Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Dụng cụ cho một tiết dạy toán hiệu quả

Tạp Chí Giáo Dục

HS lớp 1/3 tham gia trò chơi trong giờ học toán

Tiết thao giảng Trừ các số tròn chục tại lớp 1/3 của giáo viên Trần Thanh Thúy – Trường Tiểu học Thực hành sư phạm Phan Đình Phùng (quận 3) là một hoạt động chuyên môn nhằm lấy ý kiến đóng góp từ phía người dự giờ để hoàn thiện hơn kiến thức và phương pháp dạy tích cực.
Những đồ dùng dạy học thiết thực
Mục tiêu mà giáo viên xác định cho tiết dạy này là giúp HS biết làm phép tính trừ 2 số tròn chục trong phạm vi 100. Sau đó giáo viên “dẫn đường” cho các em thực hiện phép tính trên cơ sở biết đặt tính. Thông qua kiến thức được truyền thụ, HS sẽ được trang bị thêm kỹ năng nhẩm nhanh kết quả các phép trừ số tròn chục trong phạm vi 100. Với HS tiểu học nhất là lớp 1, giáo viên cũng cần chút “gia vị” nào đó làm cho không khí giờ học sôi động, hào hứng để tiết học “mở màn” tốt đẹp. Cho nên bài hát khởi động ngay đầu giờ học đã trở thành “người dẫn đường” cho cả lớp đi vào “kho báu” tri thức một cách nhẹ nhàng hơn. Ở phần kiểm tra bài cũ, 8 con cá kết với 8 quả bóng ở 2 cột đã trở thành hình ảnh trực quan sinh động trong trò chơi Cá heo làm xiếc giúp các em “hồi tưởng” lại kiến thức một cách dễ dàng và chính xác.
Ở hoạt động 1, thông qua thao tác tách 2 thẻ chục từ 5 thẻ que tính cô giáo hướng dẫn từng HS cách đặt tính và thực hiện phép toán. Khi cả lớp tìm được đáp số 3 thẻ chục que tính thì các em đã xây đắp kiến thức mới ngay trên lớp học. Tuy là một phép tính đơn giản nhưng các em rất phấn khởi vì đã “vén mở được bức màn bí mật” của kiến thức phổ thông. Sức hấp dẫn của tiết học không phải ở những con số mà nằm trong hành trang đồ dùng dạy học như bông hoa, hình tròn, tam giác, bảng gài, que tính nhiều màu sắc khác nhau… Một tiết học chỉ có bảng đen và viên phấn trắng đơn điệu từ nhiều năm qua đã được thay thế bằng các đồ dùng, phương tiện sinh động qua các “trò chơi” tính toán trên bảng.
Ngay trong phần luyện tập, giáo viên cũng không sử dụng phương pháp đàm thoại bằng lời mà thông qua các trò chơi như Đố bạn, thảo luận nhóm để thực hành các phép tính mà các em vừa mới “nạp liệu” trước đó. Cuối bài học, phần củng cố cũng được giáo viên vận dụng trò chơi Tiếp sức để có thêm lực hút cho các nhóm. Ngoài việc huy động “năng lượng kiến thức” của cả lớp, hình thức này còn giúp các em mạnh dạn, chủ động và tự tin hơn. Những ý kiến nhận xét lẫn nhau của các em thay cho đánh giá của giáo viên cũng không ngoài mục đích biến người học thành nhân vật trung tâm bên cạnh vai trò người thầy nhằm phát huy tính tích cực của học sinh.
Vài “lỗ khuyết” nhìn thấy
Đóng góp về tiết học, cô Diễm Thi – giáo viên Trường TH Kỳ Đồng nói: “Tiết học nhẹ nhàng, sinh động đảm bảo được kiến thức cơ bản bộ môn toán, giờ dạy diễn ra tự nhiên như không có người dự”. Cô Thu Hương, giáo viên Trường TH Trần Quang Diệu sau khi dự giờ đã có chút tủi thân vì “HS lớp tôi nhút nhát hơn nhiều, ít chịu phát biểu, nếu đứng lên nói thì cũng không thành câu, thành lời như các em ở đây”. Trong phần rút kinh nghiệm, nhiều ý kiến tập trung về các đồ dùng dạy học trên lớp nhưng khen nhiều hơn chê vì đồ dùng dạy học phong phú, gọn nhẹ rất thiết thực cho từng hoạt động chứ không mang tính hình thức phô diễn (ý kiến của giáo viên Trường TH Nguyễn Thái Sơn, Lương Định Của…).
Mặc dù giáo viên giải thích việc phát các viên kẹo mút cho các nhóm là để thưởng công nhưng nhiều giáo viên dự giờ tỏ vẻ chưa đồng tình vì làm như thế không phù hợp với đối tượng và sẽ ảnh hưởng đến tiến độ giờ học nếu các em bóc ra “nhâm nhi” tại chỗ. Cũng có vài ý kiến đưa ra tranh luận: “Chục có khác mười không? Nếu khác thì khác chỗ nào?”. Tuy giáo viên có giải đáp (hai mươi là 2 chục và 0 đơn vị) nhưng hình như câu trả lời vẫn chưa làm thỏa mãn người thắc mắc. Thực tế còn cho thấy ở phương ngữ miền Tây Nam bộ một chục có khi 12, 16 hoặc 18 đơn vị (đếm lượng trái cây) vì thế nên chăng cần “mở ngoặc” cho HS biết những chỗ này.
Thầy Cao Xuân Hùng – chuyên viên Phòng GD-ĐT quận 3 đề xướng: “Tiết học nhằm mục đích góp ý bổ sung chuẩn kiến thức phù hợp với đối tượng chứ không phải áp đặt thành một giờ dạy hình mẫu để làm theo” nên các ý kiến đưa ra thật sự chân thành, khách quan giúp cho người dạy và người dự “cộng” thêm nhiều kinh nghiệm quý và “lấp” đi vài lỗ khuyết thường mắc phải trong giờ dạy toán lớp 1.
Phan Ngọc Quang

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)