Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đừng cay nghiệt quá nếu con em mình chẳng may rớt…

Tạp Chí Giáo Dục

Với phương án xét tuyển lớp 10 bằng kết quả học bạ trong năm nay, sẽ có nhiều trường hợp học sinh trượt NV tưởng như đã chắc trong tay nếu như thi tuyển, dẫn đến tâm lý “đổ thừa”, “cay nghiệt” của cả phụ huynh, học sinh.


Phụ huynh hãy là điểm tựa cho các em học sinh

Song, trong thời điểm này, phụ huynh, học sinh cần phải bình tĩnh. Hãy nhìn thẳng vào thực tế, đối diện với thực tế trong bức tranh dịch bệnh suốt một năm qua, để lựa chọn một hướng đi mới phù hợp nhất cho học sinh, trao cho các em năng lượng tích cực, giúp các em tự tin vào bản thân, không ngừng nỗ lực…

Đối diện với thực tại để truyền năng lượng tích cực cho học sinh

Ngay khi Sở GD-ĐT TP.HCM công bố điểm chuẩn lớp 10 chuyên, nhiều phụ huynh điện thoại phản ánh đến phóng viên về việc con em mình học giỏi, đầu tư nhiều nhưng vẫn… rớt chuyên, trong khi nhiều học sinh khác học kém hơn lại đậu chuyên.

Có phụ huynh còn gọi những học sinh đậu chuyên năm nay là “học sinh trường làng kéo vào thành phố”. Trên các diễn đàn mạng, nhiều phụ huynh thậm chí còn đòi ăn thua xét tuyển lại.

Nhìn thẳng vào thực tế mùa tuyển sinh lớp 10 THPT năm nay tại TP.HCM, dễ dàng nhận thấy rằng xét tuyển là phương án không ai muốn và cũng là giải pháp tình thế do tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP quá phức tạp. Sở GD-ĐT TP đã phải trình những 2 tờ trình cho UBND TP về phương án tuyển sinh 10. Trong mỗi lần trình, lãnh đạo Sở đều đặt ra hơn 2 phương án, phân tích tính hơn, thiệt của từng phương án để tham mưu cho lãnh đạo thành phố lựa chọn một phương án phù hợp nhất giữa lúc dịch bệnh vẫn tiếp tục khó lường.

Phương án cuối cùng đưa ra được căn cứ trên các văn bản, thông tư của Bộ GD-ĐT, phù hợp với pháp luật, được đưa lên bàn cân tính toán, cân nhắc sao cho “đảm bảo tính công bằng nhất cho mọi thí sinh”.

Một lãnh đạo Sở GD-ĐT TP tâm sự rằng, chỉ riêng việc đưa ra phương án xét tuyển chuyên làm sao để chọn lọc được các học sinh có tố chất, năng lực phù hợp nhất đã phải tính toán kỹ lắm, thậm chí là “lường trước được dư luận”.

Chính bởi là giải pháp tình thế trong tình hình dịch bệnh, chính bởi sự cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng khi đưa ra phương án, nên hơn 83 ngàn học sinh tham gia vào cuộc xét tuyển lớp 10 năm nay đều được “đặt ngang nhau”. Phương án xét tuyển, cộng điểm khyến khích là không sai, là phù hợp và là giải pháp tốt nhất trong tất cả các giải pháp khi một năm học có quá nhiều biến động, sự khó lường của dịch Covid-19.

Dẫu biết rằng, phụ huynh có cái lý của phụ huynh. Nhưng nếu nhìn thẳng vào thực tế, đối diện với thực tế hiện nay, thì chuyện con em mình rớt, đậu chuyên hay tới đây là NV lớp 10 THPT thường thì có thể buồn đó nhưng cần phải chấp nhận.

Chấp nhận để tìm một giải pháp phù hợp nhất, để các em học sinh tiếp tục tin tưởng vào bản thân mình, thay vì cay cú hay đổ lỗi. Việc chấp nhận đó cũng như cách mà chúng ta đang đối diện, đương đầu và sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh. Đừng để những năng lượng, suy nghĩ tiêu cực của người lớn, đừng vì sự kỳ vọng quá lớn của phụ huynh mà tác động đến tâm lý của học sinh…

Phụ huynh hãy là “điểm tựa” cho các em

Thầy Huỳnh Thanh Phú- Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, Q.10 thừa nhận, ngay khi Sở GD-ĐT TP.HCM công bố điểm chuẩn lớp 10 chuyên, “làn sóng đổ thừa” của nhiều phụ huynh, học sinh đã xuất hiện, cho rằng mức điểm chuẩn tăng vọt năm nay là do công tác đánh giá học sinh ở các quận, huyện không tương đồng. Việc đổ thừa này rất có thể sẽ một lần nữa lặp lại đối với điểm chuẩn lớp 10 THPT thường tới đây.

“Đổ thừa như vậy là hoàn toàn chủ quan. Bởi lẽ, việc đánh giá học sinh ở trường là đánh giá theo năng lực của các em, học ở trường như thế nào thì kiểm tra như vậy. Không thể nói rằng, đề kiểm tra của Q.1 ra khó, còn đề kiểm tra huyện Củ Chi thì dễ nên học sinh ở Q.1 khó lấy điểm cao hơn học sinh ở huyện Củ Chi. Việc so sánh, nhận định này cực kỳ phiến diện, không khoa học, thiếu sự khách quan”, thầy Phú nêu ví dụ.

Chính việc đánh giá học sinh không có sự cách biệt lớn giữa các địa phương, thầy Phú tính toán, mức điểm chuẩn lớp 10 THPT thường năm nay ở các top trường, giữa các vùng ngoại thành- nội thành sẽ không có quá nhiều cách biệt do học sinh thường đặt nguyện vọng theo địa bàn…

Đứng ở góc độ nhà quản lý giáo dục, vị hiệu trưởng này cho rằng, điều nguy hiểm là vì phụ huynh đổ thừa nên sẽ mang tâm lý “cay cú” nếu như con em mình không may rớt nguyện vọng mà các em mơ ước. Chính tâm lý của phụ huynh sẽ tác động đến tâm lý của học sinh, các em sẽ mang theo tâm lý bất mãn bước vào môi trường học tập mới. Trong trường hợp này, phụ huynh hãy bình tĩnh, động viên các em tìm kiếm các ngã rẽ, hướng học tập phù hợp cho con em mình, trao cho các em năng lượng tích cực để các em tiếp tục tự tin phấn đấu trong chặng đường phía trước…

Cùng quan điểm, thầy Ngô Hùng Cường- Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Khai Nguyên, Q.5 nhận định, việc so sánh điểm chuẩn của phương thức xét tuyển và điểm chuẩn của phương thức thi tuyển là không có cơ sở. Điểm số học bạ là kết quả quá trình đánh giá của từng giai đoạn kiến thức trong một năm học, trong khi đó việc thi tuyển lại là sự đánh gía thì lượng kiến thức của của một năm học, thậm chí là cả quá trình THCS.

Mức điểm chuẩn lớp 10 THPT thường giữa các top trường trong năm nay sẽ không quá cách biệt, có thể chỉ dao động từ 1- dưới 2 điểm. Các trường vùng ven, ngoại thành điểm chuẩn cũng sẽ cao, thậm chí không thua kém các trường trong nội thành vì điểm trung bình môn cả năm được đánh giá dựa trên quá trình học tập của học sinh trong từng giai đoạn học tập… Tuy nhiên, do thay đổi phương thức tuyển sinh trong tình hình dịch bệnh nên có thể sẽ có nhiều học sinh không trúng tuyển các NV như ý muốn. Thậm chí, nhiều HSG, đầu tư nhiều sẽ vẫn trượt… trường chuyên, trượt NV1…

“Mọi phương án đưa ra đều có ưu và nhược điểm. Khi học sinh vào đời thì đâu phải lúc nào cũng theo ý mình, nên nếu các em cho rằng việc xét tuyển có không công bằng ở 1 khía cạnh nào đó thì các em cũng phải chấp nhận, nhìn thẳng vào chính mình. Cái chính là các em phải biết quyết tâm và nỗ lực để vượt quá nó chứ không đỗ lỗi cho hoàn cảnh”.

Về phía phụ huynh, thầy Cường cho rằng, thời điểm này, phụ huynh cần phải đồng hành cùng con em mình, ưu tiên số 1 là sức khoẻ. Có những em đặt quyết tâm rất cao, thi vào các trường chuyên, các trường top đầu… nhưng lỡ ko đậu, các em sẽ rất thất vọng. Chỉ có phụ huynh là người gần gũi với các em nhất, động viên các em nên hãy điểm tựa cho các em. Phụ huynh phải là người đả thông tư tưởng của mình trước, không kỳ vọng quá lớn vào các em, cùng các em ngồi xuống để chọn lực một phương án mới tối ưu nhất.

Yến Hoa

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)