Tòa soạnThư đi – tin lại

Đừng “bỏ rơi” con từ sáng tới chiều

Tạp Chí Giáo Dục

Còn chưa đầy 1 tháng nữa là các trường mầm non chính thức bước vào năm học mới (ngày 7-9). Nhiều phụ huynh lần đầu cho con đi học không khỏi lo lắng. Đó cũng là điều dễ hiểu bởi hầu hết trẻ đi học mầm non đều khóc từ 1 tuần đến 1 tháng. Thậm chí có nhiều trẻ còn cương quyết không chịu đi học. Vậy, phụ huynh phải làm gì để mỗi ngày đến trường thật sự là một ngày vui của trẻ…

Nỗi ám ảnh

Năm nay bé Tin nhà anh Trường (Q.Gò Vấp, TP.HCM) tròn 3 tuổi, nhưng vợ chồng anh hoàn toàn không có ý định cho con vào lớp mầm như phần lớn những phụ huynh khác. Ngoài lý do ở nhà có ông bà thì lý do chính vẫn là nỗi ám ảnh của cô con gái lớn trước đó. Anh Trường nhớ lại: “Cách đây 6 năm, Ti (chị Hai của bé Tin) vào lớp mầm. Muốn con được nuôi dạy trong một ngôi trường tốt nên vợ chồng tôi đã “chạy” cho bé vào một trường mầm non đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn. Trường có nhiều đồ chơi, sân rộng, lớp học thoáng mát, cô giáo có kinh nghiệm, vậy mà con tôi không muốn đi học. Tôi gây áp lực bắt con phải tới trường, thế là ngày nào con bé cũng ngồi buồn thiu trong một góc của lớp học. Đến bây giờ, mỗi lần nhắc đến những năm tháng đi học mầm non, Ti vẫn còn thấy sợ. Chính vì vậy mà vợ chồng tôi muốn khi nào được 5 tuổi mới cho bé Tin đi học mầm non. Lúc đó, bé lớn rồi, có chuyện gì không hài lòng có thể dễ dàng nói với ba mẹ. Chứ bây giờ còn nhỏ quá, có nói gì người lớn cũng không hiểu, thậm chí không tin…”.

Chị Hương Giang (Q.1) cũng cho biết: “Năm ngoái, vì mê cái mác trường quốc tế nên tôi cho bé Thỏ vào đó học. Tôi đăng ký dịch vụ đưa rước nên sáng sớm trường đưa xe tới rước, chiều thì đưa về. Ngày đầu tiên đi học về, hỏi bé có vui không, bé trả lời vui. Nhưng đến trưa ngày thứ tư thì tôi nhận được điện thoại của nhà trường báo con ói và khóc liên tục. Tôi vội vã tới trường, vừa thấy mẹ là bé chạy ngay tới ôm chặt lấy và khóc thét lên. Ngày hôm sau, vừa thức dậy là bé bắt đầu khóc không chịu đi học. Những ngày sau đó cũng vậy, cứ nhắc đến chuyện đi học là bé khóc, không chịu ăn. Cuối cùng tôi xin cho bé học ở trường gần nhà (gần đến mức bé có thể tự đi về) và bé tỏ ra rất thích thú khi được học ở đây”…

Thời gian đầu, phụ huynh nên thường xuyên trao đổi với giáo viên về tình hình của trẻ

Đây chỉ là 2 trong số hàng ngàn trường hợp không chịu đi học, khóc lóc những ngày đầu tới trường. Và thực tế, khá nhiều phụ huynh vì xót con mà chấp nhận cho bé ở nhà đến 4, 5 tuổi mới cho đi học. Vì đâu nên nỗi?

Đừng gieo tiếng ác cho cô

Nhiều phụ huynh thấy con khóc, không chịu đi học, thậm chí là ngủ mớ vì sợ đi học thường nghĩ rằng con mình bị cô giáo đánh. Thế nên: “Ngày nào rước con, phụ huynh cũng vạch áo, vén quần xem chân tay, mình mẩy của trẻ có trầy xước gì không. Có một tí dấu vết là truy hỏi cô giáo tới cùng. Thậm chí có nhiều phụ huynh, dẫn con ra khỏi lớp là hỏi ngay: “Hôm nay cô giáo có đánh con không”. Cũng có không ít phụ huynh, đưa con tới trường, con khóc là quát: “Nín ngay, cô giáo tới kìa” hoặc: “Con không nín là mẹ mách cô giáo đánh đấy”. Còn ở nhà, trẻ không ngoan thì dọa: “Con không ngoan, mai vào trường, mẹ mách cô giáo để cô phạt con”. Vô hình trung các ông bố, bà mẹ đã gieo vào đầu trẻ hình ảnh một cô giáo rất đáng sợ. Và khi cô giáo trở nên đáng sợ thì làm sao trẻ thích đi học được”, cô Nguyễn Thị Mai Phương – giáo viên lớp Gấu bông Trường Mầm non Bến Thành, Q.1 – tâm tư.

Theo cô Phương, chuyện trẻ mớ khi ngủ buổi tối sau một vài ngày đầu đi học, khóc không chịu đi học là chuyện bình thường. Thường trẻ chỉ khóc 1 tuần, lâu hơn thì một tháng rồi sẽ quen và thích đi học. Phụ huynh không nên xót con rồi cho trẻ ở nhà. Vì ở được 1, 2 lần là tạo thành thói quen và trẻ sẽ không muốn tới trường nữa.

Để tránh tình trạng này, “Trước khi bắt đầu năm học mới khoảng 1-2 tuần, phụ huynh nên cho trẻ tới trường. Lúc đầu là chơi ở dưới sân trường, khi trẻ đã quen thì cho lên lớp để làm quen với cô giáo. Đặc biệt, trong thời gian này phụ huynh nên tranh thủ trao đổi với cô giáo về tính nết, sở thích, ưu, khuyết điểm của trẻ. Tuần đầu tiên của năm học, phụ huynh chỉ nên cho trẻ học đến 9 giờ, rồi 10 giờ là đón về. Sau đó thì cho trẻ ăn trưa xong thì đón về. Dần dần khi trẻ đã thật sự quen với cô giáo, các bạn thì mới cho học cả ngày. Chứ ngay từ ngày đầu đi học mà để con ở trường từ sáng tới chiều thì sẽ gây cho trẻ cảm giác bị ba mẹ bỏ rơi, trẻ sẽ sợ tới trường…”, cô Trần Thị Út – giáo viên lớp Nai bi, Trường Mầm non Bến Thành – hướng dẫn.

Cô Út cho biết thêm, thời gian đầu, ngoài việc giải thích cho trẻ việc tới trường sẽ rất vui vì có nhiều bạn, nhiều đồ chơi, được cô giáo yêu thương, phụ huynh còn phải đặt ra cho trẻ một nhiệm vụ là: “Con lớn rồi, con phải đi học. Cũng như ba mẹ phải đi làm…”. Và nên cho trẻ đi học sớm, thời gian đi học mầm non lý tưởng nhất là khi trẻ 2-3 tuổi. Càng đi học sớm trẻ càng lanh lợi, càng hiểu biết, nề nếp và tự tin. Đặc biệt trẻ sẽ tình cảm hơn, biết chia sẻ với bạn bè hơn là ở nhà đến 4-5 tuổi mới tới trường…

Bài, ảnh: Kim Anh

Bình luận (0)