Chen nhau nhận lương tại Công ty Pou Yuen – TPHCM |
Qua 3 tháng không có đơn hàng sản xuất, hơn 300 công nhân (CN) Công ty May Hữu Nghị II (quận Bình Tân –TPHCM) vẫn không nản lòng. Đây là thời gian khó khăn nhất nhưng cũng là thời gian CN và doanh nghiệp (DN) cảm thông với nhau nhiều nhất.
Chia ngọt sẻ bùi
Công ty Hữu Nghị II chuyên sản xuất balô, túi xách. Mấy tháng trước, đối tác ngưng đặt hàng, công ty lâm vào khó khăn. Đời sống của hơn 300 CN hết sức chật vật. Trước tình hình trên, lãnh đạo công ty đã thuyết phục CN ở lại; trong thời gian chờ việc, công ty sẽ trợ cấp cho mỗi CN gần 1 triệu đồng/tháng. Số tiền này tuy chẳng bảo đảm được đời sống trong thời buổi giá cả đắt đỏ nhưng CN vẫn cảm kích trước thiện chí của DN.
Theo nhiều CN, trong thời gian này, không ít công ty đến chiêu dụ CN sang làm việc với mức lương hơn 2 triệu đồng/tháng. Có người cũng xiêu lòng nhưng kịp nghĩ lại. Đã gắn bó cùng nhau bao nhiêu năm, chẳng lẽ lúc công ty khó mình lại bỏ đi? Nghĩ vậy nên mọi người đồng lòng ở lại.
84% công nhân không hài lòng với công việc, thu nhập Báo Người Lao Động vừa tiến hành khảo sát hiện trạng việc làm, đời sống của CN nhập cư tại các khu nhà trọ thuộc địa bàn các quận 9, 12, Gò Vấp, Thủ Đức và huyện Hóc Môn. Khảo sát tiến hành trong 1.880 CN, có 76% CN đang làm việc ở ngành dệt may và giày da. Số còn lại làm việc trong các ngành chế biến thực phẩm, điện tử, gỗ… Phần đông CN tập trung làm việc ở khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 62%); kế đến là DN tư nhân trong nước (32%) và chỉ 6% là DN Nhà nước. Kết quả cho thấy chỉ 13% CN có thu nhập hằng tháng trên 2 triệu đồng/người/tháng; ngược lại, có đến 69% CN thu nhập từ 1,5 triệu đồng đến dưới 2 triệu đồng/người/tháng. Do thu nhập thấp nên phần đông CN không thể tích lũy, dành dụm. Có 43% CN cho biết luôn thiếu trước hụt sau; 41% còn để dành được từ 100.000 đồng – 500.000 đồng/tháng. Do khoản tích lũy từ thu nhập không có hoặc quá thấp nên 69% CN không có tiền để gửi về gia đình. Có đến 84% số người được hỏi trả lời “không hài lòng” với công việc, thu nhập của mình và 64% CN cho biết có ý định nghỉ việc hoặc tìm nơi làm việc khác tốt hơn.
Anh – Nga – Quốc
|
Sự chia sẻ của CN cũng thể hiện ở rất nhiều DN khó khăn khác. Cuối năm 2008 và những tháng đầu năm 2009, đơn hàng của Công ty Nidec Tosok (KCX Tân Thuận –TPHCM) giảm mạnh. Ông Đào Thanh Quyết, giám đốc hành chính – nhân sự công ty, cho biết: Công ty chuyên sản xuất linh kiện ô tô, CN đã được đào tạo bài bản qua nhiều năm.
Nếu giảm lao động thì DN tiết giảm được chi phí nhưng lại mất nguồn nhân lực quý. Bởi vậy, công ty chấp nhận giữ CN bằng cách hỗ trợ lương chờ việc cho CN. Về phía CN, tuy mức lương chờ việc thấp nhưng họ vẫn tin tưởng vào thiện chí và sự phát triển của công ty. Từ tháng 5-2009 đến nay, công ty đã có được nhiều đơn hàng, CN đủ việc làm, thu nhập đã đạt gần 2 triệu đồng/tháng.
DN hết khó, CN chưa hết khổ
Sau 10 năm làm việc cho Công ty IGM (KCX Tân Thuận –TPHCM), nhiều CN đành phải dứt áo ra đi. Một CN cho biết: Khi công ty khó khăn, hơn 400 CN chấp nhận ở lại với mức lương khoảng 1,2 triệu đồng đến 1,4 triệu đồng/tháng. Với đồng lương đó, CN phải cầm cự gần 6 tháng trời.
Khoảng tháng 5-2009, công ty có nhiều đơn hàng trở lại, CN làm việc cật lực, tăng ca nhiều nhưng thu nhập chỉ khoảng 1,5 triệu đồng đến 1,7 triệu đồng/tháng. Nhiều CN cảm thấy công ty quá chi li với mình nên đã xin nghỉ việc. Người thì viện lý do con nhỏ, người thì bảo về quê lấy chồng… nhưng thực chất họ sang các công ty khác trả lương khá hơn.
Còn tại Công ty Phú Hữu (huyện Bình Chánh –TPHCM), khi công ty không có đơn hàng, CN tình nguyện cho giám đốc nợ hai tháng tiền lương. Nhiều DN đề nghị nhận CN ở đây về làm việc nhưng không ai muốn rời đi vì hy vọng công ty sẽ vượt qua khó khăn.
Tuy nhiên, phụ lòng kỳ vọng của CN, sau đó công ty đóng cửa, giám đốc “biến mất”, quỵt luôn tiền lương CN. Vừa qua, nhiều CN phát hiện phó giám đốc công ty đồng thời là người thân của giám đốc đã mở một công ty cùng ngành nghề với Công ty Phú Hữu ở gần đó.
Còn tại Công ty Pou Yuen (quận Bình Tân –TPHCM), đầu năm, khi gặp khó khăn, công ty đòi cắt 150.000 đồng phụ cấp của CN. Do tiền lương của CN vốn đã thấp nên khi bị “dọa” cắt phụ cấp, CN đã phản ứng buộc các cơ quan chức năng phải can thiệp.
Những tháng gần đây, khi sản xuất phục hồi, công ty lại đưa ra định mức quá cao khiến đa số CN không thực hiện được nên mỗi tháng bị cắt mấy trăm ngàn đồng tiền phụ cấp năng suất. Bức xúc vì phải tăng ca thường xuyên nhưng thu nhập chỉ khoảng 1,5 triệu đồng đến 1,6 triệu đồng/tháng, CN liên tục ngừng việc để đòi giảm định mức, cải thiện thu nhập.
Phải “có trước, có sau”
Ông Phạm Thái Khanh, Giám đốc Công ty Cơ điện lạnh Tân Thái (quận 10-TPHCM), chia sẻ: “Trong kinh doanh, lúc thuận lợi, khi khó khăn là chuyện bình thường. Dù trong hoàn cảnh nào thì sự chia sẻ, cảm thông của người lao động là nguồn động lực rất lớn giúp DN trụ vững.
Nếu kinh doanh mà không “có trước, có sau” với người cùng vai sát cánh với mình thì chẳng còn ai tin mình cả”. Chính vì suy nghĩ như vậy nên công ty đã trích lợi nhuận lập quỹ dự phòng để hỗ trợ CN khi công ty gặp khó khăn. Nguồn quỹ này nhằm giữ ổn định mức thu nhập cho CN khi thị trường có biến động. Hiện thu nhập của CN luôn đạt trên 2,5 triệu đồng/tháng.
Còn tại Công ty Phương Khoa (quận 12-TPHCM), với hơn 1.500 CN, việc bảo đảm thu nhập khoảng 2,5 triệu đồng/tháng là nỗ lực rất lớn của công ty. Bà Đặng Thị Ngọc Hà, phó giám đốc công ty, phân tích: Sự chia sẻ, gắn bó của CN là vấn đề sống còn với công ty.
Ngay trong lúc kinh doanh thuận lợi, công ty phải có chính sách trân trọng công sức của họ, huống gì khi gặp khó khăn, CN vì mình mà gánh khó thì DN phải có trách nhiệm đáp đền. Trong tình hình hiện nay, năng lực sản xuất của công ty hoàn toàn phụ thuộc vào sự tin tưởng, gắn bó của CN.
Theo Phạm Hồ / NLĐ
Bình luận (0)