Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Đừng “bỏ rơi” khi con thi rớt…

Tạp Chí Giáo Dục

Các em học sinh thi rớt đại học, rất cần sự quan tâm chia sẻ của các bậc cha mẹ (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: M.Tâm

Thực trạng học sinh (HS) tự tử vì không đậu trong các kỳ thi cao đẳng (CĐ), đại học (ĐH) không còn là chuyện mới mẻ. Nhưng làm sao để giảm bớt những tình trạng đau lòng này khi sắp đến ngày công bố điểm trúng tuyển CĐ, ĐH bởi sẽ còn đó nhiều HS không đủ điểm đậu. Bác sĩ Phạm Văn Trụ – Phó giám đốc BV Tâm thần TP.HCM dành những lời khuyên thiết thực đến các bậc phụ huynh HS.
Hiện nay, tình trạng HS bị áp lực trước việc phải đậu vào CĐ, ĐH rất lớn từ nhiều phía, chính vì vậy các em bị áp lực nặng nề trước các kỳ thi cử là điều khó tránh khỏi. Khi các em bị căng thẳng, áp lực như lo âu, trầm cảm và sẽ biểu hiện qua hành vi cư xử – một vấn đề rất phức tạp. Nếu HS vượt qua được những áp lực thì chính sự áp lực sẽ tôi rèn ý chí của các em thêm cứng cáp, mạnh mẽ. Trong trường hợp HS không vượt qua được vấn đề này thì sẽ rất dễ dẫn tới trạng thái lo âu, trầm cảm. Chúng ta có thể nhận biết từ cách cư xử không “bắt nhịp, không theo nhịp” như lăng xăng, gia tăng kích thích, đối xử khác lạ với người thân, thầy cô, bạn bè và ngay cả đối với sách vở… Bên cạnh đó, HS có thể trở nên thẫn thờ, chậm chạp, kém tập trung chú ý trong giao tiếp, ăn ngủ thất thường… Khi bắt gặp những dấu hiệu này, các bậc phụ huynh nên đưa con em đến chuyên khoa y tế để khám chữa trị.
Gần đến ngày công bố kết quả thi CĐ, ĐH, để tránh những áp lực trước kết quả thi cử cho các em, là người thân cận nhất với con cái, các bậc phụ huynh nên thật bình tâm tìm ra ở con cái mình những yếu tố tích cực nào đó và nhắc tới các yếu tố này như trong giao tiếp hàng ngày. Tuy nhiên, cũng không nên quá nhấn mạnh các yếu tố tích cực này mà không nói tới thất bại thi cử một cách nhẹ nhàng. Các bậc phụ huynh cũng nên có những hành vi cư xử (xin nhắc lại là hành vi cư xử) trước, sau đó là những lời nói tỏ ra chấp nhận kết quả không đủ điểm đậu. HS sẽ nhận thức được hành vi cư xử, lời nói này của cha mẹ và tiếp theo sẽ là những suy nghĩ tích cực để chuyển hướng học lại hay học các nghề khác phù hợp với năng lực, mong có cơ hội khác. Như vậy các em sẽ không có cảm giác bị bỏ rơi vì có cha mẹ hậu thuẫn bên cạnh.
Nên tránh những tiếng thở dài, ánh mắt thất vọng, những câu chuyện về các em HS thành đạt khác trong dòng họ, hàng xóm, các khoảng lặng kéo dài hay ngược lại căng thẳng ồn ào không liên quan trong không khí gia đình. Bản thân các bậc phụ huynh cũng cần chuẩn bị lại kinh nghiệm của mình qua các ngạn ngữ có từ xa xưa như “thua keo này, bày keo khác”, “sông có khúc, người có lúc” trong hành xử vào thời điểm thi trượt của con cái.
Nhưng nhìn chung, việc HS tự tử khi không đạt kết quả thi cử như mong muốn là vấn đề chung của xã hội hiện nay. Vì thế, đây là việc làm của toàn xã hội, chứ không còn là chuyện riêng của từng gia đình. Cho nên, rất cần sự chung tay của các nhà tâm lý, các bác sĩ chuyên môn.
Ngọc Trinh (ghi)
Chỉ trong một thời gian ngắn sau khi kết thúc kỳ thi ĐH đã có những HS tìm đến cái chết thương tâm vì nhiều lí do. Em Trịnh Công Sỹ, HS Trường THPT chuyên Lê Khiết (xã Hành Thiện – Nghĩa Thành – Quảng Ngãi) đã uống thuốc rầy vì bài thi trong kỳ tuyển sinh ĐH không được như ý, hay em Cao Thị Xuân T. (quận Phú nhuận, TP.HCM) cũng tương tự đã uống hơn 10 viên Valium loại 5mg, em N.T.H HS Trường THPT Tân Hà (Lâm Đồng) cũng đã uống thuốc diệt cỏ để tự tử…

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)