Cuộc đua vào ĐH ở đợt xét tuyển bổ sung với áp lực số lượng ngành hẹp, chỉ tiêu ít đặt thí sinh trước việc phải lựa chọn học ngành mình đủ điều kiện trúng tuyển nhưng không thực sự yêu thích, hoặc chuyển hướng sang học ngành yêu thích nhưng ở bậc thấp hơn như CĐ, TC?
Việc học ngành không yêu thích ở bậc ĐH có thể khiến sinh viên thiếu động lực phấn đấu học tập
Đây là câu hỏi không mới nhưng luôn cần thiết với mỗi “lứa” thí sinh trước ngưỡng cửa chọn nghề nghiệp vào đời. Mỗi lựa chọn đều là bắt đầu cho dự án dài hơi của toàn bộ cuộc sống sau này, buộc các em phải cân nhắc thật kỹ.
Hiện nay, hàng chục trường ĐH đã công bố kết quả đợt xét tuyển bổ sung đầu, hướng dẫn thí sinh thủ tục nhập học. Nhiều thí sinh đã trúng tuyển, hẳn nhiên trong đó cũng có những em đậu vào một số ngành mình không thực sự yêu thích. Lý do dễ thấy là thông thường ở đợt xét đầu tiên, thí sinh thường dồn sự ưu tiên vào những ngành mình yêu thích nhất nhưng lại không may thiếu điểm trúng tuyển. Đến đợt xét bổ sung, số lượng ngành còn xét đã thu hẹp lại, những ngành có sức hút thậm chí đã “chốt sổ”, buộc thí sinh phải cân nhắc lựa chọn sang những ngành khác. Sẽ là may mắn nếu các em được trúng tuyển vào ngành gần với ngành mình từng yêu thích nhưng không đậu ở đợt 1. Trong trường hợp đậu vào một ngành quá xa với nguyện vọng ban đầu vì phù hợp với điểm số, thí sinh có thể sẽ đối mặt với rất nhiều rủi ro. TS. Trần Đình Lý (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM) chỉ ra nhiều rủi ro khi người học liều mình chọn vào một ngành không thật sự có lòng yêu thích. Đó là việc chây lười học hành, chán nản do ngồi nhầm chỗ hay ngồi một năm rồi quyết định làm lại từ đầu. Đặc biệt, ngay cả trong trường hợp nếu các em có tốt nghiệp thì khả năng không theo nghề rất cao, đó là chưa kể các em còn có thể bị đào thải khỏi nghề vì thiếu đam mê dẫn đến thái độ làm việc không tốt. Chính vì vậy, TS. Trần Đình Lý khuyên thí sinh, nếu năng lực chưa tới thì không nên bằng mọi giá phải đậu ĐH vào ngành không phù hợp sở trường, sở thích. Các em cần cân nhắc giữa việc chọn ngành phù hợp ở bậc học thấp hơn hay là ngành học không phù hợp ở bậc ĐH.
Bên cạnh đó, TS. Trần Đình Lý cũng nêu ra một lý do khiến thí sinh trượt đợt xét tuyển đầu một cách đáng tiếc là có những em điểm thi rất cao nhưng chỉ đăng ký 1-2 ngành phù hợp có điểm chuẩn rất cao ở trường tốp đầu. Nếu các em chọn thêm một vài nguyện vọng là ngành phù hợp của trường tốp giữa thì chắc chắn không rơi vào tình huống khó khăn phải tham gia xét tuyển bổ sung. Bởi vì thực tế, tới giai đoạn xét bổ sung, các ngành phù hợp với các em ở nhóm trường tốp giữa, thậm chí tốp dưới cũng không còn.
Đồng quan điểm, đại diện một trường TC tại TP.HCM cũng cho rằng việc vào ĐH đúng ngành nghề yêu thích là điều rất tốt, cho các bạn trẻ nền tảng vững chắc hơn để theo nghề, vượt qua những “sóng gió” của nghề. Tuy nhiên, nếu vì không đủ điều kiện để vào ngành yêu thích mà phải chọn một ngành ở bậc ĐH trong khi bản thân thiếu sự đam mê thì chẳng những gây tác hại cho chính bản thân các em mà còn ảnh hưởng đến thị trường lao động trong tương lai. Với thị trường mở hiện nay, các em có thể lựa chọn học nghề theo đúng đam mê của mình nhưng khởi đầu ở bậc học thấp hơn như CĐ, TC. Dù học CĐ, TC nhưng biết tập trung đầu tư phát triển chuyên môn vững thì cơ hội việc làm luôn rộng mở. Hoàn thành bậc CĐ, TC với ngành yêu thích, các em có thể học liên thông lên đúng với chuyên ngành này để thực hiện giấc mơ ĐH. Theo đại diện này, có thể phải đi đường vòng nhưng điều này là xứng đáng với những thí sinh có đam mê với nghề nghiệp đã chọn vì chí ít, lòng đam mê đó sẽ bảo đảm cho các em không bỏ nghề giữa chừng. Các trường CĐ, TC thường tuyển sinh thành nhiều đợt quanh năm, do vậy, nếu các em còn phân vân khi đã trúng tuyển nguyện vọng bổ sung nhưng vào ngành không thực sự mặn mà theo học vẫn có thể chuyển hướng xét vào các trường CĐ, TC.
Việt Ngân
Bình luận (0)