LTS: Từ số báo này, Giáo dục TP.HCM mở diễn đàn “Dạy thêm, học thêm: Được gì?, mất gì?”. Đây là một vấn đề “nóng” được dư luận quan tâm hiện nay, vì vậy, chúng tôi mong muốn nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc về vấn đề này.
Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ học nhiều chưa chắc giỏi hơn trẻ học đúng với lượng kiến thức có thể tiếp nhận theo lứa tuổi (ảnh minh họa). Ảnh: N.Trinh |
Các bậc phụ huynh đều mong muốn con mình được học hành thành tài, tới nơi tới chốn. Chính vì điều này mà có không ít phụ huynh đã biến con mình thành những “cỗ máy” biết nói và phải thực hiện những mong muốn của họ…
Phải có nhiều điểm 10
Ngày nay đa phần phụ huynh cứ khăng khăng yêu cầu con mình phải học làm sao cho đạt điểm 10, càng nhiều điểm 10 càng tốt! Nếu hôm nào không có điểm 10 thì hôm đó chắc chắn trẻ sẽ không được đáp ứng những đòi hỏi của mình về các sinh hoạt giải trí. Có thể nói điểm 10 dường như đã làm cho nhiều phụ huynh bị “lậm” và cứ thế, ngày này qua tháng nọ, trẻ phải cố gắng để có điểm 10. Vì vậy, trẻ đã phải học ở trường, học thêm ở nhà thầy cô, tối về nhà học tiếp, làm tiếp những bài tập rèn luyện với mong muốn nắm được tất cả các dạng. Tình trạng này dẫn đến nhiều hệ lụy như ảnh hưởng đến sức khỏe, đến tâm sinh lí bình thường đối với từng giai đoạn phát triển của trẻ, nguy hiểm hơn nữa là chính người lớn – những bậc phụ huynh đã biến trẻ thành những “cỗ máy” phải hoạt động liên tục, làm việc liên tục từ sáng đến tối chỉ với một công việc: học và học!
Học thêm nhiều môn năng khiếu
Một thực tế khác mà trẻ cũng phải “cắn răng” chịu đựng và làm theo mong muốn của cha mẹ là học tăng cường thêm những môn năng khiếu khác, chẳng hạn như mỹ thuật, đàn, thể dục nhịp điệu… Năm ngày học ở trường, ở nhà với lượng thời gian gần như chiếm trọn vẹn, không còn thời gian cho việc nghỉ ngơi, giải trí theo sự phát triển tự nhiên mà phụ huynh còn tranh thủ sử dụng luôn 2 ngày nghỉ cuối tuần để đăng kí cho con mình học thêm các môn năng khiếu để mong trẻ sẽ được giỏi toàn diện, môn nào cũng học, môn nào cũng biết. Có lần tôi tình cờ được nhìn thấy lịch học của đứa con người bạn đang học lớp 4 thì giật mình vì thời gian dành cho nghỉ ngơi, vui chơi của cháu chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng quỹ thời gian sẵn có của một người. Từ 6 giờ sáng, cháu đã thức dậy để làm vệ sinh cá nhân, ăn sáng và đến trường học, đến 16 giờ 30 thì tan trường. Về nhà, cháu có 15 phút để tắm rửa thay đồ và 15 phút để ăn lót dạ và 17 giờ 30 thì sang nhà cô giáo học tiếp cho đến 19 giờ 30. Sau đó mẹ đón về nhà, thay đồ và ăn cơm tối đến 20 giờ 30. Chỉ vỏn vẹn nghỉ đúng 20 phút, cháu lại ngồi vào bàn theo sự “giám sát” của mẹ để chuẩn bị bài cho ngày mai, làm thêm những dạng bài tập nâng cao cho đến hơn 22 giờ mới đi ngủ. Còn 2 ngày cuối tuần thì lịch học có vẻ thoáng hơn nhưng cũng khít cả thời gian với 4 môn năng khiếu được đăng kí để học!
Trẻ có thật sự giỏi khi học như thế?
Với những phân tích, dẫn chứng đã nêu ở trên, trong thực tế hiện nay, với sự phát triển của lứa tuổi, tôi cho rằng trẻ không những không phát triển hết theo lẽ tự nhiên và cũng không thật sự giỏi giang mà ngược lại còn bị mệt mỏi, bị “nhiễu” khi cùng lúc tiếp nhận quá nhiều kiến thức, quá nhiều thông tin đối với những điều rất bình thường mà một đứa trẻ được tiếp nhận. Sự thúc ép của phụ huynh đã vô tình làm cho trẻ bị “ngộp” khi thức dậy mỗi buổi sáng với tư tưởng: Phải trải qua rất nhiều giờ để học đủ thứ! Chính vì vậy, trẻ sẽ trở thành một “cỗ máy” chỉ biết học, cố học theo sự đòi hỏi của những bậc làm cha làm mẹ ngày này qua tháng nọ. Học nhiều như vậy chưa chắc giỏi hơn so với một trẻ được tiếp nhận đúng với lượng kiến thức mà các em có thể tiếp nhận theo lứa tuổi.
Tóm lại, sự học là quan trọng cho bất kì ai có sự cầu tiến và chăm chỉ. Tuy nhiên, học như thế nào và học ra sao mới là điều cần thiết hơn để giúp trẻ tiếp thu kiến thức một cách nhẹ nhàng nhất, nhưng hiệu quả nhất để sự phát triển đó đúng với tâm sinh lí lứa tuổi. Có như vậy chúng ta mới tạo ra những con người mới, đủ tri thức, đủ bản lĩnh chứ không phải trở thành những “cỗ máy” biết nói như hiện nay.
Duy An
Bình luận (0)