, hãy để các em phát huy hết tư duy văn học, tâm hồn văn học của mình.

Hiện nay, các bậc phụ huynh chỉ cần bớt chút thời gian, vào một hiệu sách bất kỳ nào cũng đều thấy nhan nhản những sách tham khảo, những bài văn mẫu. Thôi thì đủ loại, muôn hình vạn trạng như lạc vào ma trận mà không biết vàng thau thế nào mà chọn. Quả thực, với cách phân bố chương trình cho môn văn quá hạn hẹp như hiện nay, thì các em học sinh rất cần có sách tham khảo để bổ trợ, để nâng cao kỹ năng nhưng tình hình xuất bản ồ ạt như hiện nay, thì đến cả thầy cô giáo nhiều khi cũng lúng túng chứ nói gì đến học trò.

Thôi thì đành kêu gọi lương tâm của người viết, hãy vì tương lai con em chúng ta. Bản thân các tác phẩm văn học luôn luôn có sức cuốn hút mạnh mẽ, đòi hỏi sự tìm tòi, sáng tạo; do vậy để cảm thụ, phân tích một tác phẩm văn học cũng có muôn ngàn cách thể hiện, miễn sao có tính thuyết phục, không thể có một dàn ý, một bài mẫu nào là chuẩn mực cuối cùng cả. Hôm trước, tình cờ tôi đọc được cuốn sách "Những bức thư đoạt giải cuộc thi viết thư UPU lần thứ 37" – với chủ đề "Thế giới cần lắm sự khoan dung", tác giả của những bức thư này là những em học sinh cấp 2, cấp 3.

Tôi thấy có nhiều bài viết rất hay, rất bổ ích, phù hợp với lứa tuổi các em. Ngôn ngữ trong sáng, giản dị, cách hành văn mạch lạc, tư duy khúc chiết. Và quan trọng là các em viết có cảm xúc, bộc lộ được tâm hồn văn học. Chúng ta cần lắm những cuốn sách như thế này làm món ăn tinh thần cho các em. Nhưng thật đáng tiếc, những cuốn sách bổ ích, thiết thực như thế trên thị trường lại không nhiều và lại không được quảng bá rộng rãi.

Nói về chuyện học văn và dạy văn ở nước ta hiện nay, tôi còn muốn viết nhiều, nhiều lắm. Đó là câu chuyện "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!". Nhưng khổ nỗi "Nói mãi mà có thay đổi được gì đâu". Thật đáng buồn, lo cho thế hệ tương lai!

Theo LĐ
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)