Đó là khẳng định của TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐHQG TP.HCM) trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần thứ 14 năm học 2021-2022, tổ chức tại nhiều trường THPT trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh Lâm Đồng, Bến Tre…
Ông Nguyễn Quang Vinh (ĐHQG TP.HCM) đang trao đổi với các em học sinh
Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP.HCM, ĐHQG TP.HCM, Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam (Bộ GD-ĐT) tổ chức, với sự đồng hành của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM và nhiều trường ĐH, CĐ trên địa bàn thành phố.
Học ngành quản trị kinh doanh ra làm gì?
Băn khoăn này được một nam sinh lớp 12 tại tỉnh Lâm Đồng đặt ra cho các chuyên gia trong chương trình tư vấn. Nam sinh này cho hay, bản thân rất quan tâm đến khối ngành kinh tế khi gia đình có truyền thống kinh doanh. Các anh chị trong gia đình đều học ngành quản trị kinh doanh và em cũng được người thân khuyên học ngành này để ra trường phụ giúp gia đình trong công việc kinh doanh. Tuy nhiên, em chưa hiểu học ngành quản trị kinh doanh ra trường làm những công việc gì, ở lĩnh vực nào? Giải đáp băn khoăn này, ông Nguyễn Quang Vinh (ĐHQG TP.HCM) chia sẻ, khối ngành kinh tế bao gồm rất nhiều lĩnh vực khác nhau, như ngân hàng, kế toán, quản trị kinh doanh, kinh tế học, quản lý công… Trong đó, quản trị kinh doanh là ngành tổng hợp nhiều nhóm ngành về kinh tế, với những kiến thức nền tảng về kinh tế, nghiệp vụ doanh nghiệp. “Trong 2 năm đầu, người học sẽ được tiếp cận với kiến thức nền tảng, sau đó đi chuyên sâu vào các lĩnh vực khác như: kinh doanh quốc tế, quản trị doanh nghiệp, marketing, quản trị nguồn nhân lực, tổ chức sự kiện… Thậm chí, logistics cũng có sự giao thoa với quản trị kinh doanh song thiên về phân phối, thương mại điện tử… Học khối ngành kinh tế không chỉ có quản trị kinh doanh mà còn bao gồm nhiều lĩnh vực khác, quan trọng là người học phải tìm hiểu thật kỹ về ngành học, cân nhắc phù hợp với năng lực, sở thích, tính cách của bản thân”, chuyên gia này khuyên.
ThS. Nguyễn Ngọc Thạch (Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn – Tuyển sinh, UEF) tư vấn trong chương trình
Theo các chuyên gia tư vấn, câu chuyện chọn ngành học của nam sinh này không phải là câu chuyện đơn lẻ mà thực tế lại rất phổ biến hiện nay. Trước quan điểm ngành “hot”, trường “hot”, người học thường chọn ngành học theo cảm tính, theo bạn bè, người quen mà chưa thực sự hiểu về ngành học, chương trình đào tạo, vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp…, dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc. TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐHQG TP.HCM) nhấn mạnh: “Để chọn được một ngành học lý tưởng, các em phải căn cứ vào điều mà mình thích, thứ mà mình thực sự giỏi và điều mà xã hội cần. Sự giao thoa giữa những tiêu chí này là ngành học lý tưởng nhất. Đừng chọn ngành học khi chưa có sự tìm hiểu kỹ, không chọn ngành học theo bạn bè, người quen. Trước khi chọn ngành học nào hãy đảm bảo rằng các em thực sự hiểu về ngành học đó”.
Học bổng “khủng” hỗ trợ người học
Năm 2022, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, với mong muốn chia sẻ, nâng đỡ và hỗ trợ thí sinh được học tập ở các ngành, các trường mình yêu thích, nhiều trường ĐH đã xây dựng chính sách học bổng ý nghĩa. Cụ thể, mùa tuyển sinh năm 2022, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành dành nhiều quỹ học bổng chia sẻ khó khăn với sinh viên. Theo đó, mỗi sinh viên nhập học đều được nhận tối thiểu 1 phần học bổng trị giá 4 triệu đồng. Ngoài ra, tùy theo năng lực, sinh viên sẽ nhận được các phần học bổng tương ứng. Đặc biệt, đại diện Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho hay, nhà trường cam kết không tăng học phí, tạo điều kiện giúp sinh viên an tâm học tập. Tương tự, năm 2022, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM (UEF) tiếp tục đồng hành cùng người học thông qua các chương trình học bổng tuyển sinh. Cụ thể, học bổng 100% dành cho thí sinh trúng tuyển vào trường bằng phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 có tổng điểm 3 môn xét tuyển từ 27 điểm trở lên; thí sinh có 29 điểm trở lên đối với phương thức xét học bạ THPT (lớp 12) và học bạ 3 học kỳ; thí sinh có 1.080 điểm trở lên với phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM. Cạnh đó, học bổng tài năng 100% cũng dành cho thí sinh đạt thành tích cao trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, đạt giải trong các lĩnh văn hóa, văn nghệ, thể thao. Riêng học bổng 50% dành cho thí sinh có tổng điểm 3 môn xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT từ 25 đến dưới 27; từ 26,5 đến dưới 29 điểm đối với phương thức xét học bạ THPT (lớp 12) và học bạ 3 học kỳ; từ 960 đến dưới 1.080 điểm với phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM. Còn học bổng 25% dành cho thí sinh có tổng điểm 3 môn xét tuyển từ 22 đến dưới 25 đối với phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT; từ 26,5 đến dưới 29 điểm đối với phương thức xét học bạ THPT (lớp 12) và xét tổng điểm trung bình học bạ 3 học kỳ; từ 840 đến dưới 960 với phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM. Ngoài ra, nhà trường còn dành học bổng cho con em trong ngành giáo dục với giá trị 30% toàn khóa học; học bổng doanh nghiệp cho sinh viên theo học ở một số ngành học… “Tận dụng đa dạng các phương thức xét tuyển và tìm kiếm các chương trình học bổng sẽ giúp người học không chỉ gia tăng khả năng trúng tuyển mà còn “nhẹ gánh” phần nào về kinh tế trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh”, ThS. Nguyễn Ngọc Thạch (Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn – Tuyển sinh, UEF) nhận định.
Bài, ảnh: Yến Hoa
CHƯƠNG TRÌNH LIÊN KẾT QUỐC TẾ Trong chương trình tư vấn, nhiều học sinh có mong muốn đi du học song lo ngại dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Trong trường hợp này, theo các chuyên gia tư vấn, người học có thể lựa chọn học các chương trình liên kết quốc tế, vừa thực hiện được ước mơ du học, vừa hoàn thiện thêm nhiều kỹ năng. “Ưu điểm của chương trình 2+2 đang được đào tạo tại Trung tâm Đào tạo quốc tế – Trường ĐH KHXH&NV là người học sẽ theo học 2 năm ở Việt Nam và 2 năm sau chuyển tiếp sang nước ngoài học. Chương trình đào tạo theo hướng này giúp người học tiết kiệm chi phí, được tiếp xúc với 2 nền giáo dục, khi tốt nghiệp sẽ có vốn kinh nghiệm riêng. Sinh viên tốt nghiệp nhận bằng cử nhân với giá trị quốc tế”, ông Huỳnh Trọng Nghĩa (Trung tâm Đào tạo quốc tế – Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM) cho biết. Tương tự, bà Trần Ngọc Hân (Viện ISB) đưa lời khuyên với những học sinh có nguyện vọng du học song còn băn khoăn do dịch bệnh có thể tham khảo các chương trình liên kết quốc tế, chuyển tiếp quốc tế để tiếp cận chương trình học quốc tế mà vừa đảm bảo mức chi phí mềm phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh. |
Bình luận (0)