Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Dùng chất cấm trong thủy sản: Hám lợi trước mắt, trả giá dài lâu

Tạp Chí Giáo Dục

Những yếu kém về quản lý và việc hám lợi trước mắt của các hộ nuôi trồng đang khiến nhiều doanh nghiệp, nông dân phải trả giá khi nhiều lô hàng xuất khẩu bị đối tác phát hiện có dư lượng kháng sinh. Nguy cơ mất nhiều thị trường xuất khẩu đang hiện hữu.

Hàng trăm đơn hàng bị trả lại liệu có cảnh tỉnh được các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản. Ảnh: PV.
Hàng trăm đơn hàng bị trả lại liệu có cảnh tỉnh được các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản. Ảnh: PV.

Dù là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp, giúp đem về nhiều tỷ USD mỗi năm nhưng theo các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, những yếu kém về quản lý và việc hám lợi trước mắt của các hộ nuôi trồng đang khiến nhiều doanh nghiệp, nông dân phải trả giá khi nhiều lô hàng xuất khẩu bị đối tác phát hiện có dư lượng kháng sinh. Nguy cơ mất nhiều thị trường xuất khẩu đang hiện hữu.

Nhiều lỗ hổng quản lý

Theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, người được mệnh danh là “vua tôm” Việt Nam, từ trước đến nay, tình hình nhiễm dư lượng kháng sinh, chất cấm trong các sản phẩm tôm Việt Nam luôn là vấn đề nóng bỏng.

Theo ông Quang, lỗ hổng lớn  trong việc nuôi trồng thủy sản chính là các dụng cụ, vật tư, thuốc, chế phẩm vi sinh và thức ăn đều phải qua rất nhiều khâu trung gian với mức chiết khấu rất cao ở từng tầng, từng lớp nên các sản phẩm này khi đến tay người nông dân bị đội giá ít nhất 50%, thậm chí có loại thuốc, chế phẩm vi sinh đội giá lên 200%-300%. Cũng do qua nhiều tầng lớp trung gian, nên các chế phẩm này rất khó quản lý về chất lượng. Tình trạng thuốc chữa bệnh cho tôm bị làm giả, làm nhái khá phổ biến. Nhiều hộ nông dân càng dùng nhiều thuốc chữa bệnh, tôm càng chết nhiều.

“Do hệ thống trung gian nhiều tầng, nhiều lớp nên nông dân nhiều khi bị “thổi phồng” các nguy cơ về bệnh của tôm, dẫn đến lạm dụng thuốc kháng sinh để chữa bệnh khiến tôm bị nhiễm kháng sinh với tỷ lệ rất cao dẫn đến không bán được sản phẩm vào các thị trường Nhật Bản, EU, Mỹ”, ông Quang cho hay.

Lỗ hổng lớn khác chính là việc không có một cơ quan nhà nước nào kiểm tra định kỳ và giám sát quá trình nuôi tôm nên tôm chứa kháng sinh vẫn hằng ngày được vô tư chở đến các nhà máy chế biến. Để đảm bảo chất lượng, các nhà máy phải tự sắm thiết bị chuyên dụng kiểm tra dư lượng thuốc với chi phí rất lớn.

Tuy nhiên, để kiểm tra và tìm được số kháng sinh được sử dụng phải mất từ 1 đến 2 ngày. Còn dùng máy Elisa để kiểm tra nhanh thì sau 2-3 tiếng có kết quả nhưng tỷ lệ đúng chỉ đạt 50% so với các dòng máy LC/MS. Trong khi ở Thái Lan, Ấn Độ định kỳ hằng tháng và tôm trước khi thu hoạch, cơ quan nhà nước lấy mẫu tôm nuôi kiểm tra, nếu đạt và không nhiễm kháng sinh, cơ quan nhà nước sẽ cấp giấy phép cho doanh nghiệp chế biến chứng nhận đảm bảo.

Dùng chất cấm trong thủy sản: Hám lợi trước mắt, trả giá dài lâu - ảnh 1
Tình trạng  lạm dụng kháng sinh, sử dụng chất cấm trong nuôi trồng thủy sản khá phổ biến khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại về “cái chết được báo trước” của hàng thủy sản Việt Nam khi xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Phương.

Tự “chặt chân” về lâu dài

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại gia nuôi ếch của TP Cần Thơ, ông Nguyễn Thanh Xuân (trang trại ở Khu vực Tân Quy, phường Trường Lạc, quận Ô Môn) khẳng định nếu muốn “đánh nhanh, rút gọn, kiếm lãi lớn” thì người dân sẽ không chăn nuôi theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) do chi phí đầu tư ban đầu nhiều.

Ước tính nuôi theo mô hình VietGAP, chi phí tăng tuỳ mùa khoảng 2.500 đồng/kg so với nuôi thông thường. Nuôi phổ thông thì tỷ lệ ếch chết rất ít do khi phát hiện bệnh là nông dân mua kháng sinh ngoài chợ về sử dụng. Nuôi theo VietGAP sử dụng ít kháng sinh hơn dẫn đến tỷ lệ hao hụt (ếch chết) tương đối cao, khoảng 20-40%. “Hồi mấy tháng đầu tôi nuôi theo mô hình chăn nuôi sạch, ếch chết la liệt, kinh doanh bị lỗ nặng nhưng tôi vẫn quyết tâm làm. Nuôi trồng thủy sản sạch lợi nhuận không cao bằng nhưng rủi ro về thị trường thì có thể tránh được”, ông Xuân nói.

Tình trạng chích tạp chất, bơm chích Agar, cắm đinh, cắm tăm tre, tăm dừa vào tôm để tăng trọng lượng kéo dài 20 năm nay nhưng đến nay vẫn chưa dẹp mà ngày lại càng trầm trọng hơn, càng khiến chất lượng tôm Việt Nam suy giảm, mất uy tín nghiêm trọng trên thị trường thế giới” 

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản Minh Phú

Đại gia có tiếng trong xuất khẩu cá tra Nguyễn Minh Phương (Trang trại thủy sản Đức Thành khu vực Tân Mỹ, phường Thốt Nốt, TP Cần Thơ) cũng phải thừa nhận, nuôi trồng thủy sản sạch, nói không với chất cấm trong chăn nuôi không phải là việc dễ. Dù là người có tới hơn 10 năm trong nghề cấp giống, nuôi cá tra, ông Phương thừa nhận phải có sự đầu tư và quyết tâm rất lớn mới có thể việc duy trì và phát triển diện tích nuôi thủy sản 30 ha theo quy trình (VietGAP) để đạt được sản lượng xuất khẩu và bán trong nước 6.000 tấn cá tra, hơn 300 tấn cá điêu hồng/năm 2015.

Theo ông Phương, sử dụng thức ăn trộn kháng sinh chỉ tăng thêm chút lợi thế về tăng trưởng. Lợi cho nhà chăn nuôi là rất nhỏ, trong khi cái hại mang lại cho cộng đồng là rất lớn. Chăn nuôi bằng thức ăn không có kháng sinh thì chi phí sẽ cao hơn một chút nhưng mang lại lợi ích lớn hơn cho cộng đồng, nhất là về mặt sức khỏe của con người. Nếu sử dụng nhiều kháng sinh, chất cấm, nguy cơ hàng bị trả về rất lớn.

Về tình trạng sử dụng các loại kháng sinh và chất cấm trong thủy sản, lãnh đạo Minh Phú cho rằng, đây là thực trạng gây nhức nhối. Có một số doanh nghiệp chế biến, vì lợi nhuận trước mắt nên gian lận bằng cách đưa tạp chất vào tôm  dẫn đến tôm bị nhiễm kháng sinh, vi sinh khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu khác đưa hàng sang Nhật Bản phải đối mặt với việc kiểm soát kháng sinh và vi sinh 100% kéo theo chi phí lưu kho, kiểm mẫu bị đội lên rất nhiều.

“Chúng tôi 2 năm nay kiểm soát gắt gao vùng nuôi tôm, lấy mẫu kiểm tra kháng sinh trước khi thu hoạch và giám sát chặt nên khi xuất sang Nhật Bản không có lô nào nhiễm kháng sinh, vi sinh. Tuy nhiên, do bị ảnh hưởng chung của quy định lấy mẫu 100% của Nhật Bản nên chi phí bị đội lên, doanh nghiệp bị thiệt hại lây. Các cơ quan quản lý cần sớm có biện pháp giải quyết tình trạng sử dụng chất cấm trong nuôi trồng thủy sản để cứu bà con nuôi tôm cũng như doanh nghiệp chế biến của Việt Nam trước khi quá muộn”, ông Quang cho hay.               

Số liệu của Bộ NN&PTNT cho thấy, tính từ năm 2014 đến nay đã có gần 32.000 tấn hàng thủy sản xuất khẩu bị trả về. Trong đó, năm 2014 có 159 lô hàng bị phát hiện vi phạm quy định bảo đảm an toàn thực phẩm và 68 lô bị phát hiện vi phạm quy định hóa chất kháng sinh. Riêng 9 tháng đầu năm 2015, có đến 582 lô hàng thủy sản xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt bị 38 nước trả về. Trong đó, thị trường Nhật Bản có 27 lô hàng bị cảnh báo nhiễm hóa chất kháng sinh, tăng 1,28 lần so năm 2014…

Theo TPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)