Ước mơ sẽ chỉ là ước mơ nếu như chúng ta không có quyết tâm (trong ảnh là cảnh thí sinh ôn lại bài trong kỳ thi ĐH, CĐ năm 2011). Ảnh: T.L |
Từ Thanh Chương (Nghệ An), một học sinh THPT bị tật nguyền đôi chân đã gửi tới tôi bức thư đầy cảm động kể về những băn khoăn khi em đeo đuổi một ước mơ bay bổng nhưng hoàn cảnh thực tế thì không được như ý muốn…
Thầy ạ, ước mơ của con là trở thành một nhà báo làm việc trong một tòa soạn dành cho tuổi teen. Và thế là con viết bài gửi các báo thiếu nhi từ khi mới học lớp 3. Đến giờ, sau hơn 9 năm “múa bút”, con đã có khá nhiều bài được đăng trên các báo. Có thể nói con đã có đủ gạch để lát nền cho ngôi nhà ước mơ của mình bằng những kinh nghiệm trong viết lách.
Thế nhưng, cuộc sống nghiệt ngã cũng ghì con sát đất như nhân vật Hộ trong Đời thừa bị bóp nát ước mơ vậy. Nhưng đó không phải là khó khăn về miếng cơm manh áo, mà là vì với đôi chân tật nguyền của mình – con không thể thi vào Học viện Báo chí tuyên truyền và trở thành nhà báo như mong mỏi. Con chợt nhận ra rằng: Không có gì đau đớn hơn khi ta có ước mơ hoài bão, nhưng ta lại biết chắc chắn rằng ta không thể biến nó thành hiện thực!
Sau phút tuyệt vọng ấy, con lại nghĩ sẽ đau đớn hơn nếu mình buông xuôi, từ bỏ đam mê của mình. Và con tiếp tục viết, tiếp tục sáng tác, vui sướng khi thấy tên mình xuất hiện nhiều hơn trên các báo. Mặc dù đã quyết định chuyển sang học khối A để thi vào một trường trái với báo chí (công nghệ thông tin) nhưng con vẫn tham gia các kì thi học sinh giỏi văn, nhiệt huyết với “nghiệp văn”. Nhiều người đã nói với con rằng đừng lãng phí cho việc viết báo, hãy bước qua ao ước một thời để gầy dựng một ước mơ khác. Nhưng con thấy khó quá thầy ơi. Con sợ không viết văn, con sẽ không có đủ sức mạnh để tự tin sống trong cuộc đời nhiều dông bão này. Từ lâu con đã chiêm nghiệm được hai câu thơ của Phùng Quán “Có những phút ngã lòng/ Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”. Mong thầy cho lời khuyên để con có thể chiến thắng trong cuộc thách đố của cuộc đời về niềm nhiệt huyết và đam mê!
Với sự cảm thông sâu sắc tôi đã tâm sự cùng em: Thầy rất xúc động khi đọc thư con. Là một người tật nguyền con đã bước đầu biết vượt lên số phận, tự tìm ra niềm vui với khoảng trời riêng như vậy là quý lắm. Con say sưa gắn mình với văn, với nghiệp viết để rồi ngay từ lớp 3 đã có bài gửi báo. Con tự hào rằng “Con đã có đủ gạch để lát nền cho ngôi nhà ước mơ của mình”. Thầy chia vui cùng con.
Song con nên hiểu: Giữa ước mơ và hiện thực là cả một chặng đường không dễ vượt qua. Ước mơ sẽ chỉ là giấc mơ nếu nó không có điều kiện đủ và quyết tâm lớn. Với con, lòng quyết tâm không thiếu. Song điều kiện để con thực hiện ước mơ trở thành một nhà báo thì quả thật không đơn giản. Con biết rằng báo chí là phương tiện truyền thông gắn liền với thực tế đời sống ở mọi lĩnh vực, mọi nẻo đường đất nước. Nhà báo muốn viết buộc phải đi tận nơi, coi tận mắt, xông xáo có mặt kịp thời ở những điểm nóng để ghi nhận và phản ánh một cách trung thực.
Với điều kiện tật nguyền đôi chân hẳn con biết mình sẽ không đủ sức thực hiện công việc đó. Vì vậy việc không được thi vào học viện báo chí, con phải chấp nhận như một lẽ đương nhiên. Con đừng cực đoan trách đời, trách số phận, trách “cuộc sống nghiệt ngã ghì con sát đất như nhân vật Hộ trong Đời thừa”. Nghĩ vậy vô tình chỉ làm con tan nát cõi lòng, triệt tiêu ý chí niềm tin. Tỉnh táo hơn con sẽ thấy cuộc đời vẫn đang rộng mở chờ đón con phía trước! Vấn đề là con biết tìm cho mình hướng đi thích hợp với điều kiện, năng lực và sở thích của mình. Thi khối A để vào học ngành công nghệ thông tin cũng nên lắm với hoàn cảnh của con. Và con cũng đừng nghĩ rằng như vậy là mình đã “đau đớn” “bước qua ao ước một thời”. Theo thầy, việc trước mắt con vẫn tập trung học để thi khối A cho tốt. Khi đã trở thành cử nhân tin học, có việc làm và thu nhập ổn định, lúc đó con thực hiện ước mơ văn chương cũng chưa muộn. Không ít người đến với mộng ước văn chương bằng đường vòng đấy. Nhà thơ Vũ Quần Phương vốn là một bác sĩ. Nhà thơ Hữu Thỉnh là người lính lái xe tăng. Nhà thơ Đặng Hấn hiện là giảng viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Thuần tốt nghiệp Trường ĐH Kiến trúc. Bản thân thầy cũng đến với văn chương từ bục giảng. Thực tế không mấy ai sống nổi bằng nghề văn. Vì thế bao tâm hồn văn chương tài năng cũng không dám coi đó là nghề, chỉ là nghiệp mà thôi. Hiểu thế con sẽ thấy việc con đã quyết định chuyển sang học khối A nhưng vẫn tham gia các kì thi học sinh giỏi văn, nhiệt huyết với “nghiệp văn” là một quyết định táo bạo nhưng sáng suốt và cần thiết. Bao số phận khiếm khuyết đã lấy văn chương làm cứu cánh. Đúng như Phùng Quán tuyên ngôn “Có những phút ngã lòng/ Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”.
Trong hoàn cảnh của con, khi văn chương đã trở thành máu thịt, việc con vẫn say sưa viết báo (thực ra là viết văn và thơ đăng báo) không những không ảnh hưởng gì đến việc con thi khối A mà còn làm cho con vui hơn, tự tin hơn, đỡ căng thẳng hơn và tất sẽ hiệu quả hơn với con đường mình lựa chọn. Muốn vậy con hãy coi việc viết lách hiện nay như một trò giải trí. Vui mà viết chứ không phải vì danh, vì tiền nhuận bút mà viết. Và con cũng chỉ nên viết những lúc thật có cảm hứng, có điều kiện thời gian. Đứng quá say mê với nó mà quên nghĩa vụ học tập là sẩy cả chì lẫn chài!
NGƯT Nguyễn Ngọc Ký
(Chuyên viên tư vấn tâm lý 1088 TP.HCM)
Bình luận (0)