Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Đừng chủ quan với triệu chứng ho

Tạp Chí Giáo Dục

Mùa đông thời tiết lạnh là nguyên nhân dẫn đến các bệnh đường hô hấp gia tăng, trong đó có triệu chứng ho. Triệu chứng này gây nhiều phiền toái cho bệnh nhân, cả người lớn lẫn trẻ em nên đừng chủ quan, xem thường nó.

Ho nhiều vào mùa lạnh

Đừng chủ quan với triệu chứng ho ở trẻ (ảnh minh họa).   Ảnh: I.T
Vào mùa đông, triệu chứng ho thường xuất hiện rất nhiều loại như ho rát cả họng, đau cổ, ho sù sụ, ho khản cả tiếng, ho khò khè… nhưng hay gặp nhất là ho khan và ho đàm (đờm), nguyên nhân là do viêm họng cấp. Ho khan thường gây ngứa họng và không có đờm, loại ho này có thể gây khàn giọng hoặc mất giọng. Ho khan thường là do hít phải những mẩu vụn thực phẩm hoặc hít phải các loại khói bụi gây kích thích như khói thuốc, khói than, mùi hóa chất, hoặc có thể phản ứng của cơ thể khi thời tiết thay đổi đột ngột. Ho khan có thể là do tình trạng mới nhiễm vi-rút, do cúm hay cảm lạnh, có thể là triệu chứng của các nguyên nhân khác như hen phế quản, trào ngược dạ dày, thực quản, suy tim. Bệnh nhân ho khan thường vẫn cảm thấy khỏe mạnh, không có cảm giác nặng ngực và khó thở. Ho có đờm có đặc trưng là nặng ngực và cơn ho thường khạc ra chất nhầy và đờm. Bệnh nhân có cảm giác ngẹt thở và khó thở, thường làm cho người bệnh mệt lả. Các triệu chứng thường tăng lên khi đi bộ và nói chuyện. Bệnh nhân ho nên uống nhiều nước mỗi ngày, tránh ở môi trường khô và lạnh (nhất là điều hòa), tránh các yếu tố gây kích thích như khói thuốc, khói than, bụi, mùi khí lạ, ăn uống đồ quá nóng gây kích thích vòm họng, giữ ấm cổ, ngực. Nên dùng xông hơi nóng, có tinh dầu bạc hà, khuynh diệp, hít ngửi hơi nóng sẽ giúp làm loãng chất nhầy, chất đờm đặc giúp họ khạc ra đờm dễ dàng hơn. Nên nghỉ ngơi nhiều, ăn hoa quả, uống nước cam, chanh, ăn tỏi, hành, hẹ để hỗ trợ thêm. Thuốc đặc trị chữa ho khan có: codein, eucalyptine, dextromethorphan, pholcodine, calyptin, chericof, Neo-Codion… Thuốc ho có đờm: Mucomyst, Mucusan, Rinathiol promethafine, Terpicod, Terpin hydrat… Thông thường, mỗi đợt điều trị chỉ nên dùng từ 3 đến 5 ngày để tránh “nhờn thuốc”. Tuy nhiên, thuốc ho phải dùng với liều lượng tối thiểu, cần dùng đúng liều cho trẻ em, người cao tuổi, phải phối hợp với điều trị bệnh chính, không được tự ý dùng một cách tùy tiện. Nếu các triệu chứng ho này kéo dài hơn 1 tháng, điều trị bằng thuốc không giảm, có kèm theo sốt, ho ra máu, thở nông hoặc đau ngực khi ho hay đối với các bệnh nhân có tiền sử hen, lao phổi, huyết áp tăng, đau dạ dày, sụt cân nhiều nên đến bác sĩ tìm nguyên nhân để điều trị tận gốc như: hen, viêm phế quản mạn, suy tim sung huyết, viêm phổi, lao phổi, viêm họng, viêm amidan, ung thư phổi…
Viêm phế quản mãn tính
Nếu thường bị ho vào những mùa lạnhtrong năm, kéo dài mấy tháng liền, rất rát cổ họng thì có thể nghĩ đến bệnh viêm phế quản mãn tính. Về mặt dịch tễ học: một người được cho là bị viêm phế quản mãn tính nếu ho và khạc đờm dai dẳng mỗi năm ít nhất trong 3 tháng, và kéo dài ít nhất trong hai năm liền; nguyên nhân chủ yếu do nghiện thuốc lá, ngoài ra còn do ô nhiễm môi trường ở thành thị, hoặc do thời tiết. Đầu tiên bệnh mới ở giai đoạn thiểu năng thông khí, chưa có rối loạn các khí trong máu. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh tiến triển đến suy hô hấp mãn tính, với thiếu ôxi máu, rồi kết hợp với ưu thán, sau có tăng áp lực động mạch phổi, cuối cùng là bệnh tim – phổi mãn tính với suy tâm thất phải. Bệnh nhân thường tử vong do suy hô hấp cấp thứ phát sau bội nhiễm phế quản, do tắc động mạch phổi hoặc do suy tim (phải).
Phát hiện và chữa sớm ở giai đoạn mới có thiểu năng thông khí, bệnh có khả năng ổn định và cải thiện tốt về mặt cơ năng, làm việc được lâu dài. Trước hết phải cai nghiện hẳn thuốc lá vì bệnh không thể tiến triển tốt nếu bệnh nhân còn hút thuốc. Đồng thời, tránh nơi ô nhiễm môi trường, thay đổi không khí đến vùng nóng và khô ráo thì rất tốt. Vận động liệu pháp hô hấp để làm dễ khạc đờm, tăng dung lượng thở. Nên nhờ một chuyên gia lý liệu pháp hướng dẫn trước khi tự làm tại nhà. Cho thuốc dãn phế quản: Theophybline chậm hay khí dung Ventoline. Điều trị mạnh, sớm và đủ lâu các đợt nhiễm trùng (bội nhiễm) bằng kháng sinh thích hợp: Clamoxyl, Erythromycine. Không nên điều trị dự phòng kháng sinh về mùa đông vì vô ích (không chữa bao vây) mà còn có hại vì gây kháng thuốc. Nếu có điều trị nên tiêm phòng mắc cúm trước mùa đông và chủng phòng vi trùng về mùa thu.
BS. NGUYỄN VĂN TIẾN
(Trưởng khoa Tai mũi họng Bệnh viện 175 –TP.HCM)

Bình luận (0)