Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Đừng cố chịu đau

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Tuy rất đau đớn nhưng một phần vì hoàn cảnh kinh tế, một phần vì chủ quan, không ít người đã bỏ qua những triệu chứng của cơ thể, dẫn đến việc nhiều khi chịu hậu quả đáng tiếc.
22 năm làm nghề phẫu thuật tim, TS Dương Đức Hùng, trưởng đơn vị phẫu thuật tim mạch (Viện Tim mạch quốc gia), lần đầu tiên tiếp nhận và cứu một bệnh nhân đã bị vỡ một phần tim từ 19 năm nay.
Ca mổ cho bệnh nhân đặc biệt V.Đ.L. Ảnh: Thúy Anh.
Vỡ tim 19 năm vẫn sống!
Bệnh nhân là V.Đ.L., 21 tuổi ở Thanh Hóa, nhập viện trong tình trạng đau tức ngực, khó thở kéo dài, một tháng trở lại đây bệnh nhân có những cơn tức ngực, khó thở đến mức không thể chịu đựng, phải đi Bệnh viện tỉnh Thanh Hóa, từ đó được chuyển tuyến lên Viện Tim mạch quốc gia.
Khai thác tiền sử, gia đình bệnh nhân cho hay năm L. 2 tuổi bị trâu húc khi đang chơi ở sân nhà. Từ đó, bệnh nhân vẫn lớn lên, đi học, đi làm bình thường, ngoại trừ những cơn đau tức ngực thỉnh thoảng xuất hiện. Từ một tháng trở lại đây thì đau nhiều, cơn đau xuất hiện dồn dập.
Qua chụp X-quang, các bác sĩ phát hiện quả tim của L. phình to bất thường và nghĩ đến việc bệnh nhân có khối u, nhưng siêu âm tim sau đó cho thấy quả tim của bệnh nhân bị đẩy hoàn toàn sang bên phải 15cm so với vị trí thông thường, bị bao phủ bởi một khối máu và dịch, khiến kích thước to gấp ba bình thường.
TS Hùng cho biết 22 năm làm nghề phẫu thuật tim mạch, đây là lần đầu tiên ông gặp bệnh nhân sống sót sau 19 năm bị… vỡ tim. Lý do TS Hùng gọi đây là trường hợp bị vỡ tim mà không phải là giập tim, vì phần bị vỡ xuyên hết bề dày của quả tim chứ không phải bị giập một phần.
Máu và dịch từ phần tim bị vỡ đã tạo thành một khối phình giả ngày càng to, đến khi thực hiện phẫu thuật đã to gấp ba lần bình thường. TS Hùng cho hay từng có nhiều trường hợp vỡ tim, nhưng đây là loại chấn thương phải cấp cứu, điều trị ngay nếu không bệnh nhân sẽ tử vong. Trong khi bệnh nhân L. chấn thương cách đây đã 19 năm!
Không nên chủ quan
Cách đây một tháng, bà Đ.T.H., 65 tuổi ở Yên Phong, Bắc Ninh vào Viện 108 trong tình trạng liệt nửa người, miệng méo, nói khó khăn. Bà H. có tiền sử cao huyết áp, gần đây hay nhức đầu nhưng bà chủ quan uống thuốc hạ huyết áp, giảm nhức đầu chứ không đi bệnh viện. Đầu tháng 11, bà lên cơn tai biến khi đang nấu cơm trưa và từ đó liệt nửa người, không đi lại được.
Theo TS Hùng, các chấn thương nội tạng biểu hiện không rõ ràng, nhưng bệnh nhân thỉnh thoảng có cơn đau là đã có bất thường, gia đình nên cho bệnh nhân đi khám bệnh, tránh những trường hợp đáng tiếc. Trong khi đó, một nam thanh niên 27 tuổi (sống tại Hà Nội) cũng chủ quan bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo của cơ thể. Đến khi đi khám ở một phòng khám thì mới phát hiện bị ung thư đại tràng và không thể cứu chữa.
Trở lại trường hợp của bệnh nhân L., đến chiều 8-12, một ngày sau ca mổ, tiến triển sức khỏe của bệnh nhân đã khá tốt. Bệnh nhân đã tỉnh táo và được rút nội khí quản, tiến triển sức khỏe rất khả quan. Tuy nhiên các bác sĩ đánh giá thương tổn ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe bệnh nhân, bởi L. 21 tuổi nhưng tầm vóc chỉ như một thiếu niên 15 tuổi.
Theo Lan An
Tuổi trẻ

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)