Để góp phần hạn chế tình trạng vượt đèn đỏ tại các ngã ba, ngã tư, em Trần Doãn Thuyên và Phạm Xuân Trí (sinh viên năm 2, Khoa Khoa học máy tính, Trường ĐH Công nghệ thông tin – ĐHQG TP.HCM) đã xây dựng “Hệ thống phát hiện vi phạm vượt đèn đỏ bằng việc áp dụng AI (trí tuệ nhân tạo) trên dữ liệu thu được từ camera giám sát”.
Xuân Trí (bìa trái) cùng Doãn Thuyên trong Cuộc thi “Ứng dụng công nghệ số trong tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông”
Đề tài vừa đoạt giải ba (lĩnh vực sản phẩm ứng dụng) trong cuộc thi “Ứng dụng công nghệ số trong tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông” do Bộ KH-CN phối hợp cùng Trung tâm Phát triển Khoa học Công nghệ Trẻ, Thành đoàn TP.HCM tổ chức.
Ứng dụng AI phát triển giao thông TP
Để xây dựng TP.HCM trở thành khu đô thị thông minh, hiện đại, có chất lượng sống tốt thì giao thông là một trong những tiêu chí quan trọng giúp TP hoàn thành mục tiêu. Với mong muốn đem kiến thức đã được học từ trường, lớp ứng dụng vào thực tế, chung tay xây dựng TP, Xuân Trí và Doãn Thuyên đã cùng nhau nghiên cứu và xây dựng “Hệ thống phát hiện vi phạm vượt đèn đỏ bằng việc áp dụng AI trên dữ liệu thu được từ camera giám sát”.
Chia sẻ về ý tưởng này, Xuân Trí cho biết, hiện nay AI đã xuất hiện xung quanh cuộc sống chúng ta. AI mang đến rất nhiều lợi ích mà đôi khi con người khó làm được, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông. Tình trạng vượt đèn đỏ tại các ngã ba, ngã tư vẫn diễn ra hằng ngày. Dù cảnh sát giao thông đã ra sức kiểm tra, xử phạt, một số tuyến đường có gắn camera để dễ xử lý vi phạm nhưng vẫn chưa giải quyết triệt để, gây ra nhiều vụ tai nạn thương tâm. “Em nghĩ, khi mình ứng dụng AI sẽ giải quyết được tình trạng đó” – Xuân Trí nhấn mạnh.
Để thực hiện đề tài này, Xuân Trí và Doãn Thuyên phải nhờ sự hướng dẫn từ ThS. Đỗ Văn Tiến, giảng viên Bộ môn tính toán đa phương tiện, Khoa Khoa học máy tính trong trường. Bên cạnh đó, hai em cũng tự tìm tòi, nghiên cứu qua sách vở, internet để có được hướng đi riêng biệt, không bị trùng lặp với những đề tài mà người đi trước đã làm.
“Nếu có cơ hội nâng cấp sản phẩm, chúng em sẽ phát triển thêm để các thông tin vi phạm có thể gửi về người vi phạm qua điện thoại. Cùng với đó là tìm thêm dữ liệu để cải thiện hệ thống, phục vụ xác định đối tượng vi phạm giao thông một cách hiệu quả nhất” – Xuân Trí cho biết. |
Trải qua một quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, “Hệ thống phát hiện vi phạm vượt đèn đỏ bằng việc áp dụng AI trên dữ liệu thu được từ camera giám sát” của Xuân Trí và Doãn Thuyên đã hoàn thành. Khi đưa ra thực tế thử nghiệm, sản phẩm cho ra kết quả ấn tượng khi xác định được các loại phương tiện trong hình ảnh và số lượng cụ thể. Đếm phương tiện giao thông có dữ liệu đầu vào là hình ảnh/video, đầu ra là số lượng phương tiện xuất hiện được giới hạn bằng một vùng quan tâm cho trước. Bên cạnh phục vụ cho việc sử dụng để xử phạt hành chính người vi phạm giao thông như các hệ thống hiện có, nhóm nghiên cứu còn đề xuất sử dụng các thiết bị dùng để hiển thị hành vi vi phạm giao thông bằng cách kết nối với các thiết bị như màn led có sẵn nhằm mục đích nâng cao ý thức chung cho người tham gia giao thông.
Dễ tìm kiếm đối tượng vi phạm
Có được kết quả trên, Xuân Trí và Doãn Thuyên phải đếm nhiều loại xe, số lượng xe trên một khung hình lớn. Ngoài ra, hai em còn kết hợp nhiều bài toán như phát hiện đối tượng và theo vết đối tượng để tìm ra đối tượng vi phạm vượt đèn đỏ. “Trong thực tế đã có nhiều dự án tương tự, sử dụng AI để giải quyết vấn đề giao thông. Riêng dự án của chúng em hướng đến việc nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Nếu ứng dụng vào thực tế sẽ giúp mọi người nhận thức sự quan trọng của việc tuân thủ luật, từ đó giảm thiểu số vụ tai nạn” – Doãn Thuyên kỳ vọng.
Trong quá trình thực hiện đề tài, Xuân Trí và Doãn Thuyên gặp không ít khó khăn. Khó khăn thứ nhất là việc phân bố thời gian hợp lý để vừa hoàn thành đề tài vừa hoàn thành chương trình học ở trường. Thứ hai là vấn đề tìm thông tin, tài liệu… Tuy nhiên, bằng quyết tâm cùng với sự hỗ trợ từ thầy cô, bạn bè, cuối cùng hai em đã vượt qua khó khăn, hoàn thành đề tài như mục tiêu đề ra ban đầu.
Nhóm nghiên cứu cho biết, “Hệ thống phát hiện vi phạm vượt đèn đỏ bằng việc áp dụng AI trên dữ liệu thu được từ camera giám sát” là đề tài đầu tiên mà hai em phối hợp thực hiện. Dù không đạt được thành tích cao nhất trong cuộc thi nhưng đây sẽ là nền tảng để cả hai tiếp tục nghiên cứu và nâng cấp để đề tài hoàn thiện, có thể thể ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống. Từ đó, giải quyết được phần nào tai nạn giao thông – vấn đề đang được quan tâm hiện nay. Lớn hơn nữa là góp phần phát triển giao thông thông minh tại TP mà mình đang sinh sống và học tập.
Bài, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)