Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Đừng chết vì rượu độc

Tạp Chí Giáo Dục

Do chạy theo lợi nhuận bất chính, không ít loại rượu được người chế biến pha thêm cồn công nghiệp để giảm giá thành. Chính loại rượu “đặc biệt” này đã gây ngộ độc cho nhiều người, trong đó có nhiều ca tử vong tức tưởi. May mắn sống sót thì nạn nhân cũng phải gánh nặng các di chứng về sau.  

Các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) hỗ trợ điều trị nạn nhân bị ngộ độc methanol ở Lai Châu. Ảnh: I.T

Dư luận đến nay vẫn còn hoang mang về số lượng người ngộ độc và tử vong ở các tỉnh miền núi phía Bắc do uống rượu có chứa chất methanol. Tiêu biểu là vụ ngộ độc rượu tập thể nghiêm trọng ở tỉnh Lai Châu vào ngày 18-2 đã làm 9 người chết và hơn 30 người phải nhập viện cấp cứu.

Độc chất từ rượu methanol

Ngày 18-2-2017 sau khi ăn cỗ ở một đám tang, có hàng chục người ở xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu phải vào BV cấp cứu trong tình trạng chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, yếu cơ. Đáng tiếc hơn có 9 người do ngộ độc rượu quá nặng nên đã tử vong tại nhà và tại BV dù được cứu chữa tận tình. Vụ ngộ độc rượu methanol kinh hoàng ở Lai Châu còn làm cho hơn 120 người khác cũng bị ảnh hưởng chưa kịp lắng xuống thì 10 ngày sau lại có thêm vụ ngộ độc rượu ở Hà Nội làm cho 7 người lâm vào tình trạng nguy kịch. BS.CKII Đặng Thị Xuân – Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai cho biết, trong 7 người bị ngộ độc đang được trung tâm chống độc của BV điều trị có 2 người bị ngộ độc methanol do uống cồn y tế, 5 người còn lại được xác định là ngộ độc methanol do uống phải rượu độc chất pha bởi cồn công nghiệp methanol. Sau khi uống rượu ở quán cơm bình dân nhiều người trong nhóm đã thấy chóng mặt mệt mỏi nhưng sau đó vẫn uống tiếp. Đến sáng hôm sau thì hầu hết mới ngộ độc nặng với triệu chứng đi không vững, mắt mờ yếu dần, không còn cảm nhận rõ về màu sắc như trước. Các BS của trung tâm chẩn đoán, các bệnh nhân đã ngộ độc nặng vì methanol trong máu lên đến 47,6mg/dL dẫn đến hôn mê sâu, ngừng tuần hoàn dù đã cấp cứu ở tuyến dưới.

Trên thực tế, rượu pha methanol giống hệt rượu gạo truyền thống nên hầu như người dùng khó phân biệt nên uống vào mà không biết. Do đó, rượu cồn công nghiệp độc hại dễ dàng qua mặt người tiêu dùng để len lỏi khắp nơi. Ngay biểu hiện say khi uống loại rượu này cũng khá giống với rượu, bia thông thường nên các “đệ tử lưu linh” rất dễ chủ quan chỉ nằm điều trị tại nhà theo phương pháp truyền thống. “Rượu methanol nguy hiểm ở chỗ là phải mất 12 tiếng hoặc sau 1, 2 ngày mới có biểu hiện ngộ độc. Đến khi chất độc đã ngấm vào cơ thể làm cho bệnh nhân hôn mê sâu thì việc cứu chữa vô cùng khó khăn” – BS Mai trao đổi. 

Nên “nói không” với rượu

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, hậu quả mà “sát thủ” methanol gây ra là cực nhanh. Nếu ngộ độc methanol, người uống sẽ bị hôn mê, tụt huyết áp, trụy mạch, mù mắt và tử vong. Không ít người đã chết ngay trên bàn nhậu. Nhiều trường hợp người nhà phát hiện hôn mê, đưa đi BV thì tình trạng cũng đã rất nặng, thường để lại di chứng thần kinh không có cơ hội phục hồi hoặc tử vong sau đó. Tại trung tâm chống độc, các BS cũng đã từng tiếp nhận trường hợp ngộ độc rượu có nồng độ methanol lên đến 687mg/lít nên đã tử vong sau đó. Không ít các ca bệnh thoát chết nhưng di chứng não, mắt rất nặng nề, não căng phù, hoại tử nhân bèo, chảy máu não… Người bệnh tuy được cứu sống nhưng mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Mặc dù các phương tiện truyền thông đại chúng đã liên tục cảnh báo về tình trạng ngộ độc rượu chứa methanol nhưng vẫn còn rất nhiều ông ghiền rượu bị ngộ độc methanol một cách đáng tiếc. Thực tế các “đệ tử lưu linh” chỉ là nạn nhân của tệ “buôn gian bán lận” các loại rượu tự chế trôi nổi ngoài thị trường. Đa số các ca bệnh ngộ độc rượu là rượu trắng không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ do các nhà sản xuất ham lợi nhuận đã pha cồn công nghiệp vào rượu để bán thu lời. Một số người ngộ độc cồn y tế vì lầm tưởng loại cồn này dùng an toàn thì cũng có thể uống được. Đã có trường hợp ngộ độc cồn y tế rất nặng, thậm chí tử vong bởi vì cồn y tế cũng là methanol, chỉ dùng để sát trùng chứ không thể uống.

Theo chuyên gia y tế, nếu như methanol gây ngộ độc cấp, hậu quả nhìn thấy ngay thì rượu ethanol cũng rất nguy hại đối với sức khỏe của con người mang tính chất lâu dài. Rượu ethanol có thể gây nghiện, lâu dài tác động vào hệ thần kinh, tổn thương não, gây xơ gan, viêm tụy, ung thư. Chuyên gia về ung thư cũng cảnh báo rượu có thể dẫn đến các loại ung thư vòm họng, thực quản, dạ dày, gan. Tại các BV hằng năm tiếp nhận người bệnh ở tình trạng loạn thần, hoang tưởng, ảo giác, mất trí nhớ đều liên quan đến rượu.

Đây chính là bài học nhớ đời cho các “đệ tử lưu linh” vốn coi rượu là thú giải sầu vì thế càng ngày càng có nhiều người đã biết “nói không” với các loại rượu. BS Nguyễn Đức Thành – Trưởng khoa Cấp cứu hồi sức BV Quân y 175 cho biết, sau khi uống rượu nếu quá say thì phải tìm cách gây nôn hết, kịp thời uống nhiều nước để không bị mất nước và các tác dụng giải ngộ độc rượu dạng nhẹ. Không nên cho nạn nhân uống những loại vitamin B1, B6, acid folic hoặc thuốc bổ gan để giải độc rượu vì có hại cho gan. Paracetamol, aspirin và một số loại thuốc giảm đau, hạ sốt kích ứng niêm mạc dạ dày, gây chảy máu đường tiêu hóa nếu uống để giải rượu. Các loại thuốc chống ói làm cho chất độc ở lại trong cơ thể lâu ngày sẽ bị xơ gan, ung thư gan. “Trong những trường hợp chưa có biểu hiện cụ thể nhưng nghi ngờ hoặc thực sự biết bệnh nhân đã uống phải methanol thì không được chần chừ mà phải đưa ngay đến cơ sở y tế để xử lý” – BS Thành khuyến cáo.

Nguyễn Hoàng Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)