Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đừng coi nhẹ học kỹ năng sống

Tạp Chí Giáo Dục

Câu chuyện xảy ra tại một công ty phát hành sách. Khi tôi đến thăm người anh làm giám đốc, tôi nhìn quanh không thấy em H., một nhân viên mới tuyển vào tháng trước, nên hỏi anh: “Cậu ấy đâu rồi?”. Anh trả lời là đã cho cậu ta nghỉ vì thái độ đối với công việc được giao chưa tốt.

Tôi ngạc nhiên vì H. là một kỹ sư tin học tốt nghiệp loại xuất sắc mới ra trường. Không lẽ công việc ở công ty đòi hỏi… mức độ cao hơn hay sao mà H. không đáp ứng được yêu cầu công việc? Tôi liền đem thắc mắc của mình hỏi thì anh cười lớn và bảo: “Công việc ở đây đâu có gì khó so với trình độ cậu ta. Nhưng một số công việc được phân công thì cậu ta luôn tỏ ra lúng túng, không tự xử lý, giải quyết một mình được và đòi phải có thêm người nữa cùng đi mới làm”. Nghe anh kể lại mà tôi thấy tiếc cho H., bởi vì từ nhỏ đến lớn, gia đình chỉ bắt cậu học và học, không tiếp xúc bạn bè, không tham gia nhóm học tập nào cả mà mời gia sư đến tận nhà dạy. Ngay cả chuyện ăn sáng, khi đã tốt nghiệp ra trường đang ở nhà chờ xin việc, mẹ cậu cũng phải mua đưa đến tận tay. Tất cả mọi việc trong nhà, cậu không bao giờ đụng tay tới để gọi là giúp đỡ gia đình. Địa bàn thành phố (thuộc tỉnh) không lớn nhưng H. cũng chẳng biết các cơ quan liên quan đến công việc nằm ở đâu. Lần ấy, giám đốc kêu H. chạy qua Ủy ban phường chỉ cách công ty khoảng 300m mà cậu ta cứ hỏi tới hỏi lui là “Ủy ban phường nằm ở đường nào; quẹo trái hay quẹo phải; vô đó rồi gặp ai; gặp rồi nói như thế nào…”. Hoặc một lần được phân công về một huyện trong tỉnh ráp máy tính, H. không biết huyện đó ở hướng nào; Phòng giáo dục của huyện ở đâu… Khi ấy, giám đốc mới nói là “đường ở nơi miệng mình”, cứ đi đến đâu thì hỏi đến đó, người ta sẽ chỉ đường cho đi.

H. là con nhà khá giả, ba mẹ cưng chiều và “úm” rất kỹ từ lớp 1 cho đến lớp 12, cũng như khi vào học ĐH. Hậu quả là cậu tuy học giỏi nhưng kiến thức thực tế, kỹ năng sống, cách cư xử rất yếu. Vì vậy, dù công ty thiếu người làm nhưng giám đốc cũng buộc lòng cho H. nghỉ (đang trong thời gian hợp đồng thử việc). Thương con có nhiều cách nhưng kiểu thương con thế này là hại con. Nếu lúc nhỏ, H. được tiếp xúc với nhiều bạn bè, tham gia các hoạt động của lớp, của trường… thì chắc chắn em sẽ có một vốn sống nhất định để khi bước vào đời khỏi lúng túng và biết cách khắc phục những yếu kém của mình. Đây cũng là lỗi một phần của chương trình giáo dục, còn nặng về dạy chữ mà coi nhẹ việc dạy các em làm người.

Hoàng Sa Vit

Bình luận (0)