Người ta ví trẻ con như trang giấy trắng, quả không sai. Trang giấy trắng ấy có thể được viết lên những dòng chữ nắn nót rất đẹp hay được vẽ lên những bức tranh đầy sắc màu yêu thương. Và trang giấy trắng cũng có thể bị viết lên bởi những dòng chữ cẩu thả, nguệch ngoạc khó đọc hay bị vẽ lên những bức tranh xấu xí khó coi…
Theo tác giả, cha mẹ và thầy cô hãy là người bạn tâm tình cùng trẻ trong quá trình các em nói lên ước mơ của mình. Ảnh: T.Tri
Trang giấy trắng ấy có giá trị, đẹp hay xấu đều phụ thuộc vào người dùng. Bởi vậy, những đứa trẻ lớn lên như thế nào đều ảnh hưởng rất nhiều yếu tố từ người lớn, nhất là cha mẹ và thầy cô. Ở bài viết này, tôi chỉ bàn tới một khía cạnh, đó là ước mơ của trẻ nhỏ.
1. Về phương diện gia đình. Ngay từ khi con tròn một tuổi, trong buổi sinh nhật (tiệc thôi nôi) cha mẹ đã để một số đồ vật cho con chọn. Cha mẹ muốn con chọn lấy những đồ vật sang trọng để sau này con làm việc nhàn thân và hái ra tiền. Ước mơ của con đã được cha mẹ “lập trình” sẵn. Khi con vào độ tuổi đi học, cha mẹ cũng định hướng ước mơ cho con học trường này, trường kia; đến khi con chuẩn bị vào đại học, cha mẹ cũng sắp đặt hết mọi chuyện cho con. Nếu con không nghe thì dùng biện pháp mạnh buộc con phải nghe theo. Ước mơ thực sự của con khó có thể thực hiện bởi… con phải thực hiện ước mơ của cha mẹ.
Những ước mơ của con thật đáng quý, đáng trân trọng nhưng nhiều bậc cha mẹ lại không cho thực hiện, bởi sau này ra trường làm việc kiếm được ít tiền, sẽ vất vả…; có đủ lý do để cha mẹ không cho con thực hiện ước mơ ấy (cũng có nhiều trường hợp con có những ước mơ viển vông, ảo tưởng, những ước mơ đó cha mẹ không cho là điều rất đúng). Có khá nhiều trường hợp, vì thực hiện theo ước mơ của cha mẹ nên ra trường làm việc, con chẳng yêu thích công việc chút nào, để rồi đành phải “làm lại từ đầu”.
Bạn tôi làm nghề giáo. Bước vào nghề giáo, bạn thấy vất vả quá, làm việc nhiều và trăn trở cũng nhiều nhưng lương bổng không tương xứng nên bạn nói rằng, sau này không cho con làm nghề giáo. Bạn nói có lý do của bạn. Tôi không cho bạn nói đúng hay không. Còn tôi, nếu những đứa con của mình theo nghiệp cha thì tôi hoàn toàn ủng hộ. Bởi tôi nghĩ rằng, hạnh phúc con người là thực hiện đam mê. Luôn tôn trọng sở thích của con mình.
2. Về phương diện thầy cô. Có lẽ trong cuộc đời làm nghề giáo, điều tôi sợ nhất là “đánh cắp” ước mơ của học sinh. Là người thầy, ai cũng muốn tương lai của học sinh mình được tốt đẹp, được thành nhân và thành danh nên thường định hướng cho các em về điều hay, lẽ phải, kể cả định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Song, cũng có khi học sinh nói về ước mơ của mình, thầy cô lại vô tình “chiếm đoạt” ước mơ ấy.
Trong quá trình dạy học, tôi cũng hay trao đổi với học sinh về ước mơ của các em trong tương lai. Lời trao đổi ấy có thể là sự sẻ chia trong giờ học cũng có thể là bài tập làm văn. Tôi muốn hiểu học sinh hơn nên thường ra những đề văn không có trong chương trình nhưng nó gần gũi với cuộc sống đời thường để từ đó có thể chia sẻ với các em trong giờ học cũng như ngoài giờ học. Có những lần tôi hỏi học sinh về ước mơ sau này làm nghề giáo, có lớp chỉ một em chọn, có lớp thì vài em chọn. Từ đó tôi nói với các em, đã chọn nghề giáo thì điều đầu tiên cần có lòng yêu nghề và mến trẻ. Muốn chia sẻ với học sinh thì người thầy phải hiểu học sinh. Càng hiểu học sinh thì người thầy càng gieo đam mê cho học sinh thực hiện. Đâu phải người lớn lúc nào cũng đúng, đâu phải người lớn lúc nào cũng hiểu được tâm tư, tình cảm của trẻ.
Cha mẹ, thầy cô hãy là người bạn tâm tình cùng trẻ trong quá trình các em nói lên ước mơ của mình. Dù ước mơ nghề nghiệp của các em có thể vất vả, có thể không giàu có nhưng đem lại niềm vui và hạnh phúc cho bản thân. Hạnh phúc của con người không phải là thước đo bằng tiền bạc. Hạnh phúc của con người được đo bằng niềm đam mê. Bởi vậy, cha mẹ và thầy cô xin đừng “đánh cắp” ước mơ của trẻ. Đừng để trẻ phải thực hiện ước mơ của người lớn.
Hoàng Thái Hùng
(giáo viên Trường THCS – THPT Bác Ái, TP.HCM)
Bình luận (0)