Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Dùng chiêu khuyến mại siêu rẻ để lừa khách hàng

Tạp Chí Giáo Dục

Những tấm biển quảng cáo bán hàng điện máy với giá siêu rẻ được đặt ngay trước các cửa hiệu kinh doanh nằm dọc tuyến đường Trường Chinh, phường Tân Hưng Thuận, quận 12; đường Âu Cơ, đường Tân Kỳ Tân Quý, quận Tân Phú, TP.HCM khiến nhiều người đã sập bẫy khi mua mặt hàng “trôi nổi” này.

Mặt hàng chính và bán chạy nhất là tivi, đầu đĩa, amply, loa với giá chỉ bằng 1/5 so với giá bán ra tại các siêu thị nên hầu như khách hàng khó nhận biết đâu là giá thật, đâu là giá ảo bởi giá bán cứ lập lờ. Hay một lý do ngắn gọn “hết hàng” rồi người kinh doanh chuyển sang giới thiệu cho người mua lựa chọn mặt hàng khác với giá tận mây xanh. Rất khó để khách hàng kiểm chứng lại giá bán vì tất cả mặt hàng ở đây đều có thương hiệu lạ hoắc, xem như là độc quyền, có một không hai nên mỗi cửa hàng đều có một chiêu thức niêm yết giá khác nhau.

Cụ thể giá bán một chiếc tivi 14inch chỉ có 220 nghìn đồng, bộ loa 270 nghìn đồng, dàn karaoke 5 số với giá trọn bộ chỉ 1.190.000 đồng và được tặng kèm 2 micro… với giá bán này quả thật là rẻ bèo, rất vừa túi tiền của người dân lao động. Tuy nhiên trên thực tế đó chỉ là giá quảng cáo để “hút” khách, chẳng có tivi nào mà 220 nghìn cả. “Bán sỉ cho “lái” là 450 nghìn đồng/tivi 14inch, bán cho khách từ 550 đến 900 nghìn đồng/tivi 14inch, mua hàng này muốn gắn vào hiệu gì cũng được, hiệu nổi tiếng như Sony, Sam sung… thì phải thêm 50 nghìn đồng nữa”- người bán hàng nói.

Giá quảng cáo bán các mặt hàng điện tử tại những điểm kinh doanh

cũng khác nhau.

Tìm hiểu về nguồn gốc, chất lượng và bảo hành thì chúng tôi được người thanh niên bán hàng trạc 25 tuổi nói: Về nguồn gốc anh đừng bận tâm, bởi không thiếu hàng đâu mà sợ. Có mấy trăm ngàn bạc một sản phẩm mà thuê mặt bằng lớn thế này, bảo hành nữa có nước đi ăn xin luôn. Nếu sản phẩm mình bán bị trục trặc thì sửa tính phí hoặc đổi sản phẩm khác bù thêm tiền, khách hàng không từ chối đâu, mà có từ chối cũng chẳng được vì họ đã rơi vào thế kẹt rồi nên tha hồ “xẻ thịt”.

Anh Hồ Văn Tuấn, người có thâm niên và kinh nghiệm trong việc thu mua và phân phối lại các mặt hàng điện tử phế liệu cho các “lò” để tân trang và bán ra ở quận Tân Phú được biết: “Để có một chiếc ti vi đa hiệu (muốn lên đời thương hiệu nổi tiếng nào cũng được) hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn lắm, lấy bóng đèn màn hình từ máy tính hư, cũ với giá 50 đến 80 nghìn đồng cộng với vỏ tivi mới bằng nhựa dao động khoảng 100 ngàn đồng nữa là được chiếc tivi mới bóng loáng, có thể sử dụng được nhưng cũng hên xui”.

Anh Tuấn chia sẻ thêm: Những mặt hàng điện máy khác bán quanh các khu vực này cũng lắp ráp giống như vậy thôi, nói chung là có nơi cung cấp tất tần tật từ A đến Z. Người tiêu dùng dù có thông minh đến mấy nếu bất cẩn, chủ quan thì chắc chắn cũng không thoát khỏi “lưới” kinh doanh này.

Chị Lê Thị Mỹ, một công nhân may mặc tại khu công nghiệp bức xúc nói: “Tiền lương tháng rồi dư một triệu đồng, tiết kiệm mua chiếc tivi 14inch giá 900 ngàn đồng để xem thời sự, nào ngờ sử dụng chưa đầy một tuần tự nhiên bị trở chứng mất tiếng, có lúc thì mất luôn hình. Mang sửa đi sửa lại cả chục lần mà bệnh cũ cứ tái phát hoài. Đổi thì họ nói hết hàng giống hiệu này rồi buộc chờ đợi “nhập” hàng về, còn đổi hàng khác phải bù thêm 300 nghìn nữa. Tôi cũng chấp nhận đổi với yêu cầu đó nhưng lại sợ hư tiếp nên đành ngậm đắng nuốt cay rinh cái tivi bệnh hoạn này về, coi như kém may mắn và là một kinh nghiệm vậy”.

Đây được xem là một cách kinh doanh bán hàng theo kiểu “lừa”, nên người tiêu dùng phải hết sức cẩn thận, cần cân nhắc và xác định thật kỹ nguồn gốc khi chọn mua một sản phẩm cho riêng mình để tránh “tiền mất tật mang”.

Hải Thọ – Lữ Nguyễn

Theo SGGP

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)