Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đừng biến thầy giáo chân chính thành… “thợ giảng”

Tạp Chí Giáo Dục

Ảnh: Như Hùng

Nhiều nhà giáo dục học cho rằng một trong những điều đáng báo động của nền giáo dục Việt Nam là biến người thầy giáo thành người “thợ giảng”. Vậy người thầy giáo và người “thợ giảng” có gì khác nhau? Tôi cho rằng ý kiến đó rất cần được nêu ra để trao đổi, tìm cách giải đáp.

Theo tôi, sự khác nhau đầu tiên dễ nhận thấy giữa người thầy giáo và người “thợ giảng” là ở lượng thời gian đứng lớp. Người thầy giáo trong mỗi tuần, mỗi tháng, mỗi năm, ngoài thời gian tham gia giảng dạy, đứng lớp còn phải dành thời gian cho nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế.

Nghiên cứu khoa học và nghiên cứu thực tế thực chất cũng hướng vào nâng cao chất lượng bài giảng. Không tham gia nghiên cứu khoa học thì trình độ của người thầy không được nâng cao, không cập nhật được những kiến thức mới, những thông tin mới phục vụ cho bài giảng, nhất là trong thời đại ngày nay khi thông tin, tri thức phát triển như vũ bão.

Còn nếu không nghiên cứu thực tế thì bài giảng sẽ chỉ là một mớ lý luận thuần túy, sẽ rất khô khan, thiếu hơi thở sinh động của cuộc sống. Thực tế cho thấy không phải không có những thầy, cô giáo trong bài giảng của mình còn đưa ra những thông tin cũ kỹ, thậm chí không bằng những thông tin mà người học đã tiếp cận trước đó.

Riêng nơi tôi giảng dạy – Trường Cán bộ TP.HCM – tôi nhận thấy tính đặc thù trong nội dung các môn học lý luận của trường khác với các trường đại học, cao đẳng là ở sự liên quan trực tiếp với những vấn đề của cuộc sống.

Thực tế thành phố chúng ta đang nảy sinh rất nhiều vấn đề cần sự tham gia, sự soi sáng của lý luận, đó là những vấn đề về kiện toàn bộ máy Nhà nước, về thực thi pháp luật, về cải cách hành chính, về xây dựng Đảng, về công tác vận động quần chúng, về xây dựng đời sống văn hóa của nhân dân…

Thế nhưng có rất ít những công trình nghiên cứu khoa học, hiếm thấy những bài báo của giáo viên nhà trường bàn luận về những vấn đề cụ thể này, dù rằng đội ngũ giảng viên của Trường Cán bộ TP là một đội ngũ mạnh. Phải chăng họ không có khả năng hay vì áp lực giảng dạy quá lớn khiến họ không có điều kiện, kể cả tâm huyết đầu tư cho nghiên cứu thực tế? Đây là một thực tế đáng suy nghĩ.

Từ sự khác biệt thứ nhất dẫn đến những sự khác biệt khác giữa người thầy và “thợ giảng”. Người giáo viên thực sự thì có thời gian, tâm huyết để đầu tư đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy; còn người “thợ giảng” thì không. Bài giảng của người giáo viên thực sự mang bầu nhiệt huyết của người thầy truyền thụ kiến thức và phương pháp tư duy cho người học; còn người “thợ giảng” chỉ giống như một chiếc máy ghi âm phát lại những kiến thức mòn cũ, đơn điệu.

Hiện nay có một thực tế là rất thiếu đội ngũ giảng viên các môn lý luận, nhất là giảng viên nòng cốt. Phải giảng dạy nhiều nên thầy, cô không có thời gian đầu tư đổi mới phương pháp giảng dạy, dẫn đến nhiều hạn chế trong công tác đào tạo nói chung.

Một điều cần nói: nguyên nhân chủ yếu khiến người thầy giáo thành người “thợ giảng” không phải từ chính bản thân người thầy mà do công tác quản lý giáo dục và đào tạo. Quản lý các mặt hoạt động của giảng viên về nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế như thế nào để đảm bảo được sự cân đối và đi vào thực chất?

Việc mở lớp phải cân nhắc kỹ càng khả năng đáp ứng thực tế của đội ngũ giáo viên và công tác quản lý… Nghĩa là có rất nhiều việc phải tính toán tỉ mỉ trong công tác quản lý giáo dục để xóa bỏ tình trạng biến người thầy giáo chân chính thành… “thợ giảng” đơn thuần!

TS. Phạm Ngọc Minh

Bình luận (0)